Người bán dâm hoàn lương cần dũng cảm đứng lên vay vốn

04/03/2020 13:00

Qua kết quả khảo sát thì nhu cầu vay vốn của người bán dâm tương đối cao, tuy nhiên trong hơn 500 cá nhân, hộ gia đình được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg từ năm 2016-2017 thì cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).

Một nhóm tự lực của phụ nữ mại dâm. Ảnh Nhật Thy

Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương là một cú huých để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ, giảm kỳ thị với nhóm người này.

Từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, thành phố đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số vốn là 12,883 tỷ đồng.

Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%), tiếp đến là cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%). Cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg về việc kéo dài thí điểm hỗ trợ vay vốn tín dụng đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Theo đó, việc hỗ trợ tín dụng cho nhóm người này sẽ tiếp tục thực hiện tại 15 tỉnh thành đến hết 31/12/2020.

Đối với người bán dâm hoàn lương, việc hỗ trợ vay vốn tín dụng có ý nghĩa thiết thực. Đây là những nhóm người gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập cộng đồng. Nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu. Được vay vốn sản xuất, họ đỡ mặc cảm, dễ dàng hơn để hoà nhập. Nếu không có công ăn việc làm ổn định, họ không có chi phí để nâng cao sức khoẻ, ổn định cuộc sống dễ dẫn đến tái phạm.

Việc hỗ trợ vốn hiệu quả cũng sẽ giảm được một phần chi phí y tế của Nhà nước nếu sức khoẻ của họ yếu đi. Về mặt xã hội, nếu những nhóm người này có công ăn việc làm ổn định, không tái phạm thì an ninh trật tự được ổn định, nhà nước có thể “rảnh tay” để phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và nâng cao cuộc sống người dân. Bên cạnh đó, quyết định cũng giúp xã hội giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và gần gũi với nhóm người này hơn để tạo điều kiện, giúp đỡ họ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, quy định phải chứng minh hoàn lương mới được vay vốn đã gây khó khăn trong việc tiếp cận của các chị em.

Căn cứ vào các quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ và ý nghĩa của chương trình phòng chống mại dâm thì người bán dâm hoàn lương được vay vốn là: Người đã từ bỏ hành vi bán dâm hoặc người thực sự mong muốn từ bỏ hoạt động mại dâm (thực tế đã cơ bản không còn bán dâm) có nguyện vọng vay vốn làm ăn để thay đổi hành vi, ổn định cuộc sống.

Việc xác nhận một người không còn bán dâm gây khó khăn, trong khi người vay không có một giấy tờ gì có thể chứng minh, mà chỉ có người bán dâm tự nhận rằng mình không còn bán dâm nữa. Do đó nếu không thật sự quan tâm, gần gũi sẽ rất ít người đứng ra xác nhận cho, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã.

Để tạo điều kiện cho người bán dâm có thể tiếp cận nguồn vốn, cần xem xét lại các điều kiện cho vay vốn; các thủ tục cần thông thoáng để người bán dâm không “ngại” đi vay.

Cần tuyên truyền phổ biến cho chính bản thân chị em, những người hành nghề mại dâm biết đến chính sách, cách tiếp cận chính sách như nào.  Chính sách đã “mở”,  nhưng nếu người bán dâm không dám đứng lên vay vốn thì quyết định cũng sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực.

Chính vì vậy, những nhóm đối tượng này cần phải “dũng cảm” đứng lên vay vốn. Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm tại UBND cấp xã và Ngân hàng chính sách xã hội phải có thái độ, ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ đỡ mặc cảm. Quan trọng hơn cả là tuyên truyền để giảm kỳ thị trong xã hội.

Để giảm rủi ro khi cho vay vốn, cần xem xét kỹ những người có nhu cầu, phương thức sản xuất thực sự. Đồng thời, kết nối với các tổ chức xã hôi, các nhóm đồng đẳng, tự lực, câu lạc bộ địa phương... quan tâm, giúp đỡ kịp thời để họ sản xuất, kinh doanh, buôn bán có hiệu quả, giảm rủi ro.

Một địa phương có nhiều người bán dâm hoàn lương vay vốn phải kể đến tỉnh Bạc Liêu. Tính đến năm 2018, số người được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh là 45 trường hợp với tổng số tiền 872 triệu đồng. Trong đó, có 21 cá nhân (6 người nhiễm HIV, 11 người đang điều trị nghiện các chất dạng thuộc phiện bằng thuốc thay thế và 4 người bán dâm hoàn lương) và 25 hộ gia đình (12 hộ gia đình người nhiễm HIV; 3 hộ gia đình người bán dâm hoàn lương và 9 hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy). Như vậy tại Bạc Liêu, đã có 7 cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương được vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg.

Đa phần chất lượng cuộc sống của những người được vay vốn nâng lên đáng kể và tác động lan tỏa đến cả gia đình-người thân của họ. Sức khỏe, tinh thần được cải thiện; việc làm, thu nhập dần ổn định và nâng lên; có động lực, niềm tin hơn để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều người được vay vốn vươn lên trong cuộc sống, trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội ở xã, phường, thị trấn (tuyên truyền, vận động về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS…).

Theo Sở LĐTB&XH Bạc Liêu, có được những kết quả bước đầu kể trên là do được sự đồng tình, ủng hộ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến quần chúng nhân dân, nhất là đối tượng thụ hưởng và gia đình của họ.

Đối tượng, quy trình, thủ tục vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg cơ bản đã được cơ quan Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể và có sự giám sát từ cộng đồng thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Các cơ quan các cấp có liên quan đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg; thể hiện tính cộng đồng trách nhiệm, tạo các điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận với nguồn vốn vay.

Top