Cai nghiện bằng methadone: Hiệu quả tích cực

02/06/2010 12:26

Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 80.000 người nghiện ma túy được tham gia chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone.

 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi, động viên một số bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone tại cơ sở điều trị huyện Từ Liêm, Hà Nội

Ảnh: Chinhphu.vn

Methadone: Chất thay thế an toàn

Methadone là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện, tác động chủ yếu trên các thụ thể ở não. Tương tự như các chất dạng thuốc phiện khác (heroin, morphine), methadone có tác dụng giảm đau, giảm ho, êm dịu, giảm hô hấp và gây nghiện, nhưng gây khoái cảm yếu và có tác dụng kéo dài hơn.

Methadone được dùng bằng đường uống, tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 3 đến 4 giờ; thời gian bán hủy trung bình của thuốc là 24 giờ và thời gian đạt được nồng độ ổn định khoảng 3 đến 10 ngày. Sau một thời gian điều trị thuốc methadone, có thể giảm liều và tiến tới ngừng sử dụng methadone.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều trị người nghiện các chất các dạng thuốc phiện bằng methadone an toàn và hiệu quả với tỷ lệ duy trì điều trị cao; đồng thời giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng các dạng thuốc phiện, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và giúp ổn định cuộc sống, có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, điều trị bằng methadone còn có tác dụng thường xuyên và kéo dài với chi phí thấp; giảm tình trạng vi phạm pháp luật của người nghiện và giảm các nguy cơ gặp phải khi quá liều.

Được biết, người bệnh được tham gia điều trị bằng methadone phải là người đang nghiện các chất dạng thuốc phiện theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện các chất dạng thuốc phiện của Bộ Y tế. Từ 18 tuổi trở lên (trường hợp đặc biệt, người từ 16 đến dưới 18 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó phải tự nguyện và cam kết bằng văn bản tuân thủ phác đồ điều trị); phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng methadone; không có chống chỉ định sử dụng thuốc methadone và phải có giấy giới thiệu của UBND xã, phường.

Đặc biệt người bệnh sẽ được ưu tiên lựa chọn tham gia điều trị thay thế bằng thuốc methadone khi có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau: người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng đường tiêm chích; thời gian nghiện ít nhất là 3 năm; đã cai nghiện nhiều lần bằng các phương pháp khác và những người tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Hiệu quả rõ rệt

Các đối tượng cai nghiện ma tuý tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Vũ Oai 

Ảnh: TTXV

Thạc sĩ Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, từ khi bắt đầu điều trị đến nay, chưa có bệnh nhân nào xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng và không có bệnh nhân tử vong do quá liều.

Sau một thời gian triển khai, biện pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone có hiệu quả rõ rệt giúp bệnh nhân giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu một trung tâm giáo dục lao động xã hội hoàn chỉnh hết từ 50-70 tỷ đồng để cai nghiện cho 800-1.000 người, mỗi người nghiện phải chi phí gần 70 triệu đồng. Trong khi đầu tư xây dựng mỗi cơ sở điều trị methadone cho 250 người nghiện chỉ hết gần 5 tỷ đồng. Như vậy, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho điều trị methadone chỉ bằng 1/10 cho cai nghiện tập trung.

Ở mức công suất điều trị 150 bệnh nhân/cơ sở điều trị, chi phí trung bình trên ngày-người điều trị là 21.700 đồng (7.914.000 đồng/bệnh nhân/năm). Với quy mô điều trị 250 bệnh nhân/cơ sở điều trị, chi phí trung bình trên ngày–người điều trị là 15.500 đồng (5.634.000 đồng/bệnh nhân/năm).

Hiện chương trình methadone đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng.

Theo đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, sau 9 tháng triển khai điều trị bằng methadone chỉ có 12,5% bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nước tiểu tìm thấy heroin ( ) vào cuối tháng thứ 9; tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm, mất hy vọng giảm từ 44,9% trước điều trị xuống còn 3,5%; tỷ lệ bệnh nhân có việc làm tăng từ 41% trước điều trị lên 53%...

 Đặc biệt, đa số các bệnh nhân tham gia điều trị đã có những chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 80.000 người nghiện ma túy được tham gia chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone.


Top