Người Mảng ở Lai Châu nghèo khổ vì đeo đẳng nhiều hủ tục

25/09/2019 11:00

Phong tục tập quán lạc hậu, cộng với rượu và thuốc phiện, nhiều năm trôi qua, người Mảng vẫn loay hoay, bế tắc tìm lối thoát nghèo.

Người Mảng ở Lai Châu hiện sinh sống chủ yếu ở hai huyện biên giới Mường Tè và Nậm Nhùn, với dân số gần 5.700 người. Là một trong 4 dân tộc đặc biệt khó khăn của cả nước chỉ có ở Lai Châu. Nhiều năm qua đồng bào dân tộc Mảng được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu tiên, đặc biệt của Đảng và Nhà nước, thế nhưng phong tục tập quán lạc hậu, cộng với rượu và thuốc phiện, sinh sống vẫn trông chờ vào hái lượm, vì thế nhiều năm trôi qua vẫn bế tắc tìm lối thoát nghèo.

Tuổi thọ trung bình thấp, sự hiểu biết và sức khỏe không cao  đặt ra câu hỏi tộc người Mảng sẽ như thế nào trong khi vốn dĩ dân tộc này đã được xếp vào dân tộc thiểu số ít người đang được bảo tồn cấp Nhà nước.

 Các gia đình người Mảng được Nhà nước hỗ trợ 15 triệu để xây nhà

Bản Bum Nưa, xã Nậm Củm cách trung tâm huyện Mường Tè chưa đầy 10 km, đường đã được trải nhựa, điện đã về từng nhà. Có đường, có điện là sự đầu tư lớn của Nhà nước, góp phần làm thay đổi lớn nhất diện mạo nơi đây. Được đầu tư là vậy, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng người Mảng từ xa xưa đến nay.

Cả bản Nậm Củm với 36 hộ, nhưng chưa nhà nào thoát nghèo. Thứ sẵn có nhất trong mỗi nhà là rượu, ngoài vườn thì đất bỏ không, vậy mà chả nhà ai trồng cây ăn quả hay rau xanh phục vụ cuộc sống thường ngày. Hơn 2,1 héc ta lúa nước 1 vụ được trồng cấy chủ yếu nhờ sự giúp sức từ cán bộ tăng cường và giáo viên cắm bản. Từ đời này qua đời khác người Mảng vẫn duy trì mưu sinh qua ngày từ việc hái lượm măng, bông chít, củ riềng...trên rừng.

Ông Lò Văn Chung, Phó bản Nậm Củm, người có thâm niên uống rượu 20 năm nay cho biết: "Chúng tôi ở đây hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ kiếm măng ăn hàng ngày thôi hoặc làm thuê làm mướn để nuôi con cái. Bản thân tôi có uống rượu nhiều, nhưng không bỏ được rượu đâu mà chỉ hạn chế thôi. Cả bản tôi, hầu như ai cũng uống rượu".

Ngôi nhà sàn lợp tôn của gia đình chị Lò Thị Nhung nằm ngay đầu bản được làm cách đây vài năm nhờ số tiền 15 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước và công lao động của người dân các bản lân cận. 41 tuổi và có 4 đứa con, trông chị Nhung như bà lão 60 tuổi. Khuôn mặt ngây ngây, vàng bủng nhợt nhạt - hậu quả của uống rượu triền miên. Hàng ngày cả hai vợ chồng đều uống rượu thay nước và cơm, họa hoằn lắm bếp mới đỏ lửa luộc cái măng chấm muối. Vừa nghiện thuốc phiện vừa nghiện rượu nên chả làm được việc gì.

 Chị Lò Thị Nhung vừa nghiện rượu vừa nghiện thuốc phiện

Sáng sáng, sau khi ra Nhà văn hóa trung tâm uống thuốc Mathedone, sau đó tu cả chai rượu nửa lít, trong tâm trạng say ngất ngưởng, chị Nhung lại lên rừng hái lượm, còn chồng nằm vật ra ngủ hoặc lại uống rượu tiếp với cánh đàn ông trong bản. Mùa nào thức nấy, khi thì lấy bông chít, mùa thì lấy măng, củ riềng. Những thứ hái được đều được gia đình chị quy ra thành rượu.

Nhà trưởng bản Y Van được làm bằng gỗ, lợp mái tôn, lát gạch đá hoa, trong nhà có cái ti vi đời cổ và chiếc xe máy đã cũ. Sắp tới, nhà Y Van được cho ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ngoài tự khai hoang thêm ruộng nước, nhà còn bán hàng tạp hóa, trong đó rượu là mặt hàng chính và bán chạy nhất. Vợ Y Van cho biết: "Đứa trẻ người Mảng nào từ lúc nằm trong bụng mẹ cũng được uống rượu và hút thuốc từ cơ thể mẹ truyền cho".

Ông Vàng Văn Trung, Trưởng Công an xã Nậm Củm, người được phân công phụ trách bản Bum Nưa, kiêm Bí thư chi bộ bản bộc bạch: Từ đầu năm đến nay, ở bản này có 4 người chết ở độ tuổi dưới 40. Cái chết đến với họ đều na ná giống nhau là sau khi uống rượu bí tỉ, đi rừng hái lượm và bị cảm chết.

Ở bản này từ trước đến nay, người thọ nhất cũng chỉ ở ngưỡng dưới 60 tuổi. Ngoài rượu, thuốc phiện, thì kết hôn cận huyết và chất lượng cuộc sống cũng khiến suy giảm chất lượng giống nòi. Từ xa xưa, người Mảng quan niệm rằng: Khi con gái đi lấy chồng sinh con, những đứa con ấy mang họ khác thì không còn là con ma của nhà mình, nên con của anh em trai và con của chị em gái, con chị gái lấy con em gái và ngược lại là chuyện bình thường.

"Người dân ở đây quá nghèo, quá khổ, đời sống sinh hoạt có lúc thì ăn củ sắn củ mài. Có người thì nghiện hút, có người thì nghiện rượu nên tuổi thọ chỉ tầm 50-55 là chết", ông Trung cho hay.

Tình trạng suy thoái giống nòi, nghèo đói, kém phát triển của người Mảng ở Lai Châu đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp chính quyền cần có giải pháp nhanh, đồng bộ nhằm vực dậy một tộc vốn dĩ ít người.

Top