Cai nghiện bằng Methadone giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS

01/12/2015 15:47

Xác định vai trò quan trọng của methadone đối với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2009 - 2014, thành phố Hà Nội đã thực hiện thành công đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và duy trì 6 cơ sở điều trị. Đầu năm 2015, TP. Hà Nội triển khai thêm 11 cơ sở điều trị Methadone nâng tổng số lên 17 cơ sở điều trị với 3.122 bệnh nhân. Điều trị bằng methadone đang mang lại nhiều hiệu quả.

Điều trị nghiện ma túy bằng methadone giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng

Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS giảm

Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sau 5 năm triển khai, chương trình thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đã có hiệu quả tốt, giúp bệnh nhân điều trị an toàn, thay đổi hành vi nhận thức, tăng thể trạng sức khỏe, giảm sử dụng heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra. Nhờ việc tham gia điều trị methadone, các bệnh nhân đã lấy lại được niềm tin của gia đình và tự đến uống thuốc hằng ngày tại các cơ sở điều trị. Một số người đã tìm được việc làm giúp đỡ gia đình và bước đầu ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone cũng đã chứng tỏ hiệu quả về dự phòng lây nhiễm HIV, xã hội, kinh tế tại Hà Nội. Nhờ đó, việc triển khai thí điểm điều trị methadone trên địa bàn TP đang được các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội đồng tình ủng hộ, dư luận xã hội hoan nghênh, mong muốn mở rộng điều trị methadone để đáp ứng nhu cầu của gia đình và bệnh nhân trong việc điều trị có hiệu quả bằng Methadone tại cộng đồng và không phải cai nghiện tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, giảm tệ nạn, tội phạm xã hội.

Ông Lê Nhân Tuấn - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Hà Nội - cho biết: Hiện Hà Nội có tổng số người nghiện theo danh sách quản lý là 16.066 người, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone chỉ là hình thức điều trị nghiện (cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tại cộng đồng, cai nghiện tự tập trung tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội, điều trị methadone). Số người nghiện có mặt tại cộng đồng khoảng 8.000 người. Số còn lại đang ở các trung tâm giáo dục lao động xã hội, trại tạm giam, trại giam, vắng mặt nơi cư trú, do đó chỉ tiêu mà thành phố được giao là rất cao.

Thực tế triển khai cho thấy methadone giúp các bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện khác giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm lây nhiễm HIV, có cuộc sống bình thường và việc làm ổn định, song vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một số ít bệnh nhân mặc dù đã được điều trị ổn định bằng methadone nhưng vẫn còn sử dụng chất ma túy tổng hợp làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị và hiệu quả chương trình methadone. Cùng với đó, để đảm bảo hiệu quả thì các bệnh nhân phải có ý chí và quyết tâm cao, phải tự nguyện và hợp tác tốt với cơ sở điều trị.

Điều kiện để được điều trị bằng methadone

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), điều trị duy trì dài hạn bằng methadone hay trị liệu - liệu pháp duy trì bằng methadone là một trong những phương pháp trị liệu bằng thuốc cho những người nghiện các loại thuốc trong nhóm á phiện, đặc biệt cho những người xử dụng bạch phiến (heroin). Methadone là một loại thuốc á phiện tổng hợp (synthetic opiate) có tác dụng lâu hơn heroin, làm giảm bớt cơn thèm và triệu chứng vã thuốc.

Methadone được phân phối dưới dạng xirô để uống và được các bác sĩ đã được Bộ Y tế cấp phép kê toa cho những người nghiện heroin dùng hằng ngày. Người nghiện được uống methadone hằng ngày, giúp họ sinh hoạt bình thường (trừ việc lái xe hoặc điều khiển máy móc). Methadone rẻ hơn heroin và tác dụng trong cơ thể lâu hơn heroin. Một liều tác dụng khoảng 24 giờ, cho nên người nghiện được ổn định cơn nghiện để làm việc, để giải quyết mọi công việc trong cuộc sống hằng ngày không phải lo nghĩ tìm kiếm heroin cho cơn nghiện kế tiếp. Chương trình điều trị có thể kéo dài khoảng hai năm hoặc lâu hơn. Khi nào bệnh nhân muốn kết thúc việc điều trị, bác sĩ điều trị sẽ giảm dần dần liều lượng. Thông thường khoảng từ 3 đến 12 tháng tùy theo lượng methadone họ đang sử dụng.

Người nghiện ma túy và gia đình cần liên lạc với các dịch vụ điều trị về ma túy của Bộ Y tế địa phương, hoặc các bác sĩ gia đình đã được Bộ Y tế cấp phép để được cho toa methadone làm căn cứ chẩn định về mức độ nghiện ma túy. Nếu thấy thích hợp với chương trình methadone, bác sĩ sẽ làm tờ trình đề nghị Bộ Y tế cho phép người nghiện tham gia chương trình. Sau đó, hằng ngày người nghiện đến trung tâm y tế đã được sắp xếp để uống thuốc dưới sự giám sát của nhân viên phát thuốc.

Top