Chính sách hình sự đối với tội phạm về ma túy trong triều đại phong kiến Việt Nam

03/08/2015 16:25

Ma túy hủy hoại cuộc sống và cộng đồng, làm xói mòn sự tồn tại và phát triển của loài người và là nguồn phát sinh tội phạm. Ma túy ảnh hưởng mọi lĩnh vực ở các nước. Đặc biệt sự lạm dụng ma túy đã làm ảnh hưởng đến tự do và phát triển của lớp trẻ, một giá trị của nhân loại.

Cây cần sa tươi, các đối tượng trồng để sử dụng bị Cơ quan điều tra thu giữ.

Ma túy là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và sự tồn tại của con người, đến độc lập, dân chủ và ổn định của các Nhà nước và các dân tộc, đến cấu trúc của xã hội, nhân phẩm và hy vọng của hàng triệu người và gia đình họ. Trong triều đại phong kiến Việt Nam coi tác hại của ma túy như “thuốc độc” làm “gầy mòn thành tật tổn thương cơ thể, sinh mạng”. Chính vì vậy pháp luật của triều đại phong kiến đã quy định rất nghiêm khắc đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.

Vào năm Cảnh Trị thứ ba (1665) trước tình hình trồng cây thuốc phiện và nghiện thuốc phiện tràn lan, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã có những quy định pháp luật về “cấm trồng cây thuốc phiện”. Những quy định cấm trồng cây thuốc phiện đã chỉ rõ “con trai, con gái dùng thuốc phiện để thỏa lòng dâm dật, trộm cướp dùng nó để nhòm ngó nhà người ta. Trong khi kinh thành, ngoài thì thôn xóm vì nó mà có hỏa hoạn khánh kiệt tài sản. Vì nó mà thân thể tàn tạ người chẳng ra người. Từ nay về sau, quan lại và dân chúng không được trồng hoặc mua thuốc phiện. Ai trồng thì phải phá đi, người nào chứa thì phải hủy đi.”

Đầu thế kỷ thứ XIX, mặc dù bị cấm gắt gao nhưng do ảnh hưởng của cuộc “chiến tranh nha phiến” giữa Trung Quốc và Anh nên tình trạng nghiện hút ở nước ta vẫn tăng nhanh, chẳng những dân chúng mà đến cả quan lại, người quyền quý cũng đua nhau hút thuốc phiện. Trước tình hình đó, năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Nhà vua đã quy định “thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn, lêu lổng, lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường nghiện thì không thể bỏ qua được. Quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật tổn thương cơ thể, sinh mạng nên bàn để cấm đi”.

Tháng ba âm lịch năm 1824 vua Minh Mạng lại ban hành thêm quy định mới với nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn như: “Những khách buôn ngoại quốc bán thuốc phiện, quân dân cố ý hút trộm thuốc phiện đều bị tội mãn lưu (đày đi xa 3000 dặm). Cha anh không ngăn cấm con, hàng xóm không tố giác đều bị tội mãn trượng (đánh 100 gậy). Các quan chức hút trộm thuốc phiện đều bị cắt chức, bị phạt trượng và mãi mãi không được tái bổ nhiệm. Gia sản người phạm tội bị tịch thu và xung thưởng cho người cáo giác”. Năm 1839, cuộc “chiến tranh nha phiến” xảy ra giữa Trung Quốc và Anh, thuốc phiện chủ yếu do thực dân Anh mang đến. Ở Việt Nam, thuốc phiện chủ yếu do những thương nhân Trung Quốc lén lút đưa vào. Để ngăn chặn thuốc phiện từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam, đầu năm 1840 Vua Minh Mạng lại ban hành quy định “Thuyền buôn chứa, giấu thuốc phiện hoặc thuê mướn thuyền khác vận chuyển thì chủ thuyền phải chịu tội tử hình. Nếu khám xét thấy chứa, giấu thuốc phiện dưới 1 kg thì phải xử giam hậu, trên 1 kg xử giảo (treo cổ hành hình). Thuyền bè hoặc chủ hàng trong nước nhận vận chuyển hoặc tàng trữ thuốc phiện cho người nước ngoài cũng chịu tội như thế”. Luật năm 1840 có ghi “ người nào phát hiện kẻ tàng trữ, buôn bán thuốc phiện dưới 1 kg thì thưởng 100 quan tiền, trên 1 kg thưởng 150 quan tiền, trên 3 kg được thưởng thêm. Quan lại khám xét  được thưởng số tiền tương đương một nửa vật chứng và được thăng một cấp”.

Ngoài ra, vào thời kỳ đó Nhà nước phong kiến cũng đã chú trọng đến các biện pháp điều trị cho người nghiện hút. Triều đình có lệnh cho những người nghiện hút hạn trong 6 tháng phải ra khai báo và cai nghiện. Các quan địa phương phải chú ý và giúp người nghiện hút tìm ra biện pháp, phương pháp cai nghiện có hiệu quả.

Như vậy cách đây gần hai trăm năm pháp luật của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quy định và xử lý rất nghiêm khắc đối với các hành vi tàng trữ, mua bán ma túy, đặc biệt là hành vi vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời đề cao trách nhiệm của quan chức, mỗi công dân, trách nhiệm của gia đình trong việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy. Các quy định pháp luật ở Việt Nam trong các triều đại phong kiến đã thể hiện được quan điểm, thái độ của nhà cầm quyền lúc bấy giờ là đấu tranh kiên quyết đối với các hành vi liên quan tới việc sử dụng, buôn bán ma túy. Các quy định về xử lý đối với các hành vi phạm cũng rõ ràng, hình phạt rất nghiêm khắc, các chế tài tạo điều kiện cho việc đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy và cả chế tài đối với người thân của họ khi để con em mình có hành vi vi phạm đến quy định cấm đoán về ma túy.

Top