Bắc Kạn: Cần tháo gỡ khó khăn trong cai nghiện tập trung

27/07/2015 16:47

Công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều địa phương chưa thực hiện được hoặc triển khai rất chậm, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?

Đến nay, toàn tỉnh mới đưa được 3 người đi cai nghiện tập trung. Ảnh minh họa

Theo ông Mai Xuân Thu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, những vướng mắc trong thủ tục là nguyên nhân chính khiến công tác đưa nghười nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung bị chậm trễ, việc phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương chưa thực sự hiệu quả khiến công tác xét các hồ sơ đủ điều kiện vào Trung tâm chữa bệnh - giáo dục và lao động xã hội tỉnh trong gần 2 năm qua được triển khai rất chậm.

Bên cạnh đó, việc lập hồ sơ các đối tượng, tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tập trung còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết cán bộ y tế ở cơ sở chưa được tập huấn và cấp chứng chỉ về việc xác định tình trạng nghiện nên địa phương không đủ điều kiện hoàn chỉnh hồ sơ. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh mới đưa được 3 người đi cai nghiện tập trung theo quyết định của Tòa án.

Hiện, Trung tâm chữa bệnh - giáo dục và lao động xã hội tỉnh có 32 cán bộ; điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm có thể tiếp nhận từ 150 đến 200 học viên, trước đây, trung tâm luôn duy trì lượng học viên là gần 200 học viên. Từ đầu năm 2014, thực hiện theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với nhiều vướng mắc về thủ tục nên lượng học viên đưa vào trung tâm không đạt kế hoạch đề ra.

Theo đó, trong năm 2014, Trung tâm chữa bệnh - giáo dục và lao động xã hội tỉnh tiếp nhận 72 học viên bắt buộc và 8 trường hợp tự nguyện, tuy nhiên có đến 65 trường hợp học viên là diện 135, còn theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì chỉ có 7 trường hợp. Năm 2015, trung tâm đặt chỉ tiêu là 120 học viên nhưng đến nay mới tiếp nhận được 3 trường hợp, tổng số hiện nay đang điều trị cai nghiện và hậu cai nghiện tại đây là 13 học viên.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.300 người nghiện ma túy. Chỉ có duy nhất Trung tâm chữa bệnh - giáo dục và lao động xã hội tỉnh được cấp phép điều trị cai nghiện ma túy cho các đối tượng trong tỉnh. Mỗi năm, ngoài chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc thì trung tâm cũng chỉ thu hút vài chục người vào cai nghiện ở diện tự nguyện. Với tình trạng này, phải mất nhiều năm mới có thể xử lý, đưa vào cai nghiện tập trung hết số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hiện nay, chưa kể đến tỷ lệ tái nghiện tại cộng đồng. Do đó, các cấp, ban ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chuyên môn trong việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện tập trung bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì: Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp, xã, phường, thị trấn lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau đó, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ rồi gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ bút lục và gửi hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày, từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án, Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng biện pháp đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Top