Quá trình đau đớn của người phẫu thuật chuyển giới

02/07/2015 14:05

Chịu khoảng 30 lần mổ, bao gồm phẫu thuật cơ quan sinh dục và các bổ trợ làm đẹp theo giới tính, người chuyển giới phải được theo dõi sát sao ít nhất một năm sau để xử lý những biến chứng.

Giới tính một cá thể người được tạo thành do sự kết hợp các nhiễm sắc thể giới tính của cha và mẹ. Bình thường mỗi tế bào sinh dục cha và mẹ mang 22 đôi nhiễm sắc thể thường và một đôi nhiễm sắc thể giới tính: XX của giao tử cái và XY của giao tử đực. Sự kết hợp X-Y sẽ tạo thành giống đực và kết hợp X-X sẽ tạo thành giống cái.

Trong quá trình phát triển phôi thai, sự hình thành cơ quan sinh dục còn phải trải qua giai đoạn trung tính trước khi hình thành giới tính nam và nữ. Sau khi chào đời và trưởng thành, cơ quan sinh dục vẫn tiếp tục hoàn thiện cho đến tuổi dậy thì nên giới tính mỗi người cũng phải qua tuổi dậy thì mới có thể xác định một cách rõ ràng. Căn cứ để xác định giới tính một người là cơ quan sinh dục và hành vi tính dục. Nhưng không phải bao giờ hai yếu tố này cũng song hành với nhau. Từ xa xưa loài người đã biết đến những biểu hiện tính dục không phù hợp với “ngoại hình” của cơ quan sinh dục. 

Dựa vào hành vi tính dục, các khuynh hướng tình dục của con người được phân ra các loại :

- Tình dục khác giới (dị giới, dị tính) - Heterosexualism.

- Tình dục đồng giới (đồng tính luyến ái) - Homosexualism (Gay, Lesbian).

- Tình dục lưỡng giới (song tính luyến ái) - Bisexualism.

- Không tình dục (vô tính luyến ái) - Asexual.

Tình dục khác giới là hiện tượng sinh lý bình thường theo truyền thống của những người có cơ quan sinh dục phát triển hoàn thiện. Những người có cơ quan sinh dục phát triển bất thường như thừa hay thiếu bộ phận nào đó hoặc có cả bộ phân sinh dục của phái khác được coi là những người có khuyết tật cơ quan sinh dục. Những người này cần được phẫu thuật để hoàn thiện theo giới tính tự nhiên, gọi là xác định lại giới tính, được luật pháp các nước cho phép kể cả Việt Nam.

Các trường hợp có cơ quan sinh dục bình thường mà khuynh hướng tình dục bất thường gây khó khăn cho việc nhận dạng giới tính được gọi là rối loạn định dạng giới tính. Những người có sự bất thường này được gọi chung là người chuyển giới. Cộng đồng chuyển giới LGBT gồm lesbian, gay, bisexual, transsexual (lâu nay ở Việt Nam gọi một cách chưa chính xác là cộng đồng đồng giới) đã được công nhận ở nhiều nước và có lá cờ “cầu vồng” làm biểu tượng tập họp.

Phẫu thuật chuyển giới được coi là một trong các giải pháp điều trị quan trọng cho rối loạn chuyển giới. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 100 đến 500 người thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tính trên toàn thế giới thì con số gấp 2-5 lần như vậy.

Tại Việt Nam, Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT cho biết có 53,3% người chuyển giới tự thực hiện liệu pháp hormone, 30% thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài, 33% thực hiện phẫu thuật một phần ở Việt Nam, một phần ở nước ngoài.

Phẫu thuật chuyển giới là bước cuối cùng trong các quy trình điều trị theo quy chuẩn SOC về điều trị chăm sóc người chuyển giới. Quy trình này gồm các bước:

Bước 1: Tâm lý liệu pháp.

Người chuyển giới được chuyên gia tâm lý khám và chẩn đoán về mặt tâm lý, sử dụng liệu pháp tâm lý để điều trị nếu cần thiết trong thời gian ít nhất một năm. 

Bước 2:  Sống thử. 

Trong thời gian 6 tháng đến một năm, người chuyển giới được tạo điều kiện sống thực tế để bộc lộ giới tính thật của mình.

Bước 3: Áp dụng liệu pháp hormone để thử nghiệm và điều trị theo yêu cầu giới tính.

Bước 4 : Phẫu thuật cải tạo cơ quan sinh dục gồm việc cắt bỏ các cơ quan sinh dục hiện có và tạo hình các cơ quan sinh dục mới theo giới tính mới.

Phẫu thuật thay đổi giới tính đã có từ xa xưa trong lịch sử loài người. Hoạn thiến có lẽ là kỹ thuật phổ biến nhất liên quan đến giới tính. Thời đó người ta hoạn thiến những kẻ nô lệ để họ trở nên hiền lành hơn, làm việc chăm chỉ hơn. Từ xưa người ta cũng đã hoạn thiến các quan thái giám phục vụ trong cung vua phủ chúa. Đến năm 1930, ca phẫu thuật chuyển giới thực sự đầu tiên mới được thực hiện tại Đức cho một người Đức có tên là Elber. Vài thập niên sau, với sự phát minh ra các hormone sinh dục, ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên có sự hỗ trợ của liệu pháp hormone được thực hiện năm 1952 tại Đan Mạch cho bệnh nhân Christine Jorgensen, một công dân Mỹ.

Đến nay, nhờ các thành tựu về vi phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hormone liệu pháp  phẫu thuật chuyển giới, chủ yếu là chuyển giới từ nam sang nữ đã trở nên phổ biến và có kết quả tốt cả về thẩm mỹ và chức năng hoạt động tình dục. Chỉ riêng bác sĩ Burou (Pháp), tác giả của phương pháp tạo hình âm đạo bằng da dương vật lộn ngược đã thực hiện 3.000 ca tính đến năm 2012. Bác sĩ Biber người Mỹ tại Trung tâm y tế Đại học Stanford đã thực hiện mỗi năm trung bình 150 ca và tổng cộng đến năm 2010 là 4500 ca.

Tại Thái Lan, năm 1975 ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện tai Bệnh viện Đại học Chulalongkon chuyển giới nam sang nữ. Đến nay Thái Lan đã trở thành trung tâm phẫu thuật chuyển giới nổi tiếng thế giới với lượng bệnh nhân người nước ngoài tăng vọt từ 2% năm 2008 lên 90% năm 2012. Một số người chuyển giới Việt Nam cũng đã đến Thái Lan để thực hiện phẫu thụật.  

Kỹ thuật phẫu thuật đã tiến bộ nhiều, mang lại cho người chuyển giới sự hài lòng với khả năng quan hệ tình dục và sinh hoạt theo giới tính mới, nhưng những hệ lụy là không nhỏ. Ngoài việc phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật (khoảng 30 lần kể cả phẫu thuật cơ quan sinh dục và các phẫu thuật bổ trợ cho việc làm đẹp theo giới tính), người chuyển giới phải được theo dõi sát sao ít nhất trong một năm sau đó để xử lý những biến chứng. Những người Việt Nam ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới, vì khoảng cách địa lý và gánh nặng tiền bạc không thể ở lại nơi phẫu thuật để theo dõi hậu phẫu lâu dài nên sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm cho sức khỏe.

Phải nong âm đạo thường xuyên để chống co hẹp bằng dụng cụ vaginal sten là một phiền phức không nhỏ. Trị liệu hormone phải được áp dụng kéo dài trong ít nhất một năm tiếp theo gây nhiều biến đổi cho cơ thể. Sự chịu đựng nhiều phẫu thuật và sử dụng hormone kéo dài ngoài sự tốn kém còn đưa đến những rủi ro cho sức khỏe. Việc tập luyện những thói quen sinh hoạt theo giới tính mới cũng không đơn giản. Chỉ riêng những khó khăn trong việc thay đổi thói quen cảm nhận khoái cảm tình dục từ sự phóng thích của người nam sang cảm giác co thắt cơ thể của người nữ, đến việc tập thói quen đi tiểu ngồi cũng phải trải qua một thời gian khá dài với nhiều ức chế. 

Một khó khăn lớn nữa là việc tái hòa nhập với xã hội để nhận được sự thừa nhận và tôn trọng của cộng đồng cùng gia đình. Đây là thách thức không dễ dàng, nhất là trong một xã hội còn nhiều định kiến và bảo thủ như ở Việt Nam. Khó khăn trở ngại lớn nhất của những người chuyển giới nữ chính là thiếu khả năng làm mẹ để có được trọn vẹn hạnh phúc của một phụ nữ thực thụ, khiến một số người chuyển giới nuối tiếc và ân hận về cuộc phẫu thuật. 

Người chuyển giới luôn khao khát được sống với giới tính thật của mình trong sự công bằng với mọi người. Việc xã hội thừa nhận, tạo điều kiện cho họ đạt được ý nguyện kể cả trải qua phẫu thuật là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn nhưng không hề dễ dàng. Tại Mỹ để có được phán quyết công nhận hôn nhân đồng giới của Tòa án tối cao ngày 26/6, đã phải vượt qua nhiều sự chống đối, nhất là từ phía các tôn giáo, trải qua nhiều năm tranh cãi về đạo đức và pháp lý. Tại cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở Tòa án, số phiếu ủng hộ và phản đối cũng xấp xỉ nhau 5/4. 

Bác sĩ Cao Ngọc Bích
Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM

Top