Bình tĩnh đối phó với người 'ngáo đá'

14/03/2019 07:46

Nếu bị người "ngáo đá" khống chế, đe dọa, cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản là tuyệt đối không để đối tượng bị kích động, thậm chí người đối diện phải "cuốn" theo ảo giác của đối tượng để làm chủ tình hình

Ngày 21-11-2018, sau khi sử dụng ma túy đá, Lê Ngọc Hà (33 tuổi; TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã đưa con lên nhà cao tầng, ném con từ trên mái nhà xuống đất và bị bắt sau đóẢnh: Hải Vũ

Vụ án Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) giết 4 người gây xôn xao dư luận, nhất là việc Nam bị nghi sử dụng ma túy đá đã làm dấy lên mối lo ngại về tội phạm "ngáo đá".

"Ngáo đá" vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự

Từ lúc ma túy đá xuất hiện ở Việt Nam đã có nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà hung thủ thực hiện trong cơn cuồng loạn. Vậy người "ngáo đá" có được hiểu là mất năng lực hành vi dân sự? Kẻ phạm tội trong tình trạng "ngáo đá" sẽ bị xử phạt như thế nào…? Đó là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Ở góc độ y học, sau khi sử dụng methamphetamine, người "ngáo đá" có triệu chứng của người mắc bệnh tâm thần, bị hoang tưởng, bị tách rời khỏi thực tại, mất khả năng làm chủ hành vi.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, không thể đánh đồng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng "ngáo đá" với người mắc bệnh tâm thần phạm tội. Người mắc bệnh tâm thần bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bệnh tật, tức là do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn. Trái lại, việc mất khả năng nhận thức của người "ngáo đá" là do hệ quả trực tiếp từ hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác, người phạm tội chủ động sử dụng ma túy dù đã biết có thể ảnh hưởng đến thần kinh chứ không phải do nguyên nhân khách quan.

Do đó, pháp luật hiện hành không xem họ là người mắc bệnh tâm thần. Điều 13 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định "người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự". Như vậy, người "ngáo đá" phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra, tương tự như người phạm tội trong tình trạng say rượu.

Đừng kích động kẻ "ngáo đá"

Đối phó với một người ở trạng thái tinh thần không kiểm soát được là một điều không dễ, nhất là làm thế nào không gây nguy hiểm cho bản thân, người xung quanh lẫn đối tượng.

Khi "ngáo đá", thần kinh bị kích động mạnh, có thể dẫn tới những hành vi nguy hiểm, vì vậy, cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản là tuyệt đối không để đối tượng bị kích động, thậm chí người đối diện phải "cuốn" theo ảo giác của đối tượng để làm chủ tình hình.

Nếu bất ngờ bị đối tượng "ngáo đá" khống chế, đe dọa tính mạng, cần hết sức bình tĩnh, tránh có những hành động làm họ hoảng sợ, kích động vì lúc đó khả năng gây án của họ rất cao, hậu quả sẽ khó lường. Nên làm theo yêu cầu của đối tượng, dùng lời lẽ nhẹ nhàng để trấn an, thuyết phục đối tượng làm theo ý mình và nhanh chóng cách ly với người xung quanh, làm cho đối tượng bình tĩnh hơn, chờ cơ hội chạy thoát khỏi sự khống chế của đối tượng hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu.

Không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm. Không được tiếp cận đối tượng quá gần khi chưa có những biện pháp phòng ngừa kèm theo và tránh để bị đối tượng "ngáo đá" gây sát thương. Nếu nhận thấy đối tượng có hành vi hung hãn hoặc cầm hung khí và phương án giải thích, thuyết phục không thành, diễn biến sự việc ngày càng khẩn cấp, buộc phải xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của họ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho mình hoặc cho người khác thì đó là hành vi phòng vệ chính đáng, được pháp luật bảo vệ (điều 22 Bộ Luật Hình sự 2015).

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát, phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân khi được yêu cầu. Nếu phát hiện người thân nghiện ma túy đá, gia đình nên nhanh chóng đưa đối tượng đến các trung tâm cai nghiện. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phối hợp với gia đình và nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại do ma túy đá gây ra. 

 

Lưu ý phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng cũng áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu hành vi nguy hiểm của người "ngáo đá" đã chấm dứt mà người dân tiếp tục tấn công gây thương vong hoặc thương tích cho họ thì bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tùy vào mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" hoặc tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác" do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Gây án vì hoang tưởng

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Minh Khuyên - chuyên khoa Tâm thần kinh, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, nguyên giám định viên pháp y tâm thần - mỗi loại ma túy sẽ gây tác động tới người dùng theo cách khác nhau. Với heroin, người nghiện khi "phê" thường muốn tìm một nơi nào đó nằm để tận hưởng cảm giác lâng lâng. Còn amphetamine hay methamphetamin (thường được gọi chung là "hàng đá") lại thường kích hoạt cơn loạn thần cấp dạng hoang tưởng, khiến người nghiện làm những hành động mất kiểm soát gây hại cho bản thân và người xung quanh.

BS Khuyên cảnh báo nếu dùng "hàng đá" nhiều lần, người nghiện dễ mắc bệnh tâm thần thực sự, khiến những cơn hoang tưởng kéo dài triền miên. "Nếu phát hiện người thân có sử dụng ma túy đá, gia đình cần khuyên nhủ, thuyết phục, xóa hết các số điện thoại có liên quan nguồn cung cấp thuốc. Tiếp theo, nhất thiết phải đưa người dùng ma túy đá đến BS chuyên khoa tâm thần" - BS Khuyên khuyến cáo.A.Thư

 
Top