2012: Thêm 20 cơ sở điều trị Methadone mới

20/03/2012 16:43

Dự kiến trong năm 2012, toàn quốc sẽ có thêm 20 cơ sở điều trị Methadone, nâng tổng số cơ sở lên 61, điều trị cho khoảng 15.000 bệnh nhân.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Phạm Đức Mạnh đã cho biết tại Hội thảo “Các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện và HIV tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tác động tích cực

Từ khi triển khai thí điểm vào năm 2008 đến nay, Chương trình Methadone ở Việt Nam đã mở rộng tại 11 tỉnh, thành phố với 41 cơ sở, điều trị cho khoảng hơn 7.500 bệnh nhân.

Chương trình Methadone đã nhận được sự ủng hộ của đa số bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và của cả cộng đồng. Qua quá trình điều trị, bệnh nhân tuân thủ tốt, tỷ lệ bỏ điều trị thấp, không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc.

Tính đến tháng 11/2011, cả nước có gần 6.500 bệnh nhân đang điều trị Methadone, trong đó chỉ có 7% bệnh nhân dừng điều trị.

Qua điều trị, đa số bệnh nhân cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống. Tình hình an ninh xã hội và an toàn của cộng đồng nơi có người nghiện chích ma túy được cải thiện. Số bệnh nhân sau khi tham gia chương trình có việc làm tăng. Tại một số thành phố như Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… thu nhập bình quân của bệnh nhân tăng từ 2,5 - 3,2 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, kinh phí cho 1 cơ sở Methadone không quá lớn. Một cơ sở với quy mô tiếp nhận 150 bệnh nhân, chi phí điều trị trung bình một ngày khoảng 21.700 đồng/người. Tuy nhiên, nếu mở rộng lên 250 bệnh nhân, chi phí sẽ giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/người.

Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS

Tại nước ta hiện nay, thuốc Methadone được cung cấp dưới dạng nước, sử dụng bằng hình thức uống. Do đó nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy giảm.

(Ảnh internet)

Ngoài ra, người sử dụng Methadone phải đến cơ sở điều trị hàng ngày. Tại đây, bệnh nhân được quản lý, giáo dục tốt hơn, có điều kiện nâng cao nhận thức tự bảo vệ, giảm các hành vi nguy cơ cao.

Theo thống kê của Bộ Y tế, sau khi tham gia chương trình Methadone, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng chung bơm kim tiêm giảm chỉ còn gần 2%, trong khi trước điều trị, tỷ lệ này là hơn 20%.

2015: Điều trị 80.000 bệnh nhân

Theo kế hoạch mở rộng, tại Việt Nam chương trình Methadone ước tính sẽ điều trị khoảng 80.000 bệnh nhân vào năm 2015. Dự kiến trong đầu năm nay, sẽ tiếp tục triển khai tại hai tỉnh là An Giang và Nghệ An.

Mô hình thí điểm Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa tại TP. Hải Phòng.

Thuốc Methadone hiện vẫn do Bộ Y tế làm đầu mối nhập khẩu với sự tài trợ của Chương trình Viện trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR). Tới hết tháng 2, Bộ Y tế đã nhập khẩu hơn 70.600 lít Methadone để phục vụ cho công tác điều trị.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn như độ bao phủ của chương trình còn hạn chế, thuốc Methadone chủ yếu vẫn phải nhập khẩu nên chưa chủ động được nguồn thuốc. Do đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp triển khai đề án sản xuất và sử dụng Methadone, đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tạo việc làm cho bệnh nhân.

Top