Giải hóa, phòng ngừa các thảm án giết người

19/12/2020 16:22

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người diễn biến phức tạp, nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng, bất an trong nhân dân. Trước tình hình này, ngày 30/11/2020, Thủ tướng đã ban hành Công văn 1676/TTg-NC về tăng cường biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an). Ảnh: Hoàng Giang

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về thực trạng cũng như giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người trong thời gian tới, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khẳng định: Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên đặt lên hàng đầu.

 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.

 

Mặc dù chiếm tỷ lệ không cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội (khoảng 2,29% - thống kê năm 2020) nhưng các vụ án giết người đã để lại những hậu quả nặng nề đối với xã hội và kéo theo hệ lụy lâu dài, thương tâm, phá vỡ cuộc sống bình yên, hạnh phúc và tương lai của nhiều gia đình, kể cả gia đình nạn nhân và đối tượng phạm tội.

 

Hậu quả do tội phạm giết người gây ra là rất lớn, khó có thể đo đếm được. Do vậy, khi vụ án giết người xảy ra, lực lượng Công an các cấp luôn tập trung chỉ đạo lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp, phương tiện để khẩn trương điều tra, bắt giữ nhanh và xử lý nghiêm đối tượng, kết quả điều tra, khám phá tội phạm giết người luôn đạt cao (trên 95%), nhiều tỉnh, thành phố  điều tra, khám phá 100% số vụ án giết người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, kỷ cương pháp luật và sự bình yên cho nhân dân.

 

Thiếu tướng có thể phân tích rõ hơn một số vấn đề nổi lên của tội phạm giết người?

 

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà: Đầu tiên, đó là tình trạng giết người thân trong gia đình xảy ra chiếm gần 20% số vụ án giết người (thống kê năm 2020); nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tranh chấp đất đai, tài sản, mâu thuẫn trong tình cảm, sinh hoạt hằng ngày, những mâu thuẫn này thường âm ỉ, kéo dài nhưng không được giải quyết triệt để, khi bị kích động hoặc phát sinh thêm mâu thuẫn dễ bùng phát dẫn đến những vụ án giết người.

 

Bên cạnh đó, đã xảy ra nhiều vụ giết người, đối tượng phạm tội hết sức manh động, dã man, tàn bạo, gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong dư luận nhân dân, như: Giết nhiều người, giết người chặt xác, đốt xác cướp tài sản, hiếp dâm,…  đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn phạm tội có mức độ nguy hiểm và tính bạo lực, như: sử dụng vũ khí quân dụng, sử dụng chất độc hoặc giết người để trục lợi tiền bảo hiểm...

 

Mặc dù lực lượng Công an đã tập trung điều tra, bắt giữ nhanh, xử lý nghiêm minh các đối tượng nhưng một số vụ án đã gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân và làm phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở. Điển hình như vụ sử dụng súng AK bắn chết 02 người, bị thương 05 người xảy ra tại Lạng Sơn, vụ sử dụng xyanua cho vào trà sữa để giết nạn nhân xảy ra tại Thái Bình....

 

Tình trạng người mắc bệnh tâm thần, người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ảo giác gây án, thậm chí giết nhiều người, giết người thân tuy chiếm tỷ lệ không cao nhưng đã gây ra những hậu quả  đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.

 

Ngoài ra, xảy ra nhiều vụ án do mâu thuẫn bột phát nhất thời trong sinh hoạt hàng ngày, như va chạm giao thông, trong cư xử, sinh hoạt, khi uống rượu, bia,... Tình trạng một số thanh, thiếu niên, trong đó có cả học sinh, sinh viên hư, bỏ học, tụ tập thành các nhóm gây rối trật tự công cộng, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn, trả thù lẫn nhau dẫn đến vụ án giết người.

 

Phòng ngừa từ gốc

 

Thiếu tướng có thể phân tích rõ hơn về hoạt động của băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm nguy hiểm với hành vi giết người trong tình hình hiện nay?Chúng ta đã có giải pháp gì đối với vấn đề này?

 

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà: Lãnh đạo Bộ Công an luôn chỉ đạo quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm có tổ chức, trọng tâm là triệt phá các băng nhóm tội phạm, kiên quyết không để tồn tại băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây án nghiêm trọng với quan điểm chỉ đạo: “Nơi nào còn băng nhóm tội phạm thì lực lượng Công an nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Trách nhiệm của lực lượng Công an là phải triệt xóa bằng được, triệt xóa hết các băng nhóm tội phạm”.

 

Bộ Công an đã kiên trì, quyết liệt ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, như: Đề án 2 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia”, Kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, Kế hoạch số 285 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen,... đồng thời liên tiếp mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (riêng năm 2020, đã mở 04 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm) trong đó lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh, triệt phá, làm tan rã các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm nguy hiểm, có biểu hiện hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “đâm thuê, chém mướn”, “bảo kê”, đòi nợ thuê, liên quan đến “tín dụng đen”.

 

Do đó, các vụ án giết người do băng nhóm tội phạm gây ra đã giảm và có sự chuyển hướng căn bản, chỉ chiếm 1,3% tổng số vụ giết người.

 

Vậy đối với việc phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, chúng ta có giải pháp nào, thưa Thiếu tướng?

 

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà: Các vụ án giết người xảy ra chủ yếu do mâu thuẫn như: Tranh chấp đất đai, tài sản; ghen tuông tình ái; mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc bột phát khi sử dụng rượu bia; va chạm giao thông,.. chiếm trên 80%; do quẫn bách về kinh tế, do trình độ văn hóa lạc hậu, mê tín dị đoan…

 

Đối tượng phạm tội đa dạng về thành phần, đa số phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự hoặc do người nghiện ma túy, đối tượng ngáo đá, tâm thần, các đối tượng ở tuổi vị thành niên gây án nên khó khăn trong công tác nhận diện.

 

Công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân trong đó lực lượng Công an là chủ công, nòng cốt.

 

Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm. Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi để tình hình an ninh trật tự phức tạp xảy ra tại địa phương.

 

Với vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm, các biện pháp để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội.

 

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên nhằm phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời các hành vi bạo lực, côn đồ. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án giết người, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

 

Ngoài ra, từng bước bịt kín sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự, giải quyết nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người; chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, giáo dục với đấu tranh trấn áp, lấy phòng ngừa làm chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình và cơ sở.

 

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

 

Hoàng Giang (thực hiện)

Bài tiếp: Tội phạm giết người trẻ hóa: Cần giải pháp căn cơ

Top