Chương trình Methadone còn nhiều “rào”

17/08/2012 17:40

Có bệnh nhân tâm sự, trước đây thường xuyên “phê” ma túy từ sáng đến tối, lú lẫn thế nào mà cứ nghĩ con gái mình mới chỉ được 4 tuổi. Điều trị Methadone một thời gian, đầu óc dần tỉnh táo mới “ngã ngửa” vì biết cô bé học sắp hết cấp 1.

Bệnh nhân đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone quận Long Biên - Ảnh Phan Hoàng

Giúp đoạn tuyệt ma túy

Bác Bùi Thị Nụ, (Quận Long Biên, Hà Nôi), có con trai nghiện ma túy hơn 10 năm nhớ lại, trước đây cứ mỗi lần lên cơn nghiện, con trai bác thường tìm đủ mọi cách để có tiền mua ma túy. Sợ anh con trai bí quá hóa liều, làm chuyện phi pháp, mấy anh chị em trong nhà phải thay nhau cho tiền để anh này thỏa mãn cơn nghiện.

Kinh tế gia đình khó khăn nhưng vì thương con, bác Nụ phải vay mượn mỗi người một ít để có tiền đưa con đi cai nghiện. Nghe ở đâu có “thần dược” cai nghiện ma túy thì cho dù có xa xôi đến mấy, bác cũng đưa con trai tìm đến cho bằng được. Nhưng kết quả vẫn chẳng thấy đâu chỉ đến khi được điều trị Methadone thì sức khỏe con bác đã rất yếu. “Nhìn em nó chỉ còn mỗi da bọc xương, nằm trên giường mà đứt từng khúc ruột, mấy mẹ con trong nhà động viên nhau chuẩn bị sẵn tinh thần, đề phòng trường hợp xấu nếu em nó không qua khỏi”, bác Nụ bộc bạch.

Cuối năm 2010, thông qua chính quyền địa phương cùng một số bạn tuyên truyền viên đồng đẳng của quận, con trai bác Nụ được nhận vào điều trị tại cơ sở điều trị Methadone Quận Long Biên. Chỉ sau 2 tháng điều trị Methadone, con trai bác khỏe lên trông thấy. Đến nay, anh còn có thể đỡ đần mẹ nhiều việc gia đình. Quan trọng là anh đã đoạn tuyệt với ma túy. Theo bác Nụ, nếu không “mục sở thị” thì bác chẳng dám tin là có biện pháp cai nghiện hiệu quả như thế.

Bs.Tạ Đức Minh, người trực tiếp điều trị bệnh nhân tại cơ sở Methadone Long Biên cho biết, trong những bệnh nhân đến điều trị Methadone, những trường hợp như gia đình bác Nụ không hiếm. Từ ngày nhận công tác đến nay, anh chứng kiến nhiều trường hợp “nặng” hơn rất nhiều.

Có bệnh nhân “thâm niên” nghiện ma túy đến 33 năm, “chục năm không bước ra khỏi nhà, nằm liệt một chỗ, vài tháng không làm vệ sinh cá nhân là chuyện bình thường”. Gia đình từng đưa đi cai nghiện bằng nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả. Một ngày mà không được mấy liều là toàn thân co giật, sùi bọt mép. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn điều trị Methadone, anh này đã không còn sử dụng ma túy và có thể tự chăm sóc được bản thân.

Bs. Minh cho biết, phần lớn bệnh nhân lúc mới vào điều trị đều trong tình trạng sức khỏe kém, nhiều bệnh nhân nhiễm lao, HIV, viêm gan B,C… một vài trường hợp còn có biểu hiện của chứng loạn thần. Có bệnh nhân từng tâm sự, trước đây thường xuyên “phê” ma túy từ sáng đến tối, lú lẫn thế nào mà cứ nghĩ con gái mình mới chỉ được 4 tuổi. Điều trị Methadone một thời gian, đầu óc dần tỉnh táo mới “ngã ngửa”, cô bé đã học sắp hết cấp 1.

Được triển khai trên địa bàn Quận Long Biên từ tháng 6/2010, đến nay cơ sở điều trị Methadone Quận Long Biên đang tiếp nhận và điều trị 250 bệnh nhân, phần lớn là nghiện heroin. Trong đó có 77 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Theo Bs. Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng cơ sở điều trị Methadone Quận Long Biên, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình đã đem lại những kết quả rất khả quan, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình bệnh nhân.

Nhưng còn nhiều “rào”

Đa phần bệnh nhân sau khi tham gia điều trị đã cải thiện về sức khỏe, thay đổi rõ về ngoại hình, thể chất, giao tiếp tự tin, cải thiện mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Trước điều trị khoảng 150 bệnh nhân có tiền án, tiền sự, sau 12 tháng điều trị 110 người đã hoàn lương. Tỷ lệ bệnh nhân ổn định liều có tham gia công việc giúp đỡ gia đình đạt gần 90%. Khoảng 30% bệnh nhân không còn sử dụng ma túy ngay trong tuần đầu tiên điều trị.

Nhân viên y tế trong giờ làm việc - Ảnh Phan Hoàng

Chia sẻ về những khó khăn của chương trình, Bs. Hiền cho biết, mặc dù mục tiêu điều trị là để bệnh nhân có sức khỏe, có công ăn việc làm ổn định, nhưng hiện nay vì chưa có quy định cấp thuốc ngoài cơ sở, nên những bệnh nhân đi làm hoặc đi làm xa đến uống thuốc không đều. Với một số bệnh nhân ở các quận huyện khác tới Long Biên, do chưa có quy định về xét duyệt và quản lý chung nên rất khó quản lý.

Cán bộ làm việc tại cơ sở mặc dù phải làm việc gần như đủ 365 ngày/năm, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao, lại không có biên chế nên rất khó tuyển dụng. Hiện cơ sở có 14 cán bộ, nhân viên y tế, nhưng hầu hết là kiêm nhiệm. Có người tâm huyết, gắn bó với chương trình thì lại sao nhãng công việc chính được giao.

Bs. Hiền kiến nghị, thành phố nên thống nhất cơ chế quản lý bệnh nhân tại cộng đồng, cũng như mở rộng tiêu chí xét chọn, tạo điều kiện để các bệnh nhân ở những địa bàn lân cận được tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các ngành chức năng quận Long Biên tiếp tục tạo điều kiện, vận động để các đối tượng nghiện tham gia điều trị Methadone.

Theo Bs. Hiền, hiện nay còn rất nhiều người nghiện có nhu cầu nhưng vẫn chưa được tham gia điều trị. Điều này một phần là do cơ sở Methadone tại Long Biên là cơ sở duy nhất trên địa bàn Hà Nội được phép tiếp nhận bệnh nhân ngoại quận. Bên cạnh đó, nhiều người mặc dù có nhu cầu nhưng không dám đăng ký do sợ bị bắt đi cai nghiện hoặc sợ lộ danh tính.

Về vấn đề này, ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống AIDS TP. Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng ở Long Biên mà cở các cơ sở Methadone khác của thành phố cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.

Ông Tuấn cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 21.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Với 6 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động như hiện nay thì tối đa Hà Nội cũng chỉ đáp ứng được cho khoảng 1.500 người. Còn rất nhiều người có nhu cầu vẫn chưa được điều trị. Để đáp ứng nhu cầu điều trị Methadone trên địa bàn, TP. Hà Nội chuẩn bị triển khai thêm 4 cơ sở Methadone mới tại các quận Hoàng Mai, Tây Hồ và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì.

 

Top