Những người 'thầy' đặc biệt ở cơ sở cai nghiện

22/05/2020 14:49

Dù không hề dễ dàng, nhưng một số người đã nỗ lực thoát vòi bạch tuộc chết chóc của ma túy. Họ ở lại trung tâm cai nghiện để giúp đỡ người khác, bởi có đứt tay mới biết đau, có tận cùng khốn khổ mới thấu tác hại khủng khiếp của ma túy…

Một số CTV từ chối làm cán bộ để gần gũi giúp học viên cai nghiện - Ảnh: Tâm Lê

"Ma túy, có người cai được 20 năm vẫn tái nghiện. Chỉ cần chút vui buồn, không giữ mình lại sa tử thần đen. Nên tôi bảo anh em ráng tránh xa ma túy càng lâu càng tốt, để khi gặp nhau không còn nói nghiện ngập nữa mới sướng!" - tự bạch từ ruột gan của T.N.M., cộng tác viên Trung tâm cai nghiện ma túy Gia Minh (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Sẻ chia vượt qua "tử thần đen"

Hơn 700 học viên của trung tâm, chỉ chưa đến chục học viên được xét duyệt ở lại làm cộng tác viên với sự tự nguyện muốn từ bỏ con đường ma túy và giúp đỡ học viên khác cùng cai nghiện. Nếu phát triển tốt, họ có thể sẽ là nguồn "thầy" đặc biệt của trung tâm. "Bởi thấu hiểu người nghiện để giúp đỡ được, không ai giỏi hơn họ" - ông Nguyễn Hải Hưng, giám đốc Trung tâm Gia Minh, chia sẻ.

Buổi sáng ở tổ y tế, nơi cộng tác viên N.P.T. đang hướng dẫn tập luyện hồi phục sức khỏe cho một nhóm học viên cai nghiện. Còn cộng tác viên D. thì thu hoạch rau ngoài vườn cùng đội học viên khác. Họ cùng vui vẻ với nhau và các cộng tác viên được học viên đang cai nghiện coi như người anh, người "thầy" dìu dắt mình.

Cộng tác viên T.N.M. được xét duyệt lên cán bộ từ lâu, nhưng chọn ở lại vì "tính tôi còn nóng nảy nên tôi nghĩ chưa đủ tư cách để làm chức vụ gì". Người mới vào cai nghiện gặp khó khăn như nhớ nhà, nhớ công việc, nhớ những cuộc chơi. "Nhưng đã vào đây rồi thì phải kiên trì làm lại cuộc đời, đừng bỏ cuộc, hãy nghĩ vì con cái trước tiên…" - M. thuyết phục bạn mới cai nghiện đang gặp khó khăn bằng chính kinh nghiệm của mình.

"Công việc đặc biệt này giống như dạy một đứa trẻ trái tính trái nết, nhìn nó lớn lên, trưởng thành và thay đổi tốt đẹp theo mong muốn của mình thì cảm thấy rất vui. Hãy bắt đầu bằng giúp một người, sau đó giúp thêm vài người, vài người nữa…" - cộng tác viên T. chia sẻ. "Sắp tới T. sẽ được đưa lên làm cán bộ vì những nỗ lực của mình. Những việc giao cho T. làm, cậu ấy đều hoàn thành, thậm chí còn làm tốt hơn cả một số cán bộ ở đây" - ông Đinh Văn Tuân, tổ trưởng tổ y tế, khẳng định. Còn các học viên đang cai nghiện thì đã coi T. như "thầy" thân thương của mình.

Thực tế, các cộng tác viên ở đây còn hơn cả cầu nối giữa cán bộ và người đang cai nghiện. Thiếu những người anh, người "thầy" cũng từng một thời là "dân phê pha" này, các học viên sẽ rất khó vượt qua được sự khó khăn nặng nề ban đầu.

Người "thầy" trong cuộc

Khuôn viên rộng 70ha của trung tâm cai nghiện được phủ màu xanh cây lá, chủ yếu là cây thuốc nam. Nhưng trong cảnh yên bình này lại có rất nhiều số phận chẳng bình yên bởi ma túy.

Cộng tác viên T.N.M. năm nay tuổi 40, từng là "cậu ấm" trong gia đình quan chức ở Bắc Ninh. Và M. được gia đình khoác cho danh phận "đang tu nghiệp nước ngoài" để che đi nỗi đau buồn nghiện ngập. "Buồn nhất là tôi không thể nói sự thật với ông nội tuổi 92 bị huyết áp cao. Đôi lúc tôi cũng muốn về thăm nhà nhưng sợ nhìn thấy ánh mắt mẹ lo lắng hàng xóm trông thấy con mình. Vì thế tôi ở lại trung tâm để tốt cho mình và cho gia đình" - M. buồn rầu.

Từ khi vướng vào ma túy, cộng tác viên N.P.T. ở Hải Phòng đã bỏ bê gia đình. "Tôi đã để vợ một mình sinh con, rồi vợ tôi bị trầm cảm nặng sau sinh - T. kể mà đôi bàn tay xoắn siết lấy nhau - Đến khi con gái lớn lên mà mình không bên cạnh dạy dỗ được, nó lại nghiện giống những đứa con gái mà mình gặp ở phòng hút thì làm sao đây!".

Ở tổ 2, cộng tác viên N.M.C. trầm tư mỗi ngày. Đã ngoài tuổi 40, chưa vợ con, lại mang trong mình bệnh HIV, C. có nhiều điều để tiếc nuối. "Vì ma túy, tôi đã mất người con gái yêu thương nhất, giờ lại mang bệnh tình trong người. Mẹ năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi rồi mà chưa giúp được gì cho mẹ cả!" - C. thở dài.

Cả M. và C. đều sử dụng ma túy tới 20 năm. Trong lúc trò chuyện, C. thốt lên tiếc nuối: "Tôi gần như lúc nào cũng phê pha, có lúc nào tỉnh táo để suy nghĩ được việc gì đâu. Cứ lao vào nghiện ngập thì làm gì có niềm vui. Lúc vật vã lại xin tiền gia đình, xin không được thì đi trộm cắp rồi tù tội".

Cậu ấm M. khi biết mình cũng bị nhiễm HIV là lúc sắp sửa nhận bằng tốt nghiệp quản trị kinh doanh. M. chán nản, bỏ dở luận văn và càng chìm sâu vào hút xách. Tình trạng của M. chỉ bố mẹ, em trai biết. Còn họ hàng, xóm giềng chỉ tưởng M. đang đi du học nước ngoài và là niềm tự hào của gia đình. Sống trong tình cảnh tréo ngoe ấy, M. đau xót bởi có nhà mà không về được, ông nội gần đất xa trời nhưng không thể nói sự thật với ông.

Có tự tin sẽ có tự do

Lối vào trung tâm cai nghiện có biển đề dòng chữ "Chào mừng người bạn mới" giản dị và thân thương. Với tiêu chí xây dựng một không gian mở, không có tường bao quanh, học viên được rèn luyện sự tự tin để làm chủ mình. "Tôi thường bảo với học viên rằng các bạn có tự tin thì sẽ có tự do" - ông Hưng, vị giám đốc trẻ, nói đầy tâm huyết.

Các cộng tác viên ở lại trung tâm phần lớn vì chưa tự tin để bước ra xã hội, môi trường bên ngoài rất dễ kéo họ quay lại đường cũ, nhưng nhiều người cũng có tâm niệm ở lại để giúp đỡ các bạn mới vào.

Tuyệt vọng với căn bệnh thế kỷ, M. từng chống đối việc cai nghiện bằng cách gây hấn với các học viên khác. Khi giúp đỡ học viên mới, anh trải lòng: "Tôi vẫn nhớ một câu mà cô Tâm - phó giám đốc trung tâm - nói: Đến cục đất, ngọn cỏ còn có giá trị của nó, con người ai cũng có giá trị cả, có điều mình phải sống sao cho là người có giá trị". Anh khuyên các bạn đang cai nghiện ghi nhớ lời này để sửa mình.

Ban đầu, anh C. cũng chống đối và được phó giám đốc Băng Tâm - nhà tâm lý học - hỗ trợ, mang đến hi vọng. "Tôi bắt đầu tập ăn chay, ngồi thiền theo cách chữa bệnh bằng tâm năng. Cô Tâm hi vọng tôi sẽ là bệnh nhân đầu tiên của cô ấy theo cách chữa trị này" - C. cho hay. Giờ anh đã khỏe hơn, ăn chay trường, tính tình cũng không nóng nảy như trước để có thể giúp các bạn nghiện khác.

Trong số các cộng tác viên, N.P.T. tự tin hơn cả. "Hiện tại em không có đồng lương nào nhưng em quyết định ở lại, bởi nếu giờ ra ngoài mà mình không giữ được, lại bỏ chỗ sáng vào chỗ tối thì phí" - T. cười khoan khoái và cho biết mình còn mục đích lớn hơn: giúp đỡ các bạn nghiện vượt qua bóng tối. Hãy giúp một người, một người và một người nữa…

Tuy ở lại làm cộng tác viên trung tâm cai nghiện nhưng có thể chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong hành trình từ bỏ đường nghiện. Nếu quyết tâm, các cộng tác viên vẫn có thể ra ngoài xã hội làm lại cuộc đời và có nhiều cơ hội để có được cuộc sống tốt đẹp. “Quan trọng mình ngồi với bạn bè mà không sợ bị lôi kéo là thành công rồi” - cộng tác viên T.N.M. tâm sự.
Top