Thừa nhận chuyển giới: Kinh nghiệm quốc tế

20/02/2015 09:00

Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đều thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật với những điều kiện khác nhau: như có nơi yêu cầu về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, có nơi yêu cầu phải triệt sản, hoặc chỉ cần phẫu thuật một phần, thậm chí không cần phẫu thuật vẫn có thể xin đổi danh xưng hoặc giới tính trên giấy tờ nhân thân hay giấy khai sinh. Tất nhiên, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở những nơi này đều là hợp pháp.

Về quyền đổi tên, có 3 cách để thực hiện quyền đổi tên, trong hầu hết trường hợp đây là quyền không có điều kiện, tức là có thể đổi tên theo nguyện vọng, bao gồm: Đổi tên bằng thủ tục hành chính; Đổi tên bằng phán quyết tòa án; Đổi tên bằng thủ tục tuyên bố thực tế.

Về lựa chọn giới tính thứ ba, một số quốc gia cho phép người liên giới tính được phép lựa chọn một giới tính thứ ba, ngoài “nam” và “nữ.” Tuy vậy, do sự chưa đồng bộ với các hệ thống pháp luật quốc tế khác, người mang hộ chiếu giới tính “X” (không xác định, không rõ, liên giới tính) có khả năng bị từ chối nhập cảnh ở một số quốc gia khác. Đây là vấn đề mà các nước đang trong quá trình thảo luận với nhau để không ngăn cản quyền tự do của người dân.

Đám cưới của một người chuyển giới

Năm 2011, hộ chiếu của Úc có thêm một lựa chọn giới tính là “X” (không xác định, không rõ, liên giới tính). Một quy định tương tự cũng được ban hành tại New Zealand vào năm 2012. Năm 2013, tại Đức, trẻ em liên giới tính trong giấy khai sinh được để trống giới tính, khi lớn lên hộ chiếu giới tính có thể lựa chọn giới tính “X”.

Về quyền thay đổi giới tính và thay đổi nhân thân trên giấy tờ, hầu hết các quốc gia châu Âu cho phép đổi thay đổi giới tính theo mong muốn, và đi kèm là quyền phái sinh thừa nhận giới tính mới trên giấy tờ nhân thân. Một số cho phép thay đổi với điều kiện phải triệt sản. Chỉ một số ít mặc dù cho phép thay đổi giới tính nhưng không lại cho phép thay đổi giấy tờ nhân thân.

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới cho phép thay đổi giới tính trên các giấy tờ nhân thân sau khi phẫu thuật chuyển giới (năm 1972), và không cần triệt sản (năm 2013), với điều kiện là công dân Thụy Điển từ 18 tuổi trở lên, độc thân hoặc đã ly hôn, và có chứng nhận đã sống như giới tính mà họ tự nhận từ 2 năm trở lên.

Ba Lan cho phép đổi tên, giới tính trên giấy tờ từ năm 1964, việc đổi giới tính được thực hiện bằng phán quyết của tòa.

Romania cho phép đổi tên, đổi giới tính trên giấy tờt ừ năm 1996.

Đức cho phép đổi giới tính trên giấy tờ từ năm 2010, cho phép đổi đại từ danh xưng đi kèm với tên (ông/bà, anh/chị).

Tại Ireland, trước năm 2004 được phép đổi giới tính trên giấy tờ, nhưng không được thay đổi giấy khai sinh. Sau năm 2004 cho phép thay đổi giấy khai sinh vì quyền riêng tư.

Phillipines cho phép đổi tên, giới tính trên giấy tờ từ năm 2008.

Hàn Quốc: cho phép đổi tên từ những năm 1990, cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ từ năm 2006.

Các hiểu lầm thường gặp về chuyển giới

Chuyển giới cũng là đồng tính?

Chuyển giới liên quan tới cảm nhận về giới tính (“nghĩ mình là ai”) còn đồng tính liên quan tới sự hấp dẫn tình cảm (“cảm thấy yêu ai”), như vậy chuyển giới và đồng tính là hoàn toàn khác nhau.

Người chuyển giới là phải trải qua phẫu thuật?

Định nghĩa về chuyển giới chỉ là cảm nhận bên trong về giới tính của họ, còn việc phẫu thuật hay chưa phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế, sức khỏe, nhu cầu cá nhân...

Người chuyển giới có bất thường về bộ phận sinh dục?

Mặc dù các yếu tố sinh học có ảnh hưởng nhiều tới người chuyển giới, đa phần họ vẫn hoàn chỉnh về bộ phận sinh dục. Trong khoa học, những người sinh ra với tình trạng bộ phận sinh dục không điển hình, không xác định rõ là nam hay nữ được gọi là người liên giới tính. Người chuyển giới không nhất thiết phải là người liên giới tính.

Những người nam ăn mặc như nữ, hay nữ ăn mặc như nam là người chuyển giới?

Việc phục trang, điệu bộ có thể phụ thuộc vào tính cách, sở thích, nghề nghiệp. Ngược lại, không phải người chuyển giới nào cũng thể hiện ra bên ngoài đúng như giới tính mình mong muốn.

Chuyển giới làm giảm tuổi thọ?

Chưa có chứng cứ rằng phẫu thuật chuyển giới trực tiếp làm giảm tuổi thọ. Các yếu tố giảm tuổi thọ đến nhiều từ việc phẫu thuật không an toàn, hậu phẫu không tốt, nhiễm trùng, sử dụng thuốc và tiêm silicone không đúng, và cả từ việc trầm cảm, kỳ thị từ xã hội.

Người chuyển giới thường làm công việc liên quan tới giải trí?

Cơ hội việc làm của người chuyển giới đến nhiều nhất từ các công việc ca hát, biểu diễn, trang điểm... nhưng người chuyển giới vẫn mong muốn những công việc phong phú và khác nhau. Vấn đề ở đây chỉ là cơ hội tiếp cận việc làm là không bình đẳng.

* Bài viết có sử dụng tư liệu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).

Top