Albania quyết tâm đẩy lùi tội phạm ma túy

14/08/2019 09:36

Gần đây, các băng nhóm tội phạm và hàng loạt các vụ trả thù đẫm máu xảy ra liên tục ở Albania, Albania khó có thể coi là một góc thiên đàng, cho dù quốc gia này có điều kiện thiên nhiên và khí hậu tuyệt vời cùng với vị trí lý tưởng bên bờ biển Adriatic.

Một lô ma túy từ Albania bị bắt giữ tại Italy

Thậm chí trong vài năm gần đây, Albania còn thường xuyên được đánh giá là quốc gia đầu tiên của châu Âu đang bị các tập đoàn ma túy lũng đoạn. Thử tìm hiểu vì sao các băng nhóm kiếm được hàng tỉ đôla từ cần sa, cocain, heroin đang đe dọa biến Albania thành một “Colombia ở xứ Balkan”.

Ngành kinh doanh lớn

Các chiến dịch chống lại tội phạm có tổ chức từ Albania từ lâu không phải là điều mới mẻ đối với cảnh sát trên khắp thế giới. Ngoài việc hợp tác với các cartel tại châu Mỹ Latinh, các phần tử tội phạm Albania còn hoạt động khắp nơi tại Mỹ, Australia, Anh và phần lớn các quốc gia châu Âu.

Ngay từ những năm 1990 của thế kỷ trước, các băng nhóm tội phạm Albania đã nổi lên trở thành một thế lực đáng chú ý trong thế giới tội phạm: chính chúng nắm quyền kiểm soát “hành lang Balkan”, là nơi 80% số heroin sản xuất tại Afghanistan được tuồn vào châu Âu.

Trong vài năm gần đây, chúng tiếp tục mở rộng thiết lập mối quan hệ với tội phạm có tổ chức trên khắp thế giới, kể cả những băng nhóm mafia gốc Italy tại New York – xâm nhập vào tất cả những lĩnh vực khác nhau của hoạt động tội phạm từ mại dâm cho tới buôn người, buôn tạng, vũ khí và xe hơi bị đánh cắp v.v… Nhưng ưu tiên lớn nhất của các băng nhóm Albania vẫn là ma túy.

Tình trạng tham nhũng, nền kinh tế tư bản lũng đoạn và cuộc chiến tại Kosovo - tất cả đã khiến người dân lâm vào cảnh đói nghèo, khiến họ không biết con đường sống nào khác ngoài việc kinh doanh ma túy, khiến Albania nhanh chóng trở thành “Colombia ở xứ Balkan”.

Chiến tranh đã kết thúc, Tirana (Thủ đô Albania) giờ đây trông giống như một khu nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải với hàng loạt các tòa nhà chọc trời và trung tâm thương mại mới, những chiếc xe hơi đắt tiền và cuộc sống náo nhiệt xung quanh các câu lạc bộ ban đêm.

Từ khi gia nhập NATO vào năm 2009 cùng với việc áp dụng chính sách thuế thấp, Albania bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu là nguồn vốn từ Italy. Còn các nhà đầu tư chân chính tại châu Âu lại không mặn mà với quốc gia này, do họ hiểu rõ sự lũng đoạn của các băng nhóm ma túy.

“Đế chế cần sa”

Để minh họa cho danh xưng này chỉ cần nêu lên một ví dụ: trong một chiến dịch đặc biệt của cảnh sát vào năm 2014 đã tiêu hủy gần 102 tấn cần sa chuẩn bị xuất khẩu, chưa kể khoảng hơn 507 ngàn cây đang trồng chưa kịp thu hoạch. Tổng giá trị số ma túy bị tiêu hủy này ước tính 6,5 tỉ euro - tức là hơn 60% GDP của Albania.

Đã có hơn 1.900 người dính líu tới các cáo buộc khác nhau liên quan đến vụ án trên. Tuy nhiên chỉ vài năm sau, các nhà chức trách mới nhận thấy thấy rằng, kể cả một chiến dịch qui mô và thành công như vậy cũng không làm ảnh hưởng nhiều tới ngành công nghiệp chế biến cần sa lớn nhất tại châu Âu.

Trong vài năm gần đây, số lượng các đồn điền trái phép trồng cần sa đã tăng rất nhanh chóng, chủ yếu tại các khu làng quê thưa người tại miền núi, là nơi người dân nghèo gần như chẳng có nguồn thu nhập đáng kể gì ngoài cần sa.

Với khoản tiền lương chỉ cần khoảng 20 euro mỗi ngày trả cho người lao động, các tổ chức tội phạm ma túy Albania đã thu được những khoản siêu lợi nhuận.

Theo BBC, một kilogram cần sa tại Albania có giá chỉ từ 100-200 euro, trong khi chuyển tới Italy có giá 1.500 euro. Những khoản lợi nhuận này giúp cho các trùm ma túy dễ dàng trốn tránh được mọi trách nhiệm, khi có ít nhất 20% số tiền thu được chuyên dùng để hối lộ cho cảnh sát.

Chính vì vậy, những nhân vật bị bắt giữ và xét xử phần lớn đều là những người nông dân trồng cần sa. Cũng đã có hàng trăm cảnh sát bị truy tố vì tội danh nhận hối lộ nhưng tình hình về cơ bản không được cải thiện.

Vòng xoáy cocain

Việc pháp luật bất lực trong việc truy tìm và trừng trị thủ lĩnh các băng nhóm tội phạm có tổ chức khiến cho các ông trùm ma túy cảm thấy mình là “bất khả xâm phạm”. Không có gì ngạc nhiên khi chúng lại chạy đua chuyển từ cần sa sang loại ma túy đắt đỏ và nguy hiểm hơn. Từ đầu những năm 2010, mafia Albania bắt đầu trở thành một tay chơi lớn trên thị trường cocain ở châu Âu.

Để làm được điều này, mafia Albania thiết lập mối quan hệ làm ăn với các nhóm sản xuất tại châu Mỹ Latinh. Từ đây, hàng hóa được đóng thành nhiều kiện lớn qua các trung gian người Albania để bí mật chuyển tới các cảng tại Bỉ, Hà Lan cũng như chính tại Albania. Năm 2018, cảnh sát đã tịch thu tại cảng biển thành phố Durres (Albania) một lô chuối từ Colombia, trong có giấu 613 kilogram cocain.

Đây được coi là một mẻ lưới lớn hiếm có của cảnh sát chống ma túy địa phương, vì trung bình ngay cả khi có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp quốc tế, họ chỉ ngăn chặn được từ 5 đến 10% nguồn cung loại ma túy này.

Theo một cựu quan chức cảnh sát Albania kể với phóng viên The Independent, bọn tội phạm dùng nhiều phương tiện kể cả thuyền hơi có động cơ và máy bay hạng nhẹ để vận chuyển cocain, trung bình mỗi ngày có 10 chuyến hàng như vậy được chuyển tới Italy qua các lộ trình bí mật.

Còn theo tạp chí VICE, với việc các băng nhóm Albania bước chân vào thị trường này, cocain dễ dàng được chuyển tới tay những con nghiện tại phần lớn các nước châu Âu với giá rẻ hơn hẳn.

Trùm ma túy

Các phe cánh tội phạm tại Albania từ lâu đã thiết lập những mối quan hệ vững chắc và phân nhánh rất phức tạp. Liên kết giữa họ là một đạo luật bất thành văn gọi là Kanun có nguồn gốc từ thế kỷ XV nhằm duy trì những nguyên tắc cơ bản, kể cả những qui định trừng phạt khắc nghiệt và đẫm máu nhất.

Dù có những giá trị nguyên tắc chung, nhưng mafia Albania không phải là một cơ cấu thống nhất mà là một tổ hợp gồm hàng chục tổ chức khác nhau, chia làm hai nhánh lớn là Albania và Kosovo. Ngay từ đầu, cả hai phe đều có những quan hệ với mafia Italy.

Nguồn tiền rủng rỉnh từ quan hệ buôn bán ma túy với mafia Italy đã giúp cho những ông trùm Albania có thể đầu tư vào bất kỳ việc gì mà họ cho là đúng.

Theo các nhà chức trách, tổ chức với tên gọi là Quân đội giải phóng Kosovo (trong hàng ngũ có nhiều tay súng hồi giáo từ Saudi Arabia và Afghanistan), đã nhận khoản tiền tài trợ lên tới 250 triệu đôla từ các ông trùm ma túy Albania chỉ riêng trong giai đoạn 1996-1999. Chiếc vòi bạch tuộc của mafia Albania còn vươn qua cả Đại Tây Dương. Như tại Mỹ, họ tham gia rửa tiền cho Gambino (một trong những gia tộc mafia nổi tiếng ở New York), hợp tác với Hells Angels (hội môtô dính líu nhiều vào việc buôn bán ma túy).

Nhân vật trùm ma túy điển hình tại Albania phải kể tới Klement Balili, kẻ được mệnh danh là “Escobar của Albania” (hay Escobar vùng Balkan). Balili bắt đầu nổi lên từ những năm 1990, theo những thông tin chính thức là nhờ kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, giải trí và dịch vụ an ninh.

Trong khoảng chục năm gần đây, Balili đã cho xây dựng cả một mạng lưới các khách sạn sang trọng trên bờ biển Adriatic. Từ năm 2014, nhân vật này là giám đốc điều hành Cục vận tải của thành phố nghỉ mát Sarande, nổi tiếng là cảng biển trung chuyển ma túy lớn nhất Albania.

Cảnh sát tại quốc gia láng giềng Hy Lạp từ nhiều năm trước đã biết rõ rằng, Balili không phải là một thương nhân bình thường, mà là người đứng đầu của một đế chế ma túy quốc tế với doanh số cả tỉ đôla. Vào năm 2016, cơ quan hành pháp Hy Lạp với sự hỗ trợ của Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA) đã bắt giữ 12 thành viên trong tổ chức của Balili cùng một lô cần sa nặng 700 kilogram.

Dù lệnh bắt giữ Balili được đưa ra sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, nhưng phía cơ quan cảnh sát Albani không chấp nhận với lý do, không biết thương gia trên hiện đang ở đâu. Trên thực tế, ông trùm ma túy này vẫn đi lại tự do trên các đường phố tại Albania.

Phải đến tháng 1/2019, sau những phản ứng dữ dội từ phía đại sứ Mỹ và cộng đồng quốc tế, Balili cuối cùng mới phải ra tòa. Với một đội ngũ luật sư bào chữa hùng hậu, Balili chỉ phải nhận bản án 10 năm tù.

Trước khi bị bắt giữ, Balili thường xuyên kết giao với các quan chức cao cấp của chính quyền, kèm theo đó là những khoản quyên góp hậu hĩnh cho các tổ chức, cơ quan. “Chúng tôi có những vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu liên quan tới nạn tham nhũng – Rudina Hajdari, thủ lĩnh phe đối lập trong quốc hội, tuyên bố - Tiền bạc đang điều hành tất cả mọi quyết định của đất nước, và số tiền trên lại xuất phát từ các tập đoàn ma túy để đến với từng chính trị gia cũng như các đảng phái chính trị”.

Thực trạng trên đã khiến cho người dân cảm thấy bất bình. Một cuộc thăm dò do Gallup tiến hành vào năm 2018 cho thấy, Albania nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ người dân mong muốn rời bỏ quê hương nhiều nhất. Còn theo số liệu một cuộc thăm dò ngay trong năm 2019, 85% số công dân trẻ tuổi tại đây đều không hài lòng với chính phủ nước mình.

Tình hình bắt đầu trở nên nghiêm trọng vào mùa xuân năm nay, khi phe đối lập rời khỏi quốc hội và chính thức đối đầu quyết liệt với thủ tướng Edi Rama, người khi lên nhậm chức cách đây 6 năm đã hứa hẹn đấu tranh chống lại nạn tham nhũng và buôn lậu ma túy. Thực trạng phức tạp trên sẽ khiến cho cơ hội gia nhập EU của Albania càng trở nên khó khăn hơn.

Từ 10 năm trước, quốc gia này từng tràn đầy hy vọng gia nhập vào đại gia đình của châu Âu. Nhưng Ủy ban châu Âu giờ đây đang rất cẩn trọng, thậm chí còn tính đến khả năng tước bỏ quyền đi lại trong EU không cần visa của người Albania. EU rõ ràng có lý do để lo ngại trước viễn cảnh của một “Colombia trong lòng châu Âu”.

Top