Cảnh báo những đối tượng tăng nguy cơ mắc lao

30/12/2019 16:49

Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.

 Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Ảnh internet

Các thể lao

Có hai loại nhiễm trùng lao là lao tiềm ẩn và lao hoạt động.

Lao tiềm ẩn nghĩa là vi khuẩn trong cơ thể nhưng ở trạng thái không hoạt động. Chúng không gây ra triệu chứng và không lây truyền nhưng chúng có thể trở thành lao thể hoạt động.

Lao hoạt động là tình trạng vi khuẩn gây ra các triệu chứng và có thể truyền sang người khác.

Khoảng  1/3 dân số thế giới được cho là mắc bệnh lao tiềm ẩn. Có 10% khả năng bệnh lao tiềm ẩn trở thành lao hoạt động và nguy cơ này cao hơn nhiều ở những người bị tổn hại hệ thống miễn dịch như:  Người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng hoặc những người hút thuốc…

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2018).

Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh lao

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) các triệu chứng cảnh báo sớm bệnh lao bao gồm: Cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi; chán ăn và giảm cân; ớn lạnh, sốt và đổ mồ hôi đêm; ho nặng kéo dài từ 3 tuần trở lên; tức ngực…

Trong giai đoạn tiềm ẩn, bệnh lao không có triệu chứng. Khi lao ở thể hoạt động có thể xuất hiện các triệu chứng: Ho, sốt và các triệu chứng khác có thể xuất hiện. Nếu không được điều trị, bệnh lao có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào nơi mà lao ảnh hưởng. Ví dụ, làm ảnh hưởng tới xương (có thể gây đau cột sống và tổn thương khớp), não (gây viêm màng não), gan và thận (có thể làm suy giảm chức năng lọc chất thải và dẫn đến đái máu), tim (lao có thể làm suy yếu khả năng bơm máu của tim, dẫn đến chèn ép tim, một tình trạng có thể gây tử vong)…

Những đối tượng tăng nguy cơ mắc lao

Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có nguy cơ mắc bệnh lao hoạt động cao nhất. Chẳng hạn, như người nhiễm HIV/AIDS. HIV ức chế hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó kiểm soát với vi khuẩn lao hơn. Những người bị nhiễm cả HIV và lao có nguy cơ mắc lao hoạt động cao hơn khoảng 20-30% so với những người không nhiễm HIV.

Sử dụng thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lao hoạt động. Khoảng 8% các trường hợp mắc lao trên toàn thế giới có liên quan đến hút thuốc.

Ngoài ra, những người có các điều kiện y tế sau cũng tăng nguy cơ mắc lao, đó là: Bệnh đái tháo đường, ung thư, bệnh thận, suy dinh dưỡng… Hoặc du lịch đến một số quốc gia nơi bệnh lao phổ biến hơn cũng làm tăng mức độ rủi ro mắc lao.

Lưu ý khi điều trị

Phần lớn các trường hợp bệnh lao có thể được chữa khỏi khi có sẵn thuốc điều trị và sử dụng đúng cách. Khi lựa chọn thuốc, bác sĩ sẽ căn cứ vào tuổi, sức khỏe tổng thể, khả năng kháng thuốc, thể lao (tiềm ẩn hay hoạt động) và vị trí nhiễm trùng… Vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị.

Đối với những người mắc bệnh lao tiềm ẩn có thể chỉ cần một loại kháng sinh lao, trong khi những người mắc bệnh lao hoạt động (đặc biệt là lao kháng thuốc- MDR) thường sẽ phải dùng kết hợp của nhiều loại thuốc.

Người bệnh sẽ được dùng kháng sinh điều trị lao trong thời gian tương đối dài. Thời gian tiêu chuẩn cho một đợt điều trị kháng sinh lao là khoảng 6 tháng. Để dùng thuốc chống lao hiệu quả, người bệnh cần uống thuốc đúng liều và đủ thời gian qui định, ngay cả khi các triệu chứng bệnh lao đã biến mất. Vì nếu điều trị không đầy đủ, vi khuẩn lao chưa được tiêu diệt hoàn toàn, sống sót sau quá trình điều trị có thể trở nên kháng thuốc dẫn đến phát triển lao kháng thuốc trong tương lai.

Lao kháng thuốc sẽ rất nguy hiểm làm cho khó điều trị. Điều này sẽ càng nghiêm trọng đối với những người nhiễm HIV và các tình trạng khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Thuốc trị lao có thể gây độc cho gan, mặc dù ít gặp nhưng khi xảy ra thì đây là tác dụng phụ khá nghiêm trọng với các dấu hiệu cảnh báo như: Nước tiểu đậm, sốt, vàng da, ăn mất ngon, buồn nôn và nôn… Nếu gặp các biểu hiện này, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí kịp thời, thích hợp…
Top