Nơi giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

21/11/2021 10:31

Là nơi hỗ trợ cai nghiện cho những người từng sử dụng ma túy, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh (thuộc Sở LĐTB&XH Quảng Ninh) đã có nhiều nỗ lực trong điều trị, quản lý, giáo dục, dạy nghề cho hàng trăm học viên, giúp họ có nhiều cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Là đơn vị đặc thù, công tác quản lý, điều trị, chăm sóc, giáo dục học viên gặp nhiều khó khăn. Do đa số học viên sử dụng nhiều loại ma túy, một số học viên mắc các bệnh xã hội, truyền nhiễm, vì vậy cán bộ làm việc tại đây phải thường trực bảo vệ và giám sát 24/24h. Hằng ngày phải đối mặt với học viên để quản lý, điều trị, chăm sóc, giáo dục, cũng như duy trì các hoạt động, giải quyết các sự vụ xảy ra, do đó áp lực công việc với cán bộ rất cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội lớn

Các học viên học nghề làm giấy vàng mã tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh

Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở đang quản lý 594 đối tượng (trong đó có 299 đối tượng tự nguyện, 269 đối tượng bắt buộc và 26 đối tượng không nơi lưu trú), xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tuy nhiên, họ có một điểm chung là bị ma túy làm "biến dạng tâm hồn" và "hủy hoại nhân cách" nghiêm trọng. Khi người nghiện ma túy lên cơn, họ không từ bất kỳ hành vi nào để được thỏa mãn cơn nghiện.

Để công tác cai nghiện đạt kết quả tốt, cơ sở đã chia các đối tượng thành các nhóm: Nhóm mới vào, nhóm ổn định, nhóm chuẩn bị rời cơ sở, nhằm tư vấn, giáo dục và chữa trị sao cho có hiệu quả nhất, trong đó tập trung ở nhóm mới vào. Khi đối tượng mới vào, cơ sở cho uống thuốc cắt cơn nghiện từ 3 đến 5 ngày. Sau đó chuyển sang giai đoạn phục hồi sức khỏe bằng cách cho học viên nghỉ ngơi, đọc sách báo, xem tivi. Khi đã ổn định về mặt tâm lý và sức khỏe, học viên được đưa đi lao động.

Điều đáng quý là cán bộ, nhân viên và học viên nơi đây đã cùng chung quan niệm: Người nghiện ma túy là người bệnh, cơ sở cai nghiện là nơi chữa bệnh, học viên đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly. Vì thế, mỗi cán bộ, nhân viên đều tận tụy với bệnh nhân, trách nhiệm trong công việc. Để tăng cường rèn luyện thể chất, tinh thần, giúp học viên nhanh hồi phục sức khỏe, cơ sở còn tổ chức cho học viên chơi thể thao, tổ chức các chương trình, sự kiện, giao lưu thi đấu thể thao, giúp học viên thêm tự tin hơn khi tái hòa nhập cộng đồng.

Nhờ đó, sau thời gian cắt cơn, hầu hết học viên đều lấy lại tinh thần, mang quyết tâm từ bỏ ma túy, rũ bỏ quá khứ lầm lỗi để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Học viên Trần Nguyên Văn (TP Hạ Long) cho biết: Do hoàn cảnh, sự đua đòi, thích khám phá sự mới mẻ mà tôi đã đi vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Khi vào cai nghiện tại cơ sở, sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của cán bộ đã giúp chúng tôi dần hoàn thiện bản thân.

Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang tổ chức cho học viên tham gia lao động trị liệu và học nghề đan lưới, đan chiếu, gia công vàng mã, tăng gia trồng rau… Hằng năm, cơ sở đã tổ chức các lớp nghề cho học viên, kết thúc khóa học, 100% học viên đều nắm chắc chuyên môn kỹ thuật và được thực hành làm ra sản phẩm bằng chính nghề được học; duy trì tăng gia đảm bảo cung cấp đủ rau xanh cho cán bộ, học viên. Nhiều học viên mong mỏi sẽ thành thạo một công việc trong thời gian cai nghiện để khi về với xã hội có việc làm ổn định, không tái nghiện. Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho 243 đối tượng, đạt 81% kế hoạch năm.

Với những nỗ lực của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh - nơi đang giúp những người lầm lỡ điều trị để đoạn tuyệt với ma túy, tích cực rèn luyện, học tập, lao động, tin rằng các học viên sẽ sớm trở về hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Top