Cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng bền vững

08/12/2014 14:52

Đó là trường hợp của anh N.N.H, sinh năm 1973, tại Mỹ Cầu, Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

N.N.H sinh ra trong một gia đình có 3 anh, chị em. H. là con út, trên H. có 2 chị gái. Bố mất sớm, H. lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ. Cuộc sống không vất vả, được cho ăn học đầy đủ, nhưng khi đến tuổi thanh niên, bị bạn bè lôi kéo, không làm chủ được bản thân, H. đã bỏ học khi đang học lớp 11 tại Trường chuyên ban Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang để sa đà vào đám bạn hư hỏng. Anh bắt đầu sử dụng ma túy từ cuối năm 1996.

Trước khi nghiện ma túy, H. có mở xưởng mộc (năm 1990-1994) tại nhà và nhận các đơn hàng về làm, thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Đã từng có một xưởng mộc, nhưng N.N.H đã mất tất cả vì ma tuý. Ảnh minh hoạ

Thời gian đầu, khi mới sử dụng ma túy, H. vẫn làm việc bình thường, cuộc sống ổn định. Càng về sau, H. càng thấy bế tắc, chỉ muốn sử dụng ma túy mà không muốn làm gì khác.

Cuối năm 2008 thì H. bỏ hẳn nghề mộc, chuyển sang làm cho công ty bảo vệ, chủ yếu là đi đòi nợ thuê, sau cùng thì bỏ hẳn, chỉ ở nhà sử dụng ma túy. Hết tiền mua ma túy, H. lại xin gia đình, người thân. Vay mượn nhiều quá mà không trả được, bạn bè, người thân ngày càng tránh xa. Vợ và con gái cũng chuyển về nhà ông bà ngoại. H. ở nhà một mình, tiếp tục giao du với những người sử dụng ma túy. Cuộc sống của bản thân và gia đình H. lúc đó thật sự khó khăn.

Thỉnh thoảng trong những lúc tỉnh táo hiếm hoi, nhìn người mẹ già nua và khốn khổ vì đứa con trai duy nhất mắc nghiện, H. cũng muốn cai nghiện và đã tự cai tại nhà. H. sử dụng dây chun để buộc vào những chỗ cảm thấy buồn bực (cảm giác giòi bò) nhưng không vượt qua được mà lại tìm đến ma túy.

Cuối năm 2010, được sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, H. làm thủ tục vào Trung tâm GDLĐXH tỉnh chữa trị, cai nghiện.

Chấp hành xong thời gian cai nghiện tại Trung tâm, trở về địa phương, H. đã quyết tâm bỏ hẳn ma túy. Khó khăn nhất lúc đó là bạn cũ đã nhiều lần đến nhà và bảo H tiếp tục sử dụng ma túy cùng với họ, nhưng H đã kiên quyết từ chối và không cho chọ đến nhà nữa.

Trước đây, H. làm nghề mộc rất thông thạo, ở địa phương, ai cũng biết.  Để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình, H. đã xin đi làm tại xưởng sản xuất đồ gỗ ở địa phương. H. làm chăm chỉ và có trách nhiệm, tiền lương hàng tháng gửi hết cho mẹ giữ, khi nào có việc cần mới lấy. Từ đó đến nay, H. đã thay đổi và được mọi người tin tưởng. Vợ và con đã dọn về ở cùng, gia đình lại đầm ấm như xưa.

H. chia sẻ, để từ bỏ, không sử dụng lại ma túy và có được cuộc sống như ngày hôm nay, đó là sự cố gắng của bản thân anh và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp chính quyền trong xã, trong thôn, đặc biệt là sự chăm sóc, động viên của mẹ. Để tránh không sử dụng lại ma túy, H đã nghĩ đến những ngày vất vả, khốn khổ khi sử dụng ma túy: gia đình mỗi người một nơi, kinh tế khó khăn, không có việc làm, không có thời gian và kinh tế để chăm sóc cho gia đình, nhất là con gái, sức khỏe và tinh thần giảm sút nhanh chóng, sự xa lánh của bạn bè, bà con hàng xóm.

Theo H, để giúp người nghiện cai nghiện và không tái nghiện, chính quyền các cấp nên  phổ biến, tuyên truyền về tác hại của ma túy tới cộng đồng; động viên khuyến khích người nghiện cai nghiện tại Trung tâm, gia đình, cộng đồng; mở các lớp học nghề phù hợp với tình hình tại địa phương cho người nghiện; giới thiệu các dịch vụ việc làm đối với người nghiện; giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương để giúp người cai nghiện không bị các đối tượng nghiện ma túy lôi kéo, đe dọa dính vào tệ nạn này.

Top