Nỗi lòng của người đàn ông “ra tù vào tội”

24/03/2020 08:56

Với bản án 7 năm tù vì tội chống người thi hành công vụ, thi hành án từ năm 2011, Trung có thể được ra trại lâu rồi. Nhưng tiếc thay, vì cái tính côn đồ, liên tục vi phạm kỷ luật mà cao hơn là tội mua bán ma túy trong trại giam nên tổng hình phạt mà Trung phải chấp hành hiện nay là 19 năm 5 tháng 15 ngày tù giam. Hiện người đàn ông này đang cải tạo ở phân trại số 1 trại giam Tân Lập (Bộ Công an).

Nhiều lần đi tù vì tính côn đồ

Gặp Trung khi người đàn ông này vừa đi lao động về, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với phạm nhân này là ông ta có cái gì đó ngang tàng, bốc đồng, thích thể hiện. Trung bảo, tại từ nhỏ đã có cái tính ương ngạnh, không coi ai ra gì nên giờ phải trả giá. Hỏi Trung biết là sai lầm sao không sửa đi, người đàn ông gần nửa đời người vẫn sống trong trại cải tạo trầm ngâm: “Tôi mới ngộ ra được ba năm nay thôi chứ trước đây vẫn còn ngông nghênh lắm. Nhiều khi cứ nghĩ là mình sống chẳng phải lụy ai, có thế nào sống như thế, cần gì phải nịnh nọt ai. Có những việc thấy ai cũng hưởng ứng nhưng không ai dám đề xuất, cầm trịch thì mình đứng ra. Cứ tưởng đã được bàn bạc và ai cũng dạ vâng, nhất trí rồi thì cứ thế mà làm. Ai dè đến khi hô hào thì những người trước đó hứa sẽ hưởng ứng cuối cùng lại không ai nghe theo”.

Cũng theo lời nam phạm nhân này thì cũng vì cái tính thẳng băng như “ruột ngựa” ấy và hơn cả là thích thể hiện mà Trung nhiều lần bị điều chuyển từ trại giam này tới trại giam khác. Từ một trại giam phía Nam, gần nhà, sau mỗi lần vi phạm, Trung được chuyển dần ra các trại giam phía Bắc và khoảng cách địa lý giữa người thân và nơi anh ta cải tạo cũng vì thế mà dài thêm.

“Tôi đã 5 lần chuyển trại giam. Mỗi lần muốn được chuyển trại thì tôi lại quậy phá. Cứ nghĩ quậy tưng bừng như thế sẽ được chuyển về gần nhà, ai dè phải đi xa hơn”, Trung kể.

Sinh ra trong một gia đình lao động bình thường ở TP Cà Mau, Trung là con út, trên chỉ có một anh trai nhưng ngày từ nhỏ anh ta đã là người ngỗ nghịch. Đang học lớp 7 thì bỏ học, hỏi vì sao, nam phạm nhân này đáp gọn lỏn: “Chán thì bỏ thôi”. Ở nhà lông bông, Trung kết bạn với những thành phần bất hảo, sống lang thang để rồi sớm vướng vòng lao lý.

Nhắc tới lần đầu biết thế nào là cuộc sống nơi trại giam, Trung bảo ngày đó thiếu hiểu biết, thấy bạn bè rủ rê đi trấn lột tiền của những đôi trai gái hay ngồi chỗ tối tâm sự thì a dua theo. “Năm 1997 tôi bị kết án 3 năm về tội cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng”, Trung kể.

Theo lời nam phạm nhân này kể thì thời điểm đó anh ta đã có vợ nhưng vẫn không từ bỏ được cuộc sống thích lang bạt, vô tổ chức. Có lẽ vì thế nên cuộc hôn nhân của anh ta nhanh chóng đi đến kết thúc mà giữa hai người chưa có được một đứa con chung. Kể từ đó, cuộc sống của Trung cứ liên tiếp ra tù rồi lại vào tù.

Năm 2003, Nguyễn Quang Trung bị xử phạt 12 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian thi hành án, Trung đánh bạn tù nên tiếp tục bị TAND thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) xử phạt thêm bản án tù nữa về tội cố ý gây thương tích. 3 năm sau (năm 2007) Trung tiếp tục khoác thêm một bản án tù nữa cũng về tội cố ý gây thương tích. Bị điều chuyển trại giam, Trung lại tiếp tục gây chuyện với các phạm nhân cùng buồng cải tạo và trong một lần đi lao động, bị quản giáo nhắc nhở vì có những hành vi bạo lực với bạn tù, Trung đã đánh lại cán bộ và còn kích động những phạm nhân khác cùng có những hành vi chống đối. Chính vì thế mà năm 2011, Trung bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 7 năm tù về tội chống người thi hành công vụ. Lần này anh ta được chuyển về trại giam Tân Lập cải tạo.

Phạm nhân Nguyễn Quang Trung nói chuyện với Thượng tá Kiều Kim Hoàng, phó giám thị trại giam Tân Lập

Mong được lượng thứ

Theo lời Trung kể thì thời gian đầu được điều chuyển về trại giam này, anh ta luôn tỏ thái độ bất mãn nên luôn tìm cách chống đối lại những yêu cầu của cán bộ phụ trách. Ví như phải đi lao động ở đội trồng rau thì anh ta lấy lý do có bệnh đau khớp không làm việc nặng được. Phân công đi cắt rau thì anh ta kêu tay chân nhúng nước nhiều sẽ viêm khớp. Chuyển đội lao động, Trung kêu mắt kém không dán mi mắt được hay lắp đồ điện thì kêu đau lưng,…. Khi không thể đưa ra được lý do nào chính đáng thì Trung chống đối bằng cách không thực hiện nội qui và đưa ra yêu sách đòi được chuyển trại về gần nhà mới “yên tâm cải tạo được”. Trung bảo mục đích của những lần vi phạm là muốn được chuyển trại và cho rằng đã đi tù là được Nhà nước bao cấp cho ăn uống nên không làm gì cả. “Tôi đã từng có suy nghĩ sai lầm khi được cán bộ giao việc. Mặc dù được giải thích nhiều lần và bản thân tôi cũng hiểu rằng vào đây đi làm là để cải tạo lao động nhưng mỗi khi chán nản tôi lại quậy phá”, Trung kể.

Nói về việc tham gia vào đường dây tiêu thụ ma túy khi đang cải tạo trong trại giam Tân Lập năm 2013, Trung bảo khi đó buồn chán chuyện gia đình nên ai rủ rê là làm thôi. “Tôi tham gia không phải vì muốn có ma túy để sử dụng vì tôi có nghiện đâu. Tôi cũng không phải vì kiếm tiền vì ở trong này thì có được cầm tiền đâu mà có tiền cũng chẳng để làm gì. Có điều đã lâu lắm rồi không nhận được tin nhà nên tôi bất mãn. Tôi muốn gây sự chú ý để được chuyển trại lần nữa, biết đâu lại được quay về gần nhà”, Trung kể.

Cải tạo lao động ở đội làm vàng mã, công việc của Trung là đóng gói các sản phẩm do các phạm nhân trong đội đã làm ra sau đó buộc thành từng gói đóng kiện để đưa đi. Trung bảo trước đây mà làm việc này thì kêu ca phàn nàn rằng nặng nhọc nhưng giờ lại thấy được làm việc luôn chân tay sẽ thấy thoải mái đầu óc hơn vì không còn thời gian rỗi để nghĩ ngợi đến chuyện bi quan, tiêu cực. “Sau khi được phó giám thị Kiều Kim Hoàng gọi lên nói chuyện vài lần, tôi dần hiểu ra rằng muốn được sớm về đoàn tụ với gia đình chỉ có một con đường duy nhất là chăm chỉ cải tạo. Tôi rất cảm ơn anh ấy vì anh ấy đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của tôi ”, Trung kể.

Từ một thanh niên bất hảo, từ một phạm nhân luôn vi phạm nội qui, kỷ luật và thậm chí khoác thêm nhiều bản án khi còn đang cải tạo tạo trong trại giam, Trung đã biết tu tỉnh bản thân và 3 năm trở lại đây, anh ta luôn được xếp  loại khá. Trung bảo anh ta “ngoan” lên là nhờ được cán bộ dìu dắt và bố trí công việc phù hợp.

Trước khi xin phép quay lại công việc của mình, Trung thổ lộ: “Nghĩ lại những ngày đã qua tôi thấy mình thật uổng phí. Tại sao tôi không chịu lắng nghe cán bộ giải thích và thẳng thắn đề đạt nguyện vọng của mình mà lại tìm cách đối đầu. Đáng ra tôi phải làm điều đó từ sớm hơn thì giờ này đã được ở nhà với bố mẹ”.

Nghe anh ta nói thế, chúng tôi thầm hiểu, người đàn ông này đã nhận ra sai lầm của mình và thầm chúc anh ta luôn hoàn thành tốt công việc được giao để sớm trở về đoàn tụ với cha mẹ, người thân.

Top