Cảnh báo "Cỏ Mỹ", "Tem giấy" cực độc đang tấn công giới trẻ

19/09/2016 17:50

Theo danh mục của Bộ Công an, hiện đã có khoảng gần 100 loại ma túy khác nhau, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, phá hủy não bộ người sử dụng, có loại tạo ảo giác, hoang tưởng. Nếu sử dụng với liều lượng cao trong 3 tháng, khả năng hồi phục não bộ sẽ rất khó, thậm chí là không thể.

Điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều loại ma túy mới có nguồn gốc khác nhau đang tấn công giới trẻ. Thực tế này đặt ra những thách thức với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn. Đây cũng là cảnh báo tới các bậc phụ huynh và giới trẻ tránh sa vào bẫy của các loại ma túy mới.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng Phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma túy, Bộ Công an cung cấp thông tin về 2 loại ma túy phổ biến đang tấn công giới trẻ nước ta hiện nay.

1. "Cỏ Mỹ"

Cỏ Mỹ là gì?

Trước khi chúng ta biết đến “Cỏ Mỹ”, ở Việt Nam đã có những cái tên tương tự được lưu hành trong giới trẻ, ví dụ: “Cỏ Canada” để ám chỉ Cần sa. “Cỏ Mỹ” thực chất là một loại thảo mộc được tẩm ướp một số chất hướng thần. Trong đó, chủ yếu là chất có tên khoa học là chất XLR-11.

“Cỏ Mỹ” thực chất là một loại thảo mộc được tẩm ướp một số chất hướng thần

Đặc điểm chung của các chất hướng thần mới này là tác động mạnh, trực tiếp vào hệ thần kinh người sử dụng. Chất XLR-11 sẽ gây ảo giác mạnh, có thể dưới dạng ảo thanh, ảo thính, rối loạn tâm thần. Điều đó làm cho người sử dụng mất khả năng kiểm soát hành vi. Trong trạng thái bị kích động, người sử dụng sẽ mất định hướng về không gian, lẫn lộn ý thức về những gì đang xảy ra xung quanh mình nên rất có thể có các hành vi tiêu cực như giết người, tự sát. Bên cạnh các rối loạn về mặt tâm thần, về lâu dài, người nghiện các chất này sẽ bị suy sụp về thể chất, mất khả năng lao động.

Theo Báo cáo về tình hình ma túy thế giới năm 2016 của Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), thế giới hiện đang phải đối mặt với gần 500 chất hướng thần có tác động tương tự như loại “Cỏ Mỹ” này. Điều đáng nói là trong số đó rất nhiều chất Liên Hợp Quốc còn chưa kịp đưa vào danh mục các chất cần kiểm soát. Riêng năm 2015, đã có 32 tấn chất hướng thần mới được thu giữ trên thế giới.

“Cỏ Mỹ” có gây nghiện không?

Đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng muốn mở rộng thị trường nên đã khéo lấy tên “Cỏ” để đặt cho loại ma túy nguy hiểm này. Thông qua đó chúng muốn lừa bịp mọi người vì tâm lý chung là sử dụng thảo dược thì ít nguy hại, không gây nghiện. Tuy nhiên, đã là ma túy thì đặc điểm đầu tiên là gây nghiện và đã nghiện thì đương nhiên là khó cai. Chất XLR – 11 là chất hướng thần nên mức độ gây nghiện rất cao.

“Cỏ Mỹ” có nguy hiểm như ma túy đá không?

Ma túy đá hay tên khoa học là Methamphetamine dạng tinh thể có đặc điểm vừa kích thích vừa gây ảo giác. “Cỏ Mỹ” là chất gây hoang tưởng, ảo giác nên có nhiều điểm tương đồng khi sử dụng. Tuy nhiên, XLR-11 là chất hướng thần đặc trưng nên các dấu hiệu rối loạn tâm thần như ảo giác, hoang tưởng thường mạnh và kéo dài hơn.

Cai “Cỏ Mỹ” có khó không?

Về nguyên tắc, nghiện bất cứ loại ma túy nào cũng có thể cai được. Tuy nhiên, việc cai nghiện cho từng loại đối tượng và từng loại ma túy có đặc điểm riêng của nó. Ở nước ta hiện nay đang áp dụng quy trình cai nghiện 5 giai đoạn chủ yếu phù hợp cho đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện (Hêroin). Việc cai nghiện cho người nghiện các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới, trong đó có XLR-11 mà ta quen gọi là “Cỏ Mỹ” chưa có một hướng dẫn cụ thể. Chắc chắn trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ có những quy định cụ thể về vấn đề này. Theo tôi được biết, ngay ở các nước phát triển, cũng không có bài thuốc đặc trị để điều trị cho người nghiện các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần. Cách mà họ đang áp dụng đó là cách ly, điều trị triệu chứng các rối loạn tâm thần. Khi các các triệu chứng này đã tạm ổn định sẽ tập trung vào các liệu pháp tâm lý để tạo sự ổn định lâu dài cho bệnh nhân. Thời gian của một khóa trị liệu như vậy khoảng từ 4-6 tháng.

2. “Tem giấy”, "Bùa lưỡi"

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số thanh niên sử dụng loại ma túy mới bằng hình thức dán miếng giấy nhỏ có tẩm loại chất hướng thần có tên LSD dưới lưỡi, gọi là “tem giấy”, “bùa lưỡi”.

LSD là gì?

LSD (Axit Lyargic Diethilamide) là một chất bán tổng hợp từ một loại nấm thường mọc trên cây lúa mạch ở vùng Trung Á. Đây là một chất không màu, không mùi và không vị. Tuy nhiên, đây lại là một chất gây ảo giác mạnh nhất trong số các chất gây ảo giác từng được biết. Liều sử dụng thường gặp trong thực tế là từ 50 – 100 microgam.

Ngay sau khi sử dụng, chất LSD sẽ ngấm vào niêm mạc lưỡi, đi vào máu, tác động vào hệ thần kinh gây ra các ảo giác mạnh

Trên thị trường ma túy bất hợp pháp, LSD là loại ma túy có giá bán cao nhất với giá trung bình cho một kg vào khoảng 40 – 60 triệu đô la Mỹ. Vì chỉ cần một hàm lượng rất thấp (dưới 100 miligam) cho một liều dùng nên tội phạm không sản xuất và phân phối dưới dạng viên mà thường tẩm loại ma túy này vào các miếng giấy để dễ qua mắt cơ quan phòng, chống ma túy.

Người nghiện sử dụng thường mua chúng dưới dạng các miếng giấy, xé nhỏ dán hoặc để dưới lưỡi. Cách đó, các đối tượng sử dụng loại ma túy này gọi với tên lóng là “dán tem”.

Tem giấy gây ra ảo giác như thế nào?

Ngay sau khi sử dụng, chất LSD sẽ ngấm vào niêm mạc lưỡi, đi vào máu, tác động vào hệ thần kinh gây ra các ảo giác mạnh. Theo mô tả của một số người đã từng sử dụng LSD, chất này sẽ bóp méo các thông điệp về màu sắc, hình ảnh, âm thanh trước khi chúng đến não làm cho họ cảm nhận sai lệch về thế giới xung quanh. Cảm giác đầu tiên là bị nhấn chìm trong một thế giới mà các vật liên tục thay đổi hình dạng; căn phòng nơi họ đang đứng trở nên rộng lớn thênh thang như một sàn nhảy. Âm thanh có thể nhìn được và màu sắc có thể ngửi được. Họ ngồi mà nghĩ là đang đứng; đứng mà nghĩ mình đang bay bổng trong không trung. Chính vì những cảm nhận sai lệch về thế giới xung quanh mà một số người có thể tự sát một cách vô thức. Tác động của LSD có thể kéo dài tới vài ngày.

Trên thế giới, tình trạng mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép LSD đã ở mức khá phổ biến và nghiêm trọng trong khoảng vài chục năm gần đây. Năm 2009, Cảnh sát phòng, chống ma túy tại sân bay quốc tế Don Mueang đã phát hiện một lượng lớn LSD tẩm vào một lô giấy viết A4 khi quá cảnh ở sân bay này.

Ở nước ta, 10 năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng sử dụng trái phép LSD trong một số nhóm thanh niên ăn chơi ở một số thành phố lớn. Các đối tượng này thường sử dụng LSD xong thuê xe taxi chạy ra khu vực ngoại ô với một cặp loa của máy tính đã có thể có những trải nghiệm giống như đang trong một sản nhảy.

Bị cấm tuyệt đối

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi sử dụng loại ma túy này, LSD được liệt vào nhóm “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội” (thuộc Danh mục I, Nghị  định 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất của Chính phủ).

LSD là một chất hướng thần có tác dụng gây ảo giác và hoang tưởng rất mạnh, có đặc tính gây nghiện cao nên cần có biện pháp tuyên truyền sớm về tác hại nhiều mặt của loại ma túy này.

Top