Những 'bông hồng thép' trên mặt trận chống tội phạm ma túy

16/10/2020 13:27

Họ phải gác lại tình riêng, vì nghĩa lớn, tạm xa những giây phút quây quần bên gia đình để bám tuyến, địa bàn, đối tượng phạm tội ma túy, đem lại bình yên cho cuộc sống.

Làm Cảnh sát chống tội phạm ma túy đã gian khổ, phụ nữ làm công việc này còn gian khổ gấp nhiều lần. Vậy nhưng vẫn có hàng trăm nữ chiến sỹ quyết tâm lựa chọn và gắn bó công việc nguy hiểm này. Bên cạnh đó còn rất nhiều phụ nữ thuộc lực lượng Cảnh sát biển, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, cán bộ Hội phụ nữ, thành viên các tổ chức xã hội… Họ là những bông hồng ‘thép’ góp phần không nhỏ làm nên những chiến công trên mặt trận cam go chống tội phạm ma túy.

Nỗi niềm trăn trở

17 năm trong ngành, Trung tá Nguyễn Thị Thanh Nhạn, điều tra viên của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt gặp và chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le của các đối tượng phạm tội về ma túy. Với lợi thế của điều tra viên nữ, ngoài áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chị dùng chính sự “mềm mại” của người phụ nữ, sự cảm thông, chia sẻ để giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm tội, đặc biệt đối tượng nữ.

 Trung tá Nguyễn Thị Thanh Nhạn là một trong 208 phụ nữ điển hình tiên tiến trong phòng, chống ma túy toàn quốc

Đến giờ chị vẫn nhớ một đối tượng nữ tên Dung - bị bắt trong một chuyên án mà chị và đồng đội triệt phá tụ điểm ma túy tại Hà Nội.

Lớn lên ở trại trẻ mồ côi, khát khao của Dung là có một mái ấm gia đình hạnh phúc, có bố mẹ và những người thân bên cạnh. 20 tuổi, Dung bước chân vào đời, không có nghề nghiệp ổn định, Dung gặp một người đàn ông ở Hà Nội.

Mặc dù biết người đàn ông này là “trùm” ma túy, nhưng Dung vẫn tự nguyện theo, dấn thân vào con đường phạm tội và sống với anh ta như vợ chồng. Bởi Dung nhận được sự quan tâm đặc biệt từ ông “trùm”, cảm nhận được hơi ấm gia đình.

Hình ảnh của Dung luôn ám ảnh Trung tá Nguyễn Thị Thanh Nhạn. Đằng sau những chuyên án, bên cạnh những chiến công, chị Nhạn luôn trăn trở, day dứt phải làm thế nào để không còn những người sa chân vào con đường ma túy, những con người vì ma túy đã làm mất đi tương lai tốt đẹp của mình, làm cho bao nhiêu gia đình tan nát…

Nữ trinh sát phải "nói dối” gia đình

Tại điểm nóng về ma túy là tỉnh Điện Biên, Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai, 6 năm làm cán bộ trinh sát của Đội Cảnh sát điều tra huyện Điện Biên. Từ năm 2011 đến nay, chị là điều tra viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên.

Chị Lai tâm sự, chị và đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ đeo bám, thâm nhập vào sào huyệt của các nghi phạm ở những khu vực đồi núi, đi lại rất khó khăn. Có những chuyên án chị và đồng đội phải di chuyển qua nhiều tuyến đường rừng, vách đá cheo leo, tà luy âm sâu, khi đến nơi cũng mất 1-2 ngày.

Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều dân tộc thiểu số, hiểu biết về mặt xã hội, pháp luật hạn chế, hoạt động buôn bán ma túy mang tính chất liều lĩnh, khép kín theo họ hàng, gia đình... dẫn đến việc trinh sát rất khó khăn.

Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai lấy lời khai đối tượng mua bán trái phép chất ma túy

Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai gặp rất nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Chị kể trong một lần bắt giữ đối tượng nữ phạm tội về ma túy, lại nhiễm HIV, ban chuyên án phân thành nhiều mũi.

Một tổ công tác gồm các chiến sỹ là nam giới đã phát hiện đối tượng nữ này đầu tiên và truy bắt. Khi bao vây dồn đối tượng này vào nhà của một người dân đi vắng thì đối tượng biết không còn đường lui nên đã cởi bỏ hết quần áo trên người và chửi bới, hô hoán người dân xung quanh. Lợi dụng mình đang mắc bệnh HIV đe dọa ngược lại tổ công tác đang làm nhiệm vụ.

“Ngay lúc đấy, tôi đang ở tổ công tác khác được điều tới để hỗ trợ, trước tình huống xảy ra đột xuất và mang tính cấp bách, anh em trong tổ công tác mặc thêm cho tôi rất nhiều quần áo để che kín người và đeo găng tay để tránh khi bị xô xát với đối tượng. Sau đấy, một mình tôi trực tiếp tiếp cận, khống chế được đối tượng. Với nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ Ban chuyên án đã phá án thành công, không ai bị thương tích”, Thiếu tá Trần Thị Hồng Lai chia sẻ.

Thiếu tá Lai cho biết, để trấn an tinh thần người thân và gia đình, chị thường phải nói dối họ, nói dối về cả những thương tích sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

“Có những người đồng chí, đồng đội của tôi bị phơi nhiễm HIV sau khi làm nhiệm vụ nhưng không dám tiết lộ với gia đình mà phải lặng lẽ chữa trị một mình. Nếu để gia đình biết, tôi nghĩ không một người chồng, bố mẹ, người thân nào đồng ý cho chúng tôi tham gia những nhiệm vụ mang tính chất nguy hiểm đến thế", Thiếu tá Lai nói.

Cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi

Bên cạnh lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy còn có những người phụ nữ bình dị, góp sức cho công tác phòng, chống ma túy. Đó là chị Lê Thị Ngà, Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố 6, phường Cầu Kho, Phó Chủ nhiệm CLB Kim Đồng, phường Cầu Kho, Quận 1, TPHCM.

Phường Cầu Kho là một trong những phường trọng điểm về ma túy, là phường nghèo của Quận 1. Đặc biệt, đa số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ bỏ nhau, đang thi hành án, mồ côi. Với địa bàn như vậy, trẻ em dễ bị dụ dỗ vào tệ nạn xã hội, mua bán ma túy.

 Chị Lê Thị Ngà

Chị Ngà cho hay, đây cũng là điều trăn trở của địa phương. Các trẻ em thiếu tình thương của cha, hơi ấm của mẹ, muốn khẳng định bản thân nên quậy phá đêm ngày để gây sự chú ý của người lớn khiến Công an khu vực rất vất vả.

“Chúng tôi họp xin phép cấp ủy khu phố và Công an lên kế hoạch giúp các em, như khi chúng tôi đi tuần tra thì đưa các em đi tuần tra chung và trong lúc đó tôi giáo huấn cho các em. Các em cũng thấy mình có phần sai và sửa chữa. Hay chúng tôi thành lập các mô hình cho các em đi rửa xe taxi, xếp báo, đi học nghề nấu ăn, dọn dẹp”, chị Lê Thị Ngà chia sẻ.

Ngoài ra, chị Ngà còn xung phong vào ban bảo vệ dân phố. “Tôi nghĩ chỉ là Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu phố thì tiếng nói chưa được mạnh bạo, khi mặc bộ đồ bảo vệ dân phố thì tôi có thể truy bắt tội phạm. Quan trọng nữa là vận động người dân cùng tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm, cả khu phố quan tâm và ký kết Nghị quyết liên tịch với Công an về quản lý trẻ em không phạm tội, chúng tôi đang cố gắng hết sức để khu phố bình yên”, chị Ngà nói.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, thì việc cảm hoá, giáo dục rất quan trọng, để những người nghiện ma tuý từ bỏ tệ nạn, hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

Chị Nhạn, chị Lai hay chị Ngà chỉ là 3 trong số 208 phụ nữ tiêu biểu - những bông hoa đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho sự hy sinh thầm lặng để bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Các chị đều mong rằng trong xã hội không có đối tượng phạm tội về ma túy, gieo rắc cái “chết trắng” và không bao giờ phải nhìn thấy những giọt nước mắt ân hận, những lời sám hối muộn màng. Nhưng có lẽ cuộc chiến này chưa bao giờ hết khốc liệt và sẽ vẫn còn dai dẳng. Cuộc chiến chống ma túy chỉ có thể dành thắng lợi khi toàn thể nhân dân sát cánh cùng lực lượng chức năng.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Vượt qua gian khổ, khắc nghiệt, các nữ chiến sỹ, cùng nhiều chị em khác ngoài lực lượng càng khẳng định bản lĩnh, nghị lực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Các chị đã và đang tiếp tục tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đó là truyền thống nối dài từ thời bà Trưng, bà Triệu, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và hôm nay, trên mặt trận thời bình.

Top