Bác sĩ chỉ cách đối phó với người ngáo đá

24/02/2020 08:44

Khi bị người ngáo đá tấn công phải tìm cách khống chế hoặc nhờ người hỗ trợ thay vì giải thích khuyên bảo họ.

Mới đây, dư luận bàng hoàng khi một đối tượng ngáo đá, tự đốt xe máy, đâm chết em rể và dùng dao uy hiếp cả gia đình tại Hà Nội.

Làm thế nào để tránh người ngáo đá tấn công? Pháp Luật TPHCM đã có cuộc trao đổi với BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM (ảnh), xoay quanh vấn đề trên.

Ngáo đá = Ảo giác

Thưa bác sĩ, loại ma túy đá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thần kinh của người sử dụng như thế nào?

BS Trịnh Tất Thắng: Ma túy đá còn có tên gọi là amphetamine, đây là một tinh thể giống như tuyết đá. Ngáo đá là tình trạng bị ngộ độc chất amphetamine. Người sử dụng loại chất kích thích này sẽ bị kích thích thần kinh và cảm thấy hưng phấn, cơ thể như có sức mạnh phi hùng, tinh thần minh mẫn,… Tuy nhiên, tất cả thứ đó chỉ là ảo thôi, thực tế không phải vậy.

Ngoài ra, người sử dụng không có nhu cầu ngủ, có thể thức suốt đêm, không cảm thấy đói, không thấy mệt mỏi. Thế nhưng đằng sau những cái cảm giác ấy là sự kiệt quệ về sức khỏe, thần kinh bất ổn. Người sử dụng thường xuyên sẽ suy dinh dưỡng, hệ thần kinh bị ngộ độc và bắt đầu rơi vào trạng thái hoang tưởng xuất hiện những ảo giác.

 Cảnh sát quật ngã, khống chế nghi phạm ngáo đá vừa giết người ở Hà Nội

Nhiều dấu hiệu để nhận biết

Làm sao để nhận biết được một người đang sử dụng ma túy đá và sắp có hành động nguy hiểm xảy ra, thưa bác sĩ?

BS Trịnh Tất Thắng: Để phân biệt người sử dụng ma túy đá với người bình thường là cả một quá trình quan sát, theo dõi. Thông thường thì những người sử dụng ma túy đá sẽ bị sa sút trong công việc, học tập; hay có những hành động thất thường theo chiều hướng tiêu cực, bị đảo lộn trong việc ăn, ngủ và trở nên khó chịu gay gắt.

Đa phần người sử dụng ma túy đá thường xuyên sẽ bị hoang tưởng, có những hành động bất thường bột phát và nhanh, không có triệu chứng báo trước.

Họ thường rơi vào trạng thái trong đầu lúc nào cũng có suy nghĩ những chuyện không có thật. Ví dụ, thực tế thì những người thân như cha mẹ rất yêu thương họ nhưng trong đầu họ cứ nghĩ là những người này đang hại mình và đang có âm mưu giết mình. Thậm chí, với những bữa ăn bình thường, người bị ngáo đá cũng nghĩ có người khác đầu độc mình, họ luôn sống trong trạng thái bất an… Tất cả suy nghĩ sai lệch khiến người bị ngáo đá có những hành vi lệch lạc chống trả hay sát hại ngay chính người thân của mình.

Khi phát hiện một người sử dụng ma túy đá đang gây hấn, chúng ta phải làm sao?

BS Trịnh Tất Thắng: Khi phát hiện người thân của mình hay những người sống xung quanh có những hành động bất thường và có nguy cơ sử dụng bạo lực do ma túy đá gây nên, việc đầu tiên là phải tránh né, không đối đầu.

Nếu người đối diện cảm thấy có thể khống chế được người ngáo đá thì tìm cách khống chế. Nếu không có khả năng chế ngự người ngáo đá thì nên nhờ người trợ giúp chứ không liều lĩnh bởi lúc này kẻ ngáo đá sẵn sàng làm hại mình. Bởi trong đầu họ lúc này xem người đối diện, kể cả người thân là kẻ thù.

Xin cám ơn bác sĩ.

Trách nhiệm pháp lý khi người phạm tội có chất kích thích

Theo Điều 13 BLHS 2015, trường hợp người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thậm chí trong một số điều luật người phạm tội trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì đây còn là tình tiết định khung. Chẳng hạn như tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nghĩa là nếu không có tình tiết này thì trách nhiệm pháp lý cho hành vi vi phạm sẽ nhẹ hơn.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TPHCM
Top