Phương pháp phát hiện bệnh lao sớm

14/01/2020 14:02

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường không khí. Khi mắc bệnh lao phổi, các vi khuẩn có thể lây lan từ phổi đến các cơ quan khác gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Việc phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời và phòng lây lan là rất quan trọng. Có 2 phương pháp phát hiện bệnh lao, đó là phát hiện chủ động và phát hiện thụ động.

            Cần phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lao phổi để điều trị kịp thời  - Ảnh: Dailymail

Phát hiện chủ động: Người thầy thuốc, người cán bộ y tế chủ động đưa các phương tiện phát hiện bệnh (kính hiển vi, máy chụp Xquang) tới xã, phường, thôn bản, chủ động phát hiện lao: chụp Xquang, lấy đờm tìm trực khuẩn lao cho tất cả mọi người.

Phương pháp phát hiện chủ động (cán bộ y tế chủ động, đối tượng được phát hiện thụ động) rất tốn kém vì phải tiến hành trên rất nhiều người để có thể tìm ra một số rất ít người mắc bệnh như kiểu mò kim dưới đáy biển. Ví dụ tỷ lệ mắc lao là một phần ngàn thì phải tiến hành trên 1 ngàn người để có thể tìm ra 1 người mắc bệnh (có trực khuẩn lao trong đờm). Do vậy, khó có thể tiến hành được trên diện rộng, khó có thể làm thường xuyên. Hiệu quả của công tác phát hiện lại không cao.

Phát hiện thụ động:  Người bệnh nghi mình mắc lao khi có các triệu chứng hô hấp như ho, sốt kéo dài, khạc máu, gầy sút cân..., tự chủ động tới cơ sở y tế để khám bệnh và làm xét nghiệm phát hiện bệnh.

Cơ sở y tế phát hiện bệnh cho người bệnh một cách thụ động. Số người phải phục vụ ít hơn rất nhiều so với phương pháp phát hiện chủ động nhưng hiệu quả rất cao vì số người đến đã được sàng lọc chỉ tiến hành trên những người thực sự có triệu chứng. Sự tốn phí cũng ít hơn rất nhiều nên có thể tiến hành trên những địa bàn rộng rãi thời gian có thể kéo dài.

Muốn phát hiện thụ động có hiệu quả cao công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe phải được làm tốt cho mọi người biết được càng nhiều, càng chi tiết những dấu hiệu chính của lao phổi càng tốt với cách truyền thông gọn gàng, đơn giản dễ nhớ.

Khi phát hiện được người lao phổi có trực khuẩn lao trong đờm, cơ sở y tế phải tiến hành khám cho mọi người trong gia đình bệnh nhân ngoài việc phải xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao đối với bất kỳ người nào đến khám vì nghi mắc lao hoặc có hình ảnh Xquang phổi bất thường.

Bệnh lao có khả năng lây nhanh và rộng. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không truyền nhiễm và không có triệu chứng là do hệ thống miễn dịch của họ đang bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Nhưng tình trạng này sẽ không diễn ra lâu, bệnh lao phổi tiềm ẩn sẽ phát triển thành lao hoạt động với các triệu chứng phát tác và lây lan ra môi trường xung quanh cho người khác.

Do là bệnh lý truyền nhiễm nên dễ lây lan thành diện rộng, khó kiểm soát sự lây lan, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và phát triển lây bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp gây nguy hiểm cho người bệnh nếu cứ kéo dài và không được điều trị đúng cách. Cách tốt nhất để phòng chống căn bệnh này là tiêm vắc-xin ngay từ tháng đầu tiên chào đời.
Top