'Thung lũng góa chồng'... bỏ lại quá khứ kinh hoàng

03/08/2020 09:52

Chỉ vài năm, bản người Thái giữa thung lũng Mai Châu có hàng chục người chết trẻ vì liên quan đến ma túy. Hành trình vượt qua “cái chết trắng” như dân bản chân không leo núi đá tai mèo, nhưng họ đã bỏ lại sau lưng quá khứ điêu tàn, chết chóc.

 Bản Lầu thay da đổi thịt từ khi đoạn tuyệt với ma túy và ước mơ làm du lịch

Hà Văn Êu tay run không cầm nổi cốc nước nhớ lại những ngày kinh hoàng ở bản Lầu, xã Mai Hạ (Mai Châu - Hòa Bình).

Những ngày kinh hoàng

Gã trung niên hơn 40 tuổi này giật mình nhận ra mình là người hiếm hoi còn sót lại trong đám trai "7X đời đầu" ở bản này. Gã lờ đờ nhẩm tính bạn bè, anh em trong bản hơn 70 người cứ lần lượt ra đi. Chỉ trong 2 năm 2004 - 2005, đám trai tráng của bản kẻ chết, người bỏ đi nơi khác. Có nhà ba người con trai chết cả ba, cha mẹ già lọm khọm nuôi nhau. Nhà khác thì chết hai con, người còn lại phát hoảng dặt dẹo trong men rượu.

Hà Văn Êu không ngần ngại nói thẳng mình đang điều trị ARV. "Chắc nhà tôi phúc lớn nên tôi nghiện sớm nhất bản, bị nhiễm HIV cũng sớm nhất nhưng lại sống dai nhất" - Êu nói. 46 tuổi nhưng nhìn Êu như gần 60. Gương mặt sạm đen, lồi lõm vì khói thuốc phiện, HIV tàn phá.

Những năm 1990, Êu là gã trai bản sức vóc. Êu khéo tay, ngả cây gỗ, cầm rìu đẽo nhẵn như người ta dùng máy bào. Êu được nhóm thợ mộc dưới xuôi tuyển mộ theo chuyên dựng nhà sàn cho những gia đình khá giả trong vùng. Vì khéo tay, công gã hồi ấy mỗi ngày được hơn chục nghìn đồng, mua được 2 cân thịt lợn. Hai ngày công mua được 1 yến gạo, 1 tháng lương trừ tiền ăn hắn vẫn mua được vàng.

Gã nhớ như in lần đầu dính vào thuốc phiện. Đó là tháng 9-1994, gã dựng nhà ở xã Nà Lụt, cách thị trấn Mai Châu bây giờ khoảng 20 cây số. Mấy ông thợ dưới xuôi nằm nghiêng rít khòn khọt thứ nâu nâu, sền sệt như cao khỉ, đốt bằng đèn mỡ lợn. Gã thử, thấy mình lúc giống như Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, lúc lại thấy mình như đang trôi theo dòng lũ. Gã ngập ngụa từ đó.

 Nụ cười đã trở lại thung lũng đìu hiu ngày nào

Bản Lầu - quê gã ngày ấy nằm giữa ba "thủ phủ thuốc phiện" lớn là Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), Sông Mã (Thanh Hóa) và Lào. Năm 1998 đến đầu những năm 2000, người ta mua thuốc phiện, heroin ở bản Lầu dễ hơn mua nếp nương. "Mấy thằng chúng nó mang "hàng" từ Thanh Hóa, Lào về vừa dùng vừa bán. Trong bản có bốn điểm bán, mua vài "tép" dễ hơn ra chợ mua gạo nương" - Hà Văn Êu rùng mình kể lại.

Mai Châu khi ấy có hai bản "nổi tiếng" nhiều người nghiện là bản Lầu và bản Tiền Phong. Nhà nào ở bản Lầu cũng có người nghiện. Đi chợ huyện, người ta gọi dân bản Lầu "ăn thuốc phiện thay cơm". Ngày ấy ở bản Lầu còn có một mỏ đá. Ông chủ nghiện, công nhân cũng nghiện hết. Thanh niên bản Lầu làm thuê trong đó, đến khi mỏ đóng cửa, trả về bản là những con nghiện dặt dẹo.

Êu chỉ căn nhà sàn cách nhà mình mươi bước chân: "Thằng đó "đi" chầu ông bà đầu tiên. Nó cùng "trà" với tôi, nghiện nặng. Đưa nó ra đồng xong, quay về lại làm ma cho thằng em con chú". Từ ngày ấy, năm nào ở bản Lầu cũng có hơn chục người chết, mà toàn chết trẻ để lại vợ con, cha mẹ bơ vơ...

Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ tịch xã Mai Hạ, chua chát: "Người ta cứ nói đùa là bản Lầu mỗi năm mất 2 đội bóng. Ngày ấy đi đâu ai cũng sợ dân bản Lầu!".

Ông Hà Văn Đính - phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mai Hạ - nhớ lại ngày ấy ông là bí thư Đoàn xã đến bản Lầu vận động dân đi cai nghiện, thấy nhà nào cũng có người ốm. Kẻ nghiện sợ nước, nhiều người nhiễm HIV, không chết vì sốc thuốc cũng chết vì AIDS. Đám tang chỉ toàn người trong bản với nhau, anh em xa, người ngoài bản sợ không dám viếng.

Đến khoảng năm 2006 thì bản Lầu không còn mấy người trẻ để mà chết. Bản người Thái sung túc bậc nhất thung lũng Mai Châu xưa đã kiệt quệ, hắt hiu vì ma túy.

Mong bản thành điểm du lịch

Ông Khoa năm nay đã 72 tuổi, vẫn đi làm nương như ngày còn trẻ. Ông có ba người con trai cùng làm công nhân mỏ đá bản Lầu đều nghiện rồi "đi" cả. Cô con dâu cả đi làm thuê nuôi con và giúp đỡ cha mẹ chồng. Căn nhà sàn và vuông đất hơn nghìn mét vuông trước đây của gia đình ông đã bán đi già nửa. Người trong bản nói ông Khoa phải bán để cho ba cậu con trai đi cai nghiện, chữa bệnh cho con. Nhưng rồi cả ba đều không giúp được ông.

Cô con dâu cả của ông Khoa đi làm ở Hà Nội, gửi tiền về hằng tháng nuôi con, trợ cấp cha mẹ chồng. Ông Khoa vẫn cấy mỗi vụ vài chục bao thóc (người Tây Bắc tính ruộng to, ruộng bé bằng bao thóc), chăn bốn con bò. Đứa cháu đích tôn đã học trung học phổ thông. Cuộc sống bình yên và khấm khá trở lại kể từ khi bản Lầu không còn khói thuốc phiện.

Nhà bí thư chi bộ bản Lầu Vì Văn Phao nằm giữa bản. Chiều tối hơn chục người hàng xóm ông Phao hò nhau đi quét đường, dọn rãnh nước. Đường đi trong bản kẻ ô như bàn cờ, đổ bêtông phẳng lì, tuần nào dân bản cũng chia nhau quét dọn. Kể từ ngày dân bản đưa người thân đi cai ma túy, bản Lầu như lột xác.

Biết sợ và tránh xa "cái chết trắng", bản người Thái dần gượng dậy từ nghèo đói. Cánh đồng trước bản dài tít tắp ra tận chân đèo Thung Khe nhưng phần đất của bản không nhiều. Bí thư chi bộ Vì Văn Phao cho hay đất ít nhưng dân chịu khó. Năm nào cũng cấy hai vụ lúa, một vụ màu. Nhà nào cũng chăn nuôi, nhiều nhà khác kinh doanh nhỏ.

Xã Mai Hạ nằm ngay cạnh khu du lịch bản Lác của huyện Mai Châu, rau, dưa trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Dân bản đã sống trong cái thời khốn khó nhất là "con ma túy" hoành hành, họ phải vượt lên. Năm ngoái thu nhập bình quân dân bản Lầu khoảng 31 triệu/người/năm, năm nay dự tính sẽ đạt hơn 40 triệu đồng.

Ông Phao nhìn ra mặt hồ bản Lầu xanh thăm thẳm: "Mong muốn của bà con bây giờ là trở thành một điểm du lịch như bản Lác. Hơn 100 hộ dân ở đây có nhà sàn to đẹp. Nếu hướng dẫn cho dân bản và liên kết với các công ty lữ hành, chắc chắn người bản Lầu sẽ làm được du lịch".

Dính vào ma túy là chết, là khổ, nhưng vẫn có lối thoát nếu dám vượt qua.

Giúp nhau vượt qua "cái chết trắng"

Hà Văn Êu kể lại những ngày tháng kinh hoàng vì ma túy

Ngày ấy dân trong bản sợ "con ma túy", dân bản khác lại sợ dân bản Lầu. Cán bộ huyện về, xã về ở với dân để khuyên không hút chích nữa. Họ còn hướng dẫn cho đi cai nghiện, rồi bản chia ra các tổ liên gia tự quản. Cả bản có 12 tổ như thế. Tổ trưởng phải theo dõi nhà nào có người đi xa về, nhà nào có người chơi với người nghiện rồi đến nhà nhắc nhở...

Thế là dân bản nghe. Mấy lần có người lạ đến bản, định rủ người trong bản đi hút heroin, người trong tổ báo với công an xã ngăn kịp.

Top