Nơi chữa bệnh cho người “chán sống”

10/07/2012 07:00

Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai được mọi người biết đến là tuyến cuối trong công tác hồi sức cấp cứu và chống độc. Những thầy thuốc ở đây ngoài việc chữa bệnh cho những bệnh nhân cần sống họ còn cứu cả những người “chán sống”.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị ngộ độc từ tuyến dưới chuyển lên. Đa số các bênh nhân đến đây trong tình trạng bệnh “suy” nặng với nhiều chứng bệnh khác nhau, thuộc đủ lứa tuổi từ trẻ em đến người già, từ người bị cảm cúm, bị ngộ độc thực phẩm đến những bệnh nhân ung thư điều trị hóa chất bị ngộ độc… Vừa qua, Trung tâm cũng là  “điểm nóng” của giới truyền thông khi phát hiện, tiếp nhận và cứu chữa hàng trăm trẻ bị  “ngộ độc chì từ thuốc cam”.

Điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

Tại đây nhiều nhất vẫn là bệnh nhân ngộ độc rượu, ngộ độc do sử dụng ma túy quá liều, những bệnh nhân trong một phút “nông nổi” định kết thúc cuộc đời bằng một liều thuốc ngủ. Bi hài hơn, có bệnh nhân uống rượu say đã uống nhầm thuốc trừ sâu. Họ giống nhau ở một điểm: ít tiền mà nhiều oan trái, cơ cực.

Bệnh nhân N.H.T.N 27 tuổi đang nằm điều trị ở đây vì bị ngộ độc Amphetamine do dùng ma túy tổng hợp. Người nhà N ngày hai lần đưa thức ăn và vài thứ đồ dùng vào còn lại mọi việc “gửi gắm” bác sĩ và y tá. N tâm sự, em vẫn muốn cai nghiện, em ở đây đã được các bác sỹ, y tá động viên và chia sẻ, tận tình cứu chữa. Người như em tưởng rằng ai cũng xa lánh, thế mà em vẫn được bác sĩ quan tâm, giúp đỡ!”. 

Đưa em trai lên nằm điều trị tại Trung tâm tâm chống độc đã một tháng nay, với vẻ khắc khổ, lam lũ của người làm nông, anh N.V.M ở Cao Phòng - Hòa Bình chia sẻ: Em trai anh do uống rượu say, nhầm tưởng chai thuốc trừ sâu là nước nên đã uống vào, sau đó bị ngộ độc và được đưa lên đây cấp cứu. Em của anh nhập viện giữa lúc sự sống và cái chết nằm trong gang tấc. Anh nói “ chẳng có đồng nào để bồi dưỡng cho bác sĩ vì tiền cầm đi còn không đủ đóng viện phí, nhưng em của anh nằm đây cả tháng rồi, bác sĩ vẫn tận tình chạy chữa cho.”

Cứu  người là trên hết!

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Các bác sĩ làm việc ở đây gặp rất nhiều tình huống khó xử. Vì Trung tâm chống độc là nơi duy nhất chữa bệnh cho một số bệnh nhân đặc biệt, những người chán sống, những người mà theo gia đình họ nói là “ bỏ thì thương mà vương thì tội”. 

Đó là trường hợp bệnh nhân N.V.H ở Bắc Giang bị nghiện rượu nặng, ngộ độc, phải nằm viện một thời gian dài. Vợ bệnh nhân cứ nằng nặc đòi xin về. Bác sĩ  đã phải giải thích rằng bệnh nhân hoàn toàn có thể  bình phục, nhưng người nhà vẫn đòi về. Hỏi mãi chị vợ mới thú thật, bình thường mỗi ngày chị phải chịu từ hai đến ba trận đòn của chồng vì rượu, bây giờ chữa đến đây rồi, tiền cũng hết, xin chồng về có chết cũng đành chịu. Lúc đó, người thầy thuốc phải đấu tranh giữa hai con đường, nếu theo ý người nhà thì đồng nghĩa với sự vô cảm với nỗi đau người bênh. Nhưng nếu khuyên ở lại thì cũng làm cho người nhà khó xử, vì họ “đã  đến nước đường cùng” thì mới xin!

Tại Trung tâm Chống độc, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có  người thân chăm sóc, bệnh viện đã phải cử  người để chăm nom. “Bác sỹ phải làm đúng trách nhiệm lương tâm của một thầy thuốc; bệnh nhân có thể bị gia đình bỏ rơi, chứ các thầy thuốc ở đây không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân của mình”. TS Phạm Duệ nói.

Có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy hiểm nhưng lại không có tiền, bệnh viện vẫn tiến hành lọc máu bình thường. Bởi theo quy trình chuẩn, bệnh nhân được lọc máu trước 4 giờ thì tỷ lệ cứu sống bệnh nhân sẽ cao. Vì thế, nếu không có người nhà, các bác sĩ sẽ xin tiền từ “quỹ lọc máu cho bệnh nhân nghèo” của Bệnh viện (quỹ do chính các bác sĩ của Trung tâm vận động các nhà hảo tâm đóng góp với mục đích phục vụ bệnh nhân nghèo..). Mục tiêu cuối cùng là bệnh nhân được cấp cứu và điều trị kịp thời.

ThS. Nguyễn Trung Nguyên bác sĩ điều trị chia sẻ: “Có  những bệnh nhân nằm ở đây thời gian dài, chi phí đi lại ăn ở đã rất tốn kém, nhìn thấy họ tiêu những đồng tiền cuối cùng mình càng thấy thương, thu thêm đồng tiền của bệnh nhân, mình cũng không giàu mà lại đẩy họ đến bước khó khăn hơn”.

Thầy thuốc ở Khoa chống độc qua nhiều thế hệ đã hình thành một nhân cách nghề nghiệp, coi tính mạng của người bệnh cao hơn mọi cám dỗ thường nhật.

Top