Bước ngoặt trong điều trị nghiện ma túy tại Malaysia

26/12/2011 08:33

Với vị trí địa lý nằm gần khu vực Tam giác vàng nên Malaysia có tỷ lệ cao số người sử dụng heroin và các loại ma túy tổng hợp. Theo ước tính của Nhóm Tham chiếu số liệu (Reference Group) thuộc Liên Hợp Quốc về HIV và Tiêm chích ma túy thì số người sử dụng ma túy ở Malaysia khoảng từ 170.000 đến 240.000 người.

Luật Quản lý, Điều trị và Phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy (The Drug Dependants Treatment ang Rehabilitation Act) của Malaysia ban hành năm 1983 quy định không bắt giam những người sử dụng ma túy mà chuyển họ vào các chương trình cai nghiện bắt buộc 2 năm tại các trung tâm cai nghiện phục hồi (gọi là PUSPEN) hoặc bị quản lý 2 năm tại cộng đồng. Các trung tâm này chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tư pháp thuộc Bộ An ninh và Cơ quan phòng, chống ma túy quốc gia (viết tắt là AADK).

Hiện Malaysia có 28 trung tâm cai nghiện của nhà nước hoạt động song song với hệ thống nhà tù dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo của Cơ quan phòng, chống ma túy quốc gia. Ngoài các trung tâm nêu trên còn có 66 trung tâm phục hồi tư nhân khác cũng được cấp phép hoạt động.

Điều quan trọng, tỷ lệ tái nghiện sau khi rời trung tâm cai nghiện của các bệnh nhân rất cao, khoảng từ 70 đến 90%.

Trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ nhóm người tiêm chích ma túy (22% trong khoảng 170.000 người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV), Chính phủ Malaysia cần phải đưa ra biện pháp khẩn cấp để ứng phó với đại dịch này, và các biện pháp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV đã được triển khai nhanh chóng, với độ bao phủ cao: Năm 2004, chương trình phát bơm kim tiêm sạch được thực hiện, năm 2005 chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã được triển khai và mở rộng.

Kết quả của các chương trình này đã làm giảm dần số người bắt buộc đưa vào trung tâm cai nghiện tập trung (số người cai nghiện tại các trung tâm giảm từ khoảng 10.000 người vào năm 2003 xuống 6.900 người vào cuối năm 2009). Năm 2010, Malaysia có 211 cơ sở điều trị bằng methadone do nhà nước quản lý, với hơn 10.700 bệnh nhân được điều trị và khoảng 10.000 người được điều trị tại các cơ sở điều trị bằng methadone tư nhân có thu phí. Ngoài ra, còn có khoảng 18.000 người tiêm chích ma túy đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ tại 240 điểm cung cấp các dịch vụ thuộc chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch.

Năm 2010, AADK đã đề ra mục tiêu ưu tiên mới trong công tác cai nghiện phục hồi, đó là thay thế các trung tâm cai nghiện bắt buộc (PUSPEN) bằng các Phòng khám và Điều trị Một Malaysia (Cure and Care One- Malaysia Clinic). Nội dung của chương trình này là người nghiện ma túy và gia đình của họ có thể đến khám và chữa bệnh tại các phòng khám vào bất cứ thời gian nào, không phải thực hiện các thủ tục về pháp lý. Việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại các phòng khám này là tự nguyện, bí mật và miễn phí, không có sự ràng buộc về thời gian và hoàn thành chương trình điều trị. Mỗi bệnh nhân tự xác định cho mình mục đích, mục tiêu, kế hoạch và kết quả điều trị, cơ quan y tế xây dựng phác đồ điều trị riêng phù hợp với từng bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo quan điểm cảu Cơ quan phòng, chống ma túy quốc gia thì các Phòng khám và Điều trị kiểu này này cần xác định rõ cho người nghiện ma túy rằng “…không một phương pháp nào có thể đơn phương giải quyết triệt để vấn đề nghiện ma túy”. Điều này có nghĩa là hệ thống Phòng khám và Điều trị Một Malaysia dưới sự hỗ trợ của Bộ An ninh và AADK sẽ cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy một cách toàn diện cho bệnh nhân bao gồm từ dự phòng, điều trị, phục hồi đến các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm đáp ứng nhu cầu về lĩnh vực y tế và xã hội cho người sử dụng ma túy. Hệ thống này có thể hoàn toàn thực hiện được một cách khả quan và tiết kiệm thông qua việc lồng ghép dịch vụ vào hệ thống chăm sóc y tế thường quy.

Malaysia dự kiến sẽ nâng tổng số các Phòng khám và Điều trị Một Malaysia lên 93 cơ sở vào cuối năm 2011, với hình thức chuyển đổi các Trung tâm cai nghiện bắt buộc thành loại hình này.

Top