Chống tội phạm ma túy tại Indonesia

05/03/2015 18:49

Indonesia là một trong những địa bàn trung chuyển và tiêu thụ cần sa, methamphetamine và heroin lớn trên thế giới. Theo giới chức Indonesia, nước này đã trở thành thị trường tiêu thụ 45% lượng ma túy trong khu vực Đông Nam Á, phần lớn người nghiện là thanh niên.

Lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ tội phạm ma túy

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) trong báo cáo mới công bố về tình hình tội phạm ma túy trên thế giới đã cảnh báo về nguy cơ thị trường ma túy mở rộng tại quốc gia vạn đảo này.

Báo cáo cho biết một lượng lớn methamphetamine vẫn tiếp tục được tinh chế tại Indonesia. Mặc dù số cơ sở sản xuất methamphetamine được phát hiện đã giảm trong những năm gần đây nhưng UNODC lưu ý, điều này không có nghĩa thị trường ma túy Indonesia được thu hẹp, mà ngược lại đang có xu hướng gia tăng bởi các hoạt động buôn bán vẫn diễn ra tấp nập.

Tướng Deddy Fauzi Elhakim, người đứng đầu Cơ quan chống ma túy quốc gia của Indonesia (BNN) cho biết, BNN trong thời gian qua đã phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức ở nước này có liên hệ với các băng nhóm buôn lậu ma túy lớn từ Trung Quốc, Iran và châu Phi. Gần đây số vụ buôn lậu, vận chuyển ma túy qua các cảng hàng không, cảng biển, nhất là tại Kalimantan, bị phát hiện và bắt giữ đã tăng mạnh, trong đó chủ yếu là methamphetamine tinh thể (hay còn gọi là ma túy “đá”) được nhập lậu từ Quảng Châu (Trung Quốc), Australia và New Zealand.

BNN còn lưu ý đến tình trạng sử dụng ma túy trong lực lượng thực thi pháp quyền, mà mới đây nhất là việc 4 cảnh sát tham gia trong một vụ sử dụng quá liều ma túy dẫn đến tử vong tại một hộp đêm ở Tây Jakarta, dẫn tới việc Chính quyền Jakarta đã ban hành lệnh đóng cửa tạm thời hoạt động của các hộp đêm, thu hồi giấy phép hoạt động của các điểm vui chơi giải trí có tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy.

Cơ quan chống ma túy quốc gia của Indonesia cũng cho biết hiện số người sử dụng ma túy tại Indonesia đang gia tăng. Trong năm 2005, 1,75% dân số của Indonesia sử dụng ma túy. Con số này đã tăng liên tục và dự kiến lên tới 2,8% vào năm 2015. Khi đó, số người sử dụng ma túy sẽ vượt quá 5 triệu người. Năm 2014, tội phạm liên quan đến ma túy tăng tới 67 %.  Trước đây, tội phạm ma túy tập trung ở những thành phố lớn, nay đã lan rộng đến nhiều vùng nông thôn ở các quần đảo.

Indonesia cũng là đất nước có quan điểm coi tội phạm ma túy là rất nghiêm trọng và quy định những hình phạt rất nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Án tử hình là bắt buộc đối với những người bị kết tội buôn bán, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hơn 15g heroin, 30g morphine, 30g cocaine, 500g cần sa, 200g nhựa cần cần sa và 1,2 kg thuốc phiện. Tiêu thụ trái phép có thể dẫn đến lên đến 10 năm tù giam hoặc phạt tiền nặng hoặc cả 2 hình thức trên.

Tháng trước, sau một thời gian tạm ngưng 4 năm, Indonesia đã hành quyết nhiều tử tù từ Malawi, Nigeria, Việt Nam, Brazil và Hà Lan, cùng một tù nhân Indonesia. Các vụ hành quyết hàng loạt được thúc đẩy bởi vị Tân Tổng thống Widodo. Ông mới nhậm chức hơn 100 ngày, nhưng đã quyết định lấy cuộc chiến chống ma túy là một ưu tiên chính cho chính quyền của mình với tuyên bố ma túy là vấn đề danh dự của quốc gia.

Ông nói: "Không được can thiệp vào việc tử hình các tay buôn lậu ma túy đã bị kết án. Đây là vấn đề luật pháp, chủ quyền chính trị của chúng tôi, và trong luật Indonesia có án tử hình.” Tổng thống Joko Widodo nói rằng hành vi buôn ma túy đã tàn phá cuộc sống của người dân Indonesia.

Kể từ năm 2013, Indonesia đã thi hành ít nhất 10 vụ tử hình các phạm nhân buôn lậu ma túy. Tháng giêng vừa qua có 5 công dân nước ngoài bị xử bắn.

Bộ luật quốc gia chống các chất gây nghiện cũng tạo điều kiện cho phép Ủy ban Quốc gia chống ma túy về quyền hạn, kinh phí và nhân sự nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo đó, số nhân viên trong các đơn vị đấu tranh phòng, chống ma túy tăng từ 3,8 nghìn năm 2013 lên đến 4,3 nghìn năm 2014 và có kế hoạch tăng cường nhân sự lên đến 5.000 nhân viên đóng quân trên 32 tỉnh, thành vào năm 2015.

Được tăng cường tổ chức, nhân sự và kinh phí, đơn vị đấu tranh phòng, chống ma túy đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường sự phối hợp với cảnh sát quốc gia Indonesia, hải quan, tư pháp, quân đội và một số bộ, ngành khác như xúc tiến chương trình phát triển khu vực nông thôn ở Aceh, các chương trình tư pháp và công nghệ thông tin nhằm vào các băng đảng tội phạm ở các tỉnh Bắc Sumatra và Riau.
Top