Phân loại người nghiện để định hướng phù hợp

11/06/2020 09:21

Với nhiều năm làm công tác quản lý tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, ông Phạm Đình Giang cho rằng, ở ngoài thì mỗi học viên đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng khi vào đây, tất cả đều được đối xử công bằng bằng tình thương, sự đồng cảm để truyền nghị lực giúp họ sớm tránh xa được ma túy, trở về với cộng đồng làm lại cuộc đời.

Phân loại người nghiện để định hướng phù hợp

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết, tại cơ sở đang quản lý 438 học viên là người cai nghiện ma túy bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc, trong đó có 132 học viên nữ. Đây là một đơn vị đa chức năng và thực hiện nghiêm các giải pháp và quy trình cai nghiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối tượng cai nghiện đến từ nhiều quận/huyện của Hà Nội cũng như các tỉnh khác như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Vĩnh Phúc… Trong số các học viên, có những trường hợp là cai nghiện bắt buộc, thời gian chấp hành quyết định của tòa án từ 12-24 tháng, cai nghiện tự nguyện tối thiểu từ 6 tháng nên phải áp dụng các chương trình cai nghiện, giáo dục tuyên truyền, học nghề cũng khác nhau để phù hợp với từng đối tượng.

Toàn cơ sở có 139 cán bộ chia làm 6 phòng/ban chức năng. Riêng phòng y tế và phòng giáo dục cộng đồng cũng chia đôi. Ví dụ, phòng y tế chia ra phân khu y tế nữ gồm 8 cán bộ và phân khu y tế nam gồm 10 cán bộ. Khi học viên được đưa đến đơn vị sẽ có khu tiếp nhận riêng và thực hiện các bước kiểm tra giấy tờ, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay theo quy định phòng dịch hiện hành. Sau đó, bộ phận y tế sẽ khám sức khỏe và cán bộ quản lý sẽ đối chiếu hồ sơ, ghi tình hình sức khỏe diễn biến tâm lý vào sổ bệnh án và đưa vào khu cắt cơn. Trong mỗi khu y tế chia làm khu cắt cơn, khu lây để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Đơn vị cũng có khu lưu trú riêng cho các đối tượng phù hợp. Hiện tại, đội ngũ cán bộ y tế đều có trình độ và kỹ năng cần thiết theo quy định.

Theo quy trình cai nghiện phục hồi được quy định tại Nghị định 136 của Chính phủ, trong đó có bước giáo dục cả về thể chất lẫn giáo dục văn hóa cho học viên được đảm bảo. Hàng ngày, học viên được rèn luyện các bài thể dục thể thao như chạy, kéo xà đơn, bóng chuyền, cầu lông… Sau khi họ có được thể lực tốt rồi sẽ được phân loại vào các lớp học phù hợp. Có một số trường hợp chưa biết chữ sẽ được gom vào một lớp học xóa mù chữ. Sau khi học xong, các học viên này sẽ được Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cấp giấy chứng nhận.

Các học viên nữ đang lao động tại xưởng làm nghề lắp ráp thiết bị điện ở cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội

Chú trọng khâu tư vấn việc làm cho học viên sau cai

Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 có cơ sở vật chất ban đầu là thuộc về một đơn vị quân đội chuyển ngành sang, khi mới thành lập có nhiệm vụ quản lý đối tượng mại dâm. Từ năm 2001, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý cả đối tượng cai nghiện ma túy. Đối với những vụ việc phức tạp, cơ sở cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền vận động để học viên nắm và chấp hành nghiêm chỉnh. Đặc biệt là thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh để góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng theo ông Giang, mỗi học viên đều có những hoàn cảnh riêng. Cá biệt, có học viên là người nhiễm HIV hoặc bệnh truyền nhiễm khác lại bị chính gia đình mình hắt hủi, xa lánh khiến họ cảm thấy vô cùng mặc cảm. Điều này đòi hỏi các cán bộ tại cơ sở phải thực sự đồng hành, cảm thông và tâm sự nhiều hơn với học viên để khuyên nhủ, nắm bắt tâm tư tình cảm. Thông qua các giai đoạn của quy trình cai nghiện cho học viên như tiếp nhận/phân loại, quản lý giáo dục/dạy nghề, việc làm, tái hòa nhập cộng đồng sẽ giúp các học viên dần lấy lại được bản chất lương thiện trong con người mình. Từ đó có ý thức tự giác tránh xa ma túy để lao động sản xuất một cách chân chính.

Ngoài ra, thời điểm trước khi hết hạn cai nghiện khoảng 2 tháng (đối với bắt buộc) và 1 tháng (đối với tự nguyện), bộ phận tư vấn của phòng giáo dục cộng đồng sẽ tập trung các học viên để tiếp tục giáo dục các kỹ năng phòng chống tái nghiện. Cùng thời điểm đó, trung tâm dịch vụ việc làm của Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng lên tận đơn vị gặp gỡ các học viên chuẩn bị hết hạn cai nghiện để tư vấn nghề nghiệp cho học viên. Khi trở về cộng đồng, các học viên đã có trong tay những địa chỉ doanh nghiệp cần việc làm để có thể nộp hồ sơ xin việc phù hợp với năng lực, khả năng của mình.

Top