Lời khuyên cho mẹ nhiễm HIV nuôi con nhỏ

21/03/2016 16:36

Trong sữa mẹ đã có một protein chống được HIV.

 Protein Tenascin - C màu tím với những tua bắt vi rút màu hồng có khả năng bắt vi rút HIV (màu xanh lá), không cho vi rút thâm nhập vào DNA của người - Ảnh Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ - CDC 

Từ năm 2009, WHO và UNICEF đã công bố các nghiên cứu mới về tác dụng của việc bú mẹ hoàn toàn trong điều kiện mẹ bị HIV và từ đó hướng dẫn các bà mẹ bị HIV nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên ngay cả sau những công bố chính thức của WHO thì tài liệu hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ ở một số quốc gia trên thế giới vẫn không khuyến cáo các bà mẹ bị HIV cho con bú mà thay vào đó và hỗ trợ sữa bột cho trẻ em để hỗ trợ kinh tế gia đình.

Điều này là một sai lầm vì ngay chính sữa mẹ đã có một protein chống được HIV.

BS. Sallie Permar - giáo sư Khoa Nhi và Khoa Miễn dịch học tại Trường đại học Duke ở Durham, North Carolina (Mỹ) chỉ ra rằng, các nhà khoa học đã xác định được một loại protein có tên Tenascin - C trong sữa mẹ chống được vi rút HIV và ngăn không cho vi rút HIV đưa ADN của nó vào tế bào của con người.

Tiếp ngay sau đó, Tạp chí PubMed.gov của Thư viện Y khoa Mỹ thuộc Viện Y tế Mỹ cùng tiếp tục xác nhận thông tin này với báo cáo khoa học mang tên “Tenascin - C có trong sữa mẹ là một protein kháng thể nội sinh phổ rộng, có khả năng vô hiệu hóa vi rút HIV”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các protein này (Tenascin - C) gắn vào vỏ vi rút HIV ở một vị trí trọng yếu, nơi vi rút tấn công vào các tế bào T của con người và khi Tenascin - C đi vào vị trí cụ thể này, nó sẽ ngăn chặn con đường tấn công bình thường của HIV và giảm hẳn hiệu quả của vi rút HIV.

Mặt khác, một lợi thế thức thời nữa mà các nhà khoa học đã khẳng định đó là, protein này chắc chắn đảm bảo an toàn, vì nó là một thành phần của sữa mẹ. Đó là thức ăn tự nhiên trẻ ăn hàng ngày, trong khi các phương pháp điều trị khác phải cần thời gian thử nghiệm lâm sàng rất lâu và phải được kiemr tra độc tính trước khi đưa ra sử dụng. Vì thế BS. Sallie Permar gọi protein Tenascin - C là “món quà của sự tiến hóa”.

Sự kiện này có liên quan gì đến vấn đề mẹ HIV và cho con bú, trong thực tế để phân định rạch ròi thời điểm nào chính thức người mẹ bị nhiễm HIV, thời điểm nào lây nhiễm cho con (mang thai, chuyển dạ sinh đẻ, cho con bú) là một điều vô cùng khó. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ theo tài liệu hướng dẫn của WHO từ năm 2007 đến nay thì chúng ta thấy khả năng bé bị lây nhiễm trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh đẻ sẽ cao hơn quá trình được nuôi sữa mẹ.

Vì thế, WHO khuyến cáo bà mẹ đang nuôi con sữa mẹ hoàn toàn mà phát hiện ra mình bị nhiễm HIV do hiểu biết chưa đầy đủ mà lập tức ngừng cho con bú vì nghĩ rằng việc đó cần thiết lây sang con là một sai lầm.

Trong trường hợp này, bà mẹ không được dừng sữa mẹ đột ngột mà người mẹ đó cần phải tiếp tục cho con bú đồng thời áp dụng phương pháp trị liệu ARV ngay lập tức. Còn nếu vì lý do bệnh lý khác mà bà mẹ bị nhiễm HIV nhất thiết phải cai sữa mẹ cho con để điều trị thì việc cai sữa đó phải được thực hiện từ từ trong vòng tối thiểu 1 tháng, trong thời gian mẹ chưa bắt đầu điều trị bằng ARV thì bé vẫn nên được bú sữa mẹ ruột vắt ra thanh trùng.

Ngay cả những trẻ em không may bị nhiễm HIV, thì các bà mẹ vẫn được động viên và vận động một cách nghiêm túc là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bé bú mẹ song song ăn dặm như khuyến nghị đối với mọi trẻ em bình thường đến tối thiểu 2 tuổi.

Sự phát hiện được protein kháng thể Tenascin - C chống HIV có trong sữa mẹ càng làm cho chúng ta hiểu rằng chính trong mọi hoàn cảnh đặc biệt đó, bé càng cần được chú trọng và hỗ trợ để nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn và lâu nhất có thế để giảm tỷ lệ tử vong cho các bé do HIV nói riêng và do các bệnh nhiễm trùng nói chung.

Top