Tuân thủ 3Đ để điều trị lao hiệu quả

07/11/2019 16:13

Bệnh nhân lao phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị lao dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Theo các bác sỹ điều trị lao đạt hiệu quả đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ ba chữ “Đ” có nghĩa: đúng, đều, đủ (đúng liều, đều đặn, đủ thời gian).

Điều trị lao phải tuân thủ nguyên tắc 3Đ

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ chương trình Chống lao Quốc gia, khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao Quốc gia.

Tỉ lệ bệnh nhân lao hết sức đáng báo động khi 70% bệnh nhân lao đang trong độ tuổi lao động đã trực tiếp làm kiệt quệ nguồn nhân lực. Đa số bệnh nhân mắc lao trong độ tuổi lao động chỉ dùng thuốc vài tháng đầu, khi thấy khỏe hơn, tưởng là hết bệnh nên bỏ dở điều trị. Việc điều trị dở dang khiến bệnh không được chữa dứt điểm và nhanh tái phát, với nguy cơ kháng thuốc cao.

Bệnh nhân phải được điều trị đúng phác đồ đúng liều lượng, đúng thuốc với đủ thời gian (6 hoặc 8 tháng). Tùy theo loại bệnh lao được bác sĩ  chỉ định, loại bệnh mới hay

Bệnh nhân phải uống thuốc thật đều đặn hàng ngày, thông thường uống vào buổi sáng lúc bụng đói. Tuy nhiên cũng tùy vào cơ địa và tùy vào sự dung nạp thuốc của từng bệnh nhân, lúc đó bác sĩ có thể chỉ định cho uống sau ăn hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân không tự ngưng thuốc hoặc bỏ cữ thuốc. Nếu uống thuốc không đều đặn (lúc uống sáng, lúc tối, nhớ lúc nào uống lúc ấy), nồng độ thuốc diệt vi trùng lao không đủ hiệu lực sẽ tạo cho vi trùng lao kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị về sau cũng như lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên trong quá trình điều trị bệnh nhân có thể ngưng uống thuốc lao vài ngày do điều kiện bắt buộc nào đó, nhưng không được phép bỏ thuốc trên 7 ngày (trừ trường hợp đặc biệt bác sĩ cho tạm ngưng thuốc do bệnh nhân bị dị ứng thuốc). Trong quá trình điều trị có thể có tác dụng phụ của thuốc lao xảy ra. Nhẹ: nổi mề đay, ngứa, mệt mỏi đau nhức các khớp lớn (hội chứng giả gút). Nặng: Sốc phản vệ, viêm gan, vàng da, đau bụng nôn ói, viêm trợt da. Nếu có những dấu hiện trên báo ngay cho bác sĩ điều trị cho mình biết, để có hướng xử trí.

Sau khi uống thuốc lao, nước tiểu có màu đỏ và thậm chí đổ mồ hôi hoặc nước mắt có màu đỏ là bình thường vì đây là màu của thuốc.

Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học, bệnh lao đã cơ bản được khống chế, tiên lượng điều trị tốt. Vì vậy, khi thấy có những dấu hiệu bất thường, thì mọi người nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Top