Cảm hóa người nghiện phải "mưa dầm thấm lâu"

26/12/2013 14:23

Bản thân đã từng nghiện ma tuý, nên anh Trần Nhật Tú (phường Vĩnh Thọ, Tp Nha Trang, Khánh Hoà) rất hiểu tâm lý của những nghiện. Trở thành tình nguyện viên, anh không nói với họ về tác hại của ma tuý mà anh nói về cuộc sống, về tương lai, về những mặt tích cực khi từ bỏ ma tuý. Bằng những trải nghiệm của mình, anh đã cảm hoá được nhiều người nghiện ở phường Vĩnh Thọ.

Tú sinh ra trong một gia đình làm nghề biển ở Khánh Hoà. Nhà Tú có 4 anh chị em, mẹ mất sớm, bố đi làm biển vài tháng mới về nhà một lần. Do thiếu sự chăm sóc của mẹ và dạy dỗ của cha nên Tú bị bạn bè rủ rê và sử dụng ma tuý từ năm 2009.

Anh Trần Nhật Tú rất tự hào khi khoác trên mình bộ áo xanh tình nguyện. Ảnh Nhật Thy

Năm 2006, Tú được gia đình đưa đi cai nghiện ở Trung tâm. Khi trở về, được sự quan tâm của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh đã quyết tâm từ bỏ ma tuý. Mong muốn làm lại từ đầu, Tú đăng ký đi học lớp Trung cấp kế toán của trường Cao đẳng Công thương TP HCM. Tỉnh Khánh Hòa cũng kịp thời hỗ trợ cho anh vay vốn với số tiền 20 triệu đồng.

Tốt nghiệp Cao đẳng, anh được UBND phường Vĩnh Thọ tín nhiệm làm Tổ phó Tổ dân phố, Tổ trưởng Ban bảo vệ dân phố, Bí thư chi đoàn ở địa bàn khu dân phố Hải Phước nơi anh sinh sống. Sau đó anh được bầu là Đội phó Đội tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội phường Vĩnh Thọ.

Phường Vĩnh Thọ có 9 tổ dân phố, mỗi tổ dân phố có từ 3 đến 5 người nghiện. Anh Tú đã cùng Đội tình nguyện phối hợp cùng Tổ trưởng Tổ dân phố, Công an khu vực, Hội phụ nữ để tư vấn, tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi, thu nhặt bơm kim tiêm. Anh đến các gia đình có con em nghiện ma tuý để vận động họ đưa con em đi cai nghiện, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho từng hộ gia đình.

Anh Tú kể, nhiều gia đình có con nghiện ma tuý không muốn hợp tác với chính quyền do nhận thức của họ còn hạn chế. Họ một phần e ngại không muốn công khai tình trạng nghiện của con mình, phần vì bao che dung túng con cái. Vì thế anh phải tìm cách tiếp cận với các gia đình để tạo sự gần gũi, thân thiện, tạo lòng tin ở họ sau đó mới tư vấn.

Một lần, rồi nhiều lần, anh không nản, quyết tâm đến từng gia đình để hướng dẫn, tư vấn, động viên, cảm hoá. Đến nay đã có 10 gia đình người nghiện được anh tư vấn và tự nguyện đưa con em đi cai nghiện.

Anh Tú tâm sự, để cảm hoá được một người đã khó, là người nghiện còn khó hơn nhiều. “Lúc đầu họ cũng không để ý đến những điều tôi nói, nhưng tôi nghĩ do họ thiếu niềm tin nên tôi kiên trì tiếp cận, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhiều lần như thế họ đã hiểu ra và tự tin hơn.”, anh Tú kể.

Ngoài việc tư vấn, cảm hoá, anh Tú cùng các tình nguyện viên phường Vĩnh Thọ thường xuyên giúp đỡ các anh em trở về từ Trung tâm cai nghiện.

Nhờ các hoạt động của Đội tình nguyện, đến nay nhận thức của bà con trong phường đã được nâng cao. Họ quan tâm hơn đến việc quản lý, giáo dục con cái. Năm 2012, phường Vĩnh Thọ đã tổ chức cai nghiện ma tuý tại phường theo Nghị định 94/2010. Từ khi phường tổ chức cai nghiện, anh Tú đã vận động và hỗ trợ làm hồ sơ cho 2 đối tượng tham gia cai nghiện tại phường.

Theo anh Tú, làm công tác tình nguyện trước hết phải nhiệt tình, không ngại khó khăn, nguy hiểm, phải có tấm lòng bao dung, biết chia sẻ, đồng cảm với họ. Có như vậy người tình nguyện viên mới tiếp cận được để tư vấn, hướng dẫn và định hướng cho họ cách làm thế nào để có thể từ bỏ ma tuý và làm lại cuộc đời.

Top