“Ngôi nhà bình yên” cho những mảnh đời sóng gió

25/03/2014 15:36

Rất nhiều chị em phụ nữ, trẻ vị thành niên bị lừa bán sang bên kia biên giới khi may mắn trốn chạy về Việt Nam đã được bao bọc, yêu thương, chở che, giúp đỡ tại “Ngôi nhà bình yên” thuộc Trung tâm phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đây được coi là chốn đi về của những mảnh đời đầy sóng gió.

Khơi dậy ước mơ làm lại cuộc đời

“Bố mẹ tôi ly hôn, mẹ lấy chồng khác. Bố dượng luôn đánh chửi, tôi chán nản bỏ nhà đi chơi 'net'. Một lần không có tiền trả, một chị quen trên mạng trả tiền, đưa tôi về nhà cho ăn cơm, rủ lên Lào Cai bán hàng, rồi bán tôi sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Ròng rã 3 tháng trời, ngày nào cũng như ngày nào, tôi phải làm nô lệ tình dục cho 10-15 người. Công an Việt Nam đã giải thoát tôi khỏi thế giới ngục tù". Bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những ký ức kinh hoàng của tháng ngày đen tối bị bán làm nô lệ tình dục, N - một nạn nhân bị buôn bán quê Tuyên Quang vẫn không khỏi đau đớn, xót xa.

May mắn, sau khi được giải thoát, trở về địa phương, Ngôi nhà bình yên (NNBY) hỗ trợ máy khâu, bàn là, giúp N có phương tiện để kiếm sống. N còn nhận được hai triệu đồng tiền hỗ trợ từ dự án để nuôi bò; trồng thêm lúa, rau, cây ăn quả.

Còn đối với H (Lào Cai), hành trình đầy tủi nhục ở xứ người bắt đầu từ một ngày tháng 5/2007 khi một người bạn rủ H đi mua máy sấy vải. Cuộc hành trình trải qua nhiều chặng, khi dừng chân tại nhà nghỉ bên Trung Quốc, H mới biết bị bạn lừa. Bà chủ chứa nói H phải tiếp khách trả hết nợ mới cho về. Một năm trời H bị đánh đập, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Quá sợ hãi nhiều lần H tìm tới cái chết. May thay, H được Công an tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc) giải cứu cùng 11 cô gái may mắn khác được đưa về cửa khẩu, H không biết nên cười hay khóc, bởi chẳng biết đi đâu, về đâu?

H được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, công an và các ban, ngành ở địa phương giúp đưa về NNBY. Ở đây, H được hỗ trợ ăn, ở, tư vấn tâm lý, khám, chữa bệnh miễn phí... Sau hai tháng, H được đi học nghề và được NNBY hỗ trợ một máy vi tính. Trở về nhà, H mang máy tới tận nhà học sinh để dạy vi tính. Bây giờ, H có thể tự mở lớp tại nhà.

Các học viên tham gia lớp học kỹ năng sống tại ngôi nhà bình yên.

Ngoài N, và H, còn rất nhiều chị em phụ nữ bị lừa bán sang bên kia biên giới khi may mắn trốn chạy về Việt Nam được NNBY chở che, giúp đỡ. NNBY đã khơi dậy khát vọng sống, ước mơ làm lại cuộc đời và sớm tái hòa nhập cộng đồng của những phụ nữ thiếu may mắn.

Nạn nhân bị mua bán đang "trẻ hóa"

NNBY được thành lập từ tháng 3/2007, dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID). Sau 7 năm hoạt động, NNBY đã hỗ trợ được 273 là nạn nhân bị buôn bán (ở NNBY họ được gọi là người tạm trú), gần 40% trong số đó là người dân tộc thiểu số.

Họ hầu hết là những phụ nữ ít học (60% là trình độ văn hoá cấp tiểu học), bị lừa từ nông thôn ra thành thị, qua biên giới và rơi vào tình cảnh bị bóc lột về tình dục, sức lao động, cưỡng ép kết hôn hoặc đưa vào các nhóm tội phạm. Do vậy, khi được giải cứu, họ đều có những nỗi đau riêng như nhân phẩm bị chà đạp, tâm lý, sức khỏe bị tổn thương, sợ bị kỳ thị.

Đến với NNBY, người tạm trú được cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ miễn phí, toàn diện trong vòng 18 tháng bao gồm: nơi ăn ở an toàn, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ tâm lý, pháp lý, giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí, đào tạo kỹ năng sống, dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng.

Theo bà Cao Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Dự án NNBY hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về, mô hình NNBY được vận hành dựa trên cách tiếp cận sao cho gói hỗ trợ được cung cấp phù hợp theo nhu cầu và ngăn chặn nguy cơ bị tái mua bán của nạn nhân thông qua việc nâng cao năng lực để nạn nhân chủ động tạo ra sự thay đổi.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân bị mua bán trở về, dự án còn phối hợp với các tổ chức, cơ quan có liên quan tiến hành một loạt hoạt động nâng cao nhận thức và phòng, chống mua bán người, cũng như tăng cường mạng lưới chuyển giao để nâng cao dịch vụ hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo bà Vân, các nạn nhân bị mua bán hiện nay đang “trẻ hoá”. 40% người tạm trú được NNBY giúp đỡ là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Những năm gần đây, có nhiều trường hợp là trẻ 13-14 tuổi. Điều này là một trong những khó khăn mà NNBY gặp phải. Trẻ vị thành niên bị mua bán thường là những em sinh ra trong hoàn cảnh gia đình phức tạp, bị bạo lực gia đình, bố mẹ không quan tâm…

Địa chỉ tin cậy cho nạn nhân bị mua bán

Chị Đoàn Bình Minh, quản lý NNBY cho hay, hiện tại NNBY đang có 19 chị em đang tạm trú. Những chị em khi được giới thiệu đến NNBY không phải ai cũng cởi mở mà nhiều người còn tỏ ra bất hợp tác, mệt mỏi, chán chường. Bên cạnh đó, về tâm lý đa số nạn nhân đều có biểu hiện phức tạp, thất thường, trầm cảm, mất tự tin, cảm thấy bị cô độc, dễ nổi nóng, coi thường giá trị của bản thân và có cái nhìn bi quan về tương lai. Bởi vậy theo chị Minh, nếu không có cái “tâm” thì sẽ rất khó để làm việc ở NNBY.

Chị Minh kể, nhiều lần, dù đang là nửa đêm nhưng chị và các nhân viên xã hội đã không quản ngại đến NNBY để an ủi, động viên các em đang có bất ổn về tâm lý.

Với tình yêu thương, thông cảm thực sự với mỗi cuộc đời, mỗi số phận, những nhân viên của “Ngôi nhà bình yên” luôn cố gắng tạo điều kiện để mỗi nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tìm lại sự cân bằng, tự tin vào bản thân và cuộc sống. Nhờ vậy, họ dần tìm được sự thân thiện, cởi mở và hòa nhập với các thành viên khác, có những định hướng về công việc trong tương lai.

Quản lý NNBY chia sẻ, mỗi em ở đây là một số phận, một câu chuyện dài và buồn. “Chúng tôi không nhìn vào thái độ mà nhìn vào câu chuyện đằng sau các em để cùng cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ”, chị Minh nói.

 

Top