Xanh niềm hy vọng bên dòng sông Lam

22/12/2014 17:18

Bão “ết” qua đi, những phận người tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, nhưng một ngọn lửa hồng được nhóm lên, làm “tươi” lại những cuộc đời. Bên dòng sông Lam hiền hòa, một hợp tác xã đã được gây dựng bằng tâm huyết, sức mạnh của sự thứ tha, tình thương yêu…

Đứng lên bằng đôi chân của mình

Đã từ lâu, người dân ở đường Nguyễn Viết Xuân, Nghệ An, đã quá quen thuộc với Hợp tác xã (HTX) Sông Lam xanh, với cảnh những người bán hàng niềm nở nhiệt tình, và 4 câu thơ ghi trang trọng trước cửa hàng:

Thắp lên ngọn lửa hồng

Ấm áp cả trời đông

Giữa cõi đời mênh mông

Cần nhau một tấm lòng

HTX Sông Lam xanh (Ảnh: Bình Nguyên)

Anh Phan Văn Kiên - Chủ nhiệm HTX Sông Lam Xanh - một mô hình hoạt động dành cho người nhiễm HIV/AIDS cho biết: Vấn đề kinh doanh của HTX  không chờ đợi vào sự thương hại của người dân địa phương, chúng tôi luôn lấy chất lượng phục vụ làm đầu.

Đón chào bình minh từ 4 giờ sáng, hào hứng tập thể dục rồi thoăn thoắt giúp mẹ dọn hàng ra chợ, tự mình chuẩn bị bữa sáng, tất bật đến HTX điều hành công việc… đó là lịch làm việc của anh Kiên. Anh chia sẻ: Công việc bận rộn quá, làm mình không có thời gian nghĩ nhiều đến những thứ khác. Nhiều khi khách đông, mình làm việc đến 7-8 giờ tối mới nghỉ. Thú thật, đôi lúc mình quên mất thứ virus đang tồn tại trong cơ thể…


Nhóm tự lực Sông Lam Xanh năm 2009 (ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng giống như nhiều trường hợp mà tôi từng gặp, nghiện ma túy rồi không may nhiễm HIV nhưng cách anh đứng lên sau khi ngã khiến người ta khâm phục. Anh Kiên kể: Năm 1995 khi đang học lớp 11, có mấy người bạn đi học ở Hà Nội mang ma túy về rủ chơi thử. Hồi đó, ở xứ Nghệ, ai học ở Hà Nội mang một ít về là đẳng cấp, tay chơi lắm, học sinh cấp 3 có mấy ai biết đến “hàng”. Lần đầu sử dụng cũng thấy “hay hay”, khoảng 3 tháng sau thì nghiện. Năm 2003, Kiên đi trung tâm Giáo dục Lao động số 2 (Nghệ An)… Cuối cùng nhờ sự quyết tâm của bản thân,  anh cai nghiện thành công. Nhớ lại những tháng ngày này, anh tâm sự: Nghĩ lại, mình dại khờ, tiêu tốn những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của đời người vì ma túy…. Mà ngẫm kỹ, ranh giới từ ma túy đến HIV chỉ như một bước chân. Tối hôm nay anh nghiện, sử dụng chung kim tiêm với bạn nghiện nhiễm bệnh, qua một đêm, con virus HIV có thể đã ở trong cơ thể của mình rồi.

Sức mạnh của sự thứ tha

Đa phần người có H sống trong lo lắng, họ sống trốn tránh, che giấu bệnh của mình với những người xung quanh, Kiên cũng có thời gian như vậy. Anh thui thủi trong nhà, tự dằn vặt, dày vò chính mình. Cuối cùng anh nhận ra, không ai khác phải tự mình đứng lên, phải tự tạo việc làm cho mình, tiếp tục sống để lo cho bản thân mình và gia đình. Chính mình đẩy bản thân rơi vào hoàn cảnh này, tự mình vấp ngã, tự mình sẽ biết cách đứng lên. Chán nản, mặc cảm không giải quyết được vấn đề gì, người đời không vì thế mà thương hại, bao dung hơn với người có H. Phan Văn Kiên nhấn mạnh: Đôi lúc tôi nghĩ, thay vì chờ đợi sự cảm thông từ phía xã hội, sao chúng ta lại không tự tha thứ cho mình? Thôi đi những dằn vặt, thôi đi việc tự trách bản thân mình, anh quyết định đối mặt với thực tế, trước hết là vấn đề việc làm.

Các thành viên trong HTX (Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đối với người bình thường, thất nghiệp trong thời buổi đầy cạnh tranh này đã là một nỗi lo nhưng đối với những người không may nhiễm H, đó quả là một nỗi ám ảnh. Ban đầu, anh  góp vốn mở  dịch vụ rửa xe, tích cóp tiền mua được con xe, rồi mua cái tủ cho mẹ... Trước đây nghiện, trong nhà có gì vơ bán sạch, nay anh lặng lẽ chắt chiu từng đồng, cặm cụi làm việc cả ngày để bù đắp cho những năm tháng lầm lạc, sa ngã. Kiên kể, ban đầu biết anh có H, anh bị mọi người nhìn với ánh mắt ghẻ lạnh, không dám trò chuyện, không dám ăn cùng mâm, không dám ngồi gần. Nhưng chính sau khi phát hiện mình có H, cũng là lúc anh sống tỉnh táo, có trách nhiệm nhất với bản thân và cộng đồng.  

Ấm áp cả trời đông

Câu hỏi thế nào kế sinh nhai nào để duy trì cuộc sống và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ là nỗi trăn trở  luôn thường trực trong đầu chàng trai xứ Nghệ. Từ chính trải nghiệm của bản thân và những người đồng cảnh ngộ, Kiên nhận thấy, công việc đối với người có H vô cùng quan trọng. Nếu có việc làm, họ sẽ có đồng ra đồng vào để đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, bận rộn công việc sẽ giúp họ bớt đi cảm giác nặng nề, mặc cảm, muốn tìm đến cái chết.

Được sự bảo trợ về kỹ thuật và tài chính của Dự án trung tâm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Một ngày tháng 10/2008, nhóm tự lực “Sông Lam xanh” ra đời tại khách sạn Phương Nam với sự tham gia của 30 thành viên có H trên địa bàn. Hoạt động của nhóm bao gồm việc chăm sóc giúp đỡ những người có H, người nghiện ma túy, tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức

Giao hàng (ảnh: Bình Nguyên)

Sau khi các dự án tài trợ về HIV tại Nghệ An bị rút, nhóm tự lực của Kiên phải đối mặt với không ít khó khăn. Tháng 10/2011, Hợp tác xã Sông Lam xanh ra đời, đánh dấu mô hình kinh doanh tập thể đầu tiên cho người có H. Hiện HTX đã thành lập cơ sở 2 ở Hương Sơn - Hà Tĩnh thu hút gần 30 thành viên tham gia. Thời điểm này, có 50 thành viên tham gia sinh hoạt bao gồm người nghiện ma túy, người có H trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sông Lam xanh chuyên bán lẻ các mặt hàng nhu yếu phẩm trong sinh hoạt thường ngày như nông sản, dịch vụ rửa xe... Mỗi tháng, HTX phụ cấp 1.200.000 đồng cho mỗi thành viên, số tiền còn lại dành để chi cho các hoạt động  truyền thông. Số tiền tuy không lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn đối với các thành viên.

Trò chuyện với tôi, Kiên hào hứng chia sẻ về dự định trong tương lai gần sẽ đưa gửi thành viên đến các cơ sở để đào tạo nghề cơ khí, điện nước để tạo việc làm cho các thành viên. Vì theo anh, chuyện cơm áo, gạo tiền vẫn luôn là gánh nặng mà người có H phải gồng mình chống chọi. Kiên kể, mặc dù HTX đã đi vào hoạt động ổn định nhưng Ban điều hành phải suy nghĩ làm sao mở những hướng phát triển mới mang tính bền vững cho tổ chức của mình, đảm bảo thu nhập cho thành viên cũng như đủ kinh phí cho các hoạt động truyền thông.

Chia tay anh, tôi vẫn nhớ mãi lời nhắn nhủ: Người sử dụng ma túy mới ở trường cai về, họ cần việc làm để xa lánh bạn bè xấu, có việc làm là tạo môi trường tốt cho họ. Người có H cũng vậy, họ còn đủ sức lao động nên tạo công ăn việc làm là vấn đề bức thiết! Tôi nói thật, không ai có H muốn trở thành gánh nặng cho xã hội cả!

Top