Cần Thơ: Nhiều bệnh nhân bỏ điều trị Methadone

06/07/2015 15:49

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được bắt đầu triển khai từ 25/6/2010 tại Cần Thơ. Chương trình giúp bệnh nhân từ bỏ heroin, tái hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp bệnh nhân bỏ điều trị.

 

Cơ sở điều trị Methadone tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ - Ảnh: Thanh Trà

Thực hiện lộ trình đăng ký với Bộ Y tế, đến nay, Cần Thơ đã triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone tại 4 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn). Qua 5 năm triển khai, chương trình điều trị Methadone cho hiệu quả rõ rệt đối với những bệnh nhân điều trị đúng lộ trình.

Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ cho biết: Điều trị Methadone đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người nghiện cũng như thành phố ổn định an ninh trật tự, giảm tội phạm. Để thuận tiện cho người nghiện heroin tham gia chương trình, cơ sở quận Ninh Kiều mở cửa phục vụ từ 6 giờ sáng, như vậy bệnh nhân có thể đi làm việc sau khi uống thuốc, đồng thời các cơ sở điều trị đã đơn giản hóa thủ tục.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai điều trị Methadone, chương trình phát sinh nhiều hạn chế, nhất là số người bỏ điều trị rất cao. Tính đến tháng 5/2015, toàn thành phố có 1.214 bệnh nhân đến các cơ sở đăng ký điều trị. Trong đó có 1.041 bệnh nhân được duyệt điều trị; 991 bệnh nhân được phê duyệt đến điều trị. Tuy nhiên, chỉ có 557 bệnh nhân duy trì điều trị, đạt 50,6% chỉ tiêu Chính phủ và trên 49% chỉ tiêu thành phố giao. Trong số 386 bệnh nhân bỏ điều trị, có 223 bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, 129 bệnh nhân bị bắt đưa vào tập trung do vi phạm pháp luật...

Số liệu thống kê cũng cho thấy, Cần Thơ đứng trong nhóm các tỉnh, thành tỷ lệ bỏ điều trị cao. Lý giải về nguyên nhân, lãnh đạo cơ sở quận Cái Răng cho rằng: Do phải uống Methadone mỗi ngày và có thể kéo dài đến suốt đời nên một số bệnh nhân không kiên trì. Một số bệnh nhân bận bịu việc làm, nhà ở xa nên khó điều trị lâu dài. Có bệnh nhân thấy mình liều uống thấp, cảm thấy ổn nên tự ý bỏ điều trị…

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Lam, do các cơ sở chưa tìm được nguyên nhân từng bệnh nhân bỏ điều trị nên việc vận động bệnh nhân quay lại điều trị còn quá ít. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ hiện đang đề nghị Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI) hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí điều tra tình hình bệnh nhân bỏ điều trị Methadone. Khi được chấp thuận, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ sở đưa ra giải pháp khắc phục.

Theo phản ánh của các cơ sở, nhiều bệnh nhân uống Methadone nhưng vẫn sử dụng ma túy tổng hợp trong khi các cơ sở không có xét nghiệm kiểm tra các loại ma túy này. Trong khi đó, Methadone không có tác dụng điều trị với ma túy tổng hợp nên rất khó khăn trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân dạng này.

Bên cạnh đó, các bác sĩ tuyến cơ sở cho rằng, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn việc bệnh nhân điều trị ổn định, liều thấp được ra khỏi chương trình.

Để tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở, thời gian tới, Cần Thơ phấn đấu tăng tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị, đồng thời ưu tiên đào tạo nghề, cho vay vốn, giải quyết việc làm cho bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, uống liều Methadone thấp, để tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Các cơ sở điều trị xây dựng chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các địa phương có người uống Methadone tại cơ sở; theo dõi bệnh nhân bỏ liều, từ đó có biện pháp tăng cường tư vấn, động viên, tránh tình trạng bệnh nhân điều trị Methadone bỏ liều điều trị.
Top