Phạm Hồng Quân, trẻ tuổi nghề dày thành tích

20/08/2012 18:27

Thượng úy Phạm Hồng Quân (Đội 12, Phòng CSHS - CATP Hà Nội), mới 32 tuổi nhưng đã xác lập nhiều chuyên án trinh sát, trực tiếp tham gia khám phá đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc; tham gia khám phá vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện phụ sản Trung ương tháng 11/2011…

Thượng úy Phạm Hồng Quân được tuyên dương “Thanh niên Công an tiêu biểu” năm 2012 -Ảnh Phan Hoàng

Sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống theo công an, thế nhưng đường vào ngành của Phạm Hồng Quân lại không theo đường chính thống. Năm 2002, tốt nghiệp khoa quản trị Kinh doanh của Đại học Mở Hà Nội, Phạm Hồng Quân được nhận về Đội trọng án của Công an tỉnh Hà Tây.

Chia sẻ về những ngày đầu đến với nghề, anh bảo với người “ngoại đạo” như anh mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ. Để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, anh thường lục tìm hồ sơ những vụ án cũ để nghiên cứu. Những lúc nhàn rỗi, Quân lại theo chân các anh, các chú đến hiện trường để thu thập chứng cứ, thông tin. Những kinh nghiệm đó giúp anh rất nhiều. Kể cả lần tham gia phá vụ án bắt cóc giết người cuối tháng 12/2004 ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Vụ đó nạn nhân là cháu C (8 tuổi, học sinh trường Tiểu học xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa). Sau 6 tháng điều tra, cơ quan công an bắt được hung thủ là Vũ Đức Trung (lúc đó đang là học sinh lớp 12), hàng xóm của gia đình nạn nhân. Do nợ tiền cờ bạc, Trung lên kế hoạch bắt cóc, tống tiền rồi giết hại cháu C.

Tháng 8/2008, sau 5 năm làm điều tra trọng án, Phạm Hồng Quân được phân về Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về mua bán người (Đội 12), Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội. Từ đó đến nay, anh lại cùng đồng đội tiếp tục phá nhiều vụ án, lập chiến công xuất sắc.

Cuối tháng 3/2011, từ nguồn tin do một phụ nữ đến cơ quan công an trình báo, người phụ nữ này có con gái tên bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc, Thượng úy Phạm Hồng Quân được cấp trên chỉ định làm thư ký Ban chuyên án. Anh cũng là người trực tiếp tham gia điều tra, đấu tranh truy bắt các đối tượng. “Đây là vụ án buôn bán trẻ em đầu tiên mà đơn vị đấu tranh triệt xóa hoàn toàn, tất cả các mắt xích quan trọng trong đường dây này đều đã bị bắt giữ”, Thượng úy Phạm Hồng Quân tự hào cho biết. Anh kể với “Dấu vết” ban đầu chỉ là những “nickname” trên mạng internet, Tổ trinh sát, trong đó có Thượng úy Phạm Hồng Quân, bắt tay vào việc rà soát, thu thập tài liệu. Trong thời gian ngắn, tổ trinh sát lần ra nhóm thanh niên tên là Tý và Hoàng đều dân “nghiện net”, chuyên làm quen với nữ sinh trên mạng. “Đây là việc không dễ dàng vì ban chuyên án xác định các đối tượng dùng tên giả. Phải làm sao để lần ra đầu mối liên lạc của chúng rồi khéo léo tiếp cận, câu nhử các đối tượng cắn câu”, Thượng úy Quân kể.

Qua một tháng tập trung đấu tranh và thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra đã bắt gọn các đối tượng cầm đầu đường dây này là Nguyễn Dương Hoàng Phi (SN 1997), Vũ Văn Ca (SN 1989), Lê Thị Toan (SN 1989) đều trú tại Hà Nội và Bùi Bích Tường (SN 1972, ở Phú Thọ), giải cứu nạn nhân thành công.

Thượng úy Phạm Hồng Quân chia sẻ, có đặt mình vào vị trí của gia đình người bị hại thì mới cảm nhận được nỗi đau đớn của gia đình nạn nhân. Nhìn người mẹ vật vã vì mất con, người nhà nạn nhân đứng ngồi không yên, mình lại càng phải quyết tâm phá án cho bằng được.

Chuyên án giải cứu trẻ sơ sinh bị bắt cóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để lại trong Quân nhiều ấn tượng sâu sắc. Đầu tháng 11/2011, vừa kết thúc tuần trăng mật trở về, anh được cấp trên giao hồ sơ vụ án trọng điểm này. Do tính chất nghiêm trọng của sự việc chưa từng có tiền lệ, Thượng úy Quân cùng đồng đội trong Phòng hình sự nhiều đêm thức trắng để rà soát thông tin, lần tìm manh mối. Anh coi trọng phân tích tâm lý, đưa ra các giả định.

Kết cục, thủ phạm Nguyễn Thị Lệ bị cơ quan điểu tra bắt giữ tại nhà riêng ở Bắc Giang. Là một trong những cảnh sát lấy lời khai nghi phạm, anh kể người phụ nữ khao khát được làm mẹ này tỏ ra khá lì lợm và quanh co. Song dù có "cứng đầu" đến mấy, nghi phạm cũng không thể qua mặt được cơ quan điều tra. Lệ đã phải cúi đầu, khai nhận toàn bộ sự việc.

Trao đổi về những tình huống khó khăn, nguy hiểm trong nghề, Thượng úy Quân chia sẻ, có lần tham gia đánh án, để chặn đường không cho đối tượng tẩu thoát, anh phải giao tranh với một đối tượng tội phạm nguy hiểm trên nóc nhà… cấp 4. “Hai bên giằng co ác liệt, mỗi người văng ra một phía, đối tượng thì rơi trúng đống rơm còn mình nhờ nhanh tay bám được một tay vào mái ngói chứ không ngã xuống nền xi măng bên dưới thì có lẽ…!”

Vì những thành tích nổi bật đó, trong năm 2011, Thượng úy Phạm Hồng Quân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen.  Quân cũng đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cở sở và là 1 trong 10 gương mặt trẻ Công an thủ đô năm 2011. Thượng úy Phạm Hồng Quân cũng là một trong 20 gương tiêu biểu vừa được tuyên dương và vinh dự đón nhận danh hiệu “Thanh niên Công an tiêu biểu” năm 2012 do Bộ Công an trao tặng.

Top