Nạn 'bố già' ma túy và khủng bố hoành hành ở Jamaica

13/09/2020 09:36

Những tưởng “bố già” khét tiếng nhất Jamaica là Christopher Dudus Coke, bị bắt vào năm 2010 thì quốc gia vùng biển Caribe này sẽ được yên bình. Nhưng mọi chuyện lại xảy ra trái ngược khi các cuộc chiến đẫm máu liên tục diễn ra để giành quyền kiểm soát đế chế tội phạm lớn nhất châu Mỹ.

Cảnh sát trấn áp một băng nhóm tội phạm tại Jamaica

“Bố già” sa lưới

Trong suốt 2 thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cái tên Christopher “Dudus” Coke hay còn được biết đến cái tên “ông vua vùng Kingston”, là lãnh đạo của băng đảng ma túy khét tiếng Shower Posse với “hắc danh” đe dọa khắp châu Mỹ. Là người lập nên đế chế hùng mạnh về buôn bán ma túy, vũ khí và giết người, Christopher biến Jamaica thành “điểm nóng” khi các lãnh đạo quốc gia luôn phải ban bố tình trạng khẩn cấp bởi những vụ bạo động, thanh trừng băng nhóm.Thậm chí, người dân còn đặt tên cho các vụ bạo động mà Christopher tiến hành là “cuộc đảo chính bất thành”.

Sinh ra và lớn lên tại thủ đô Kingston, Jamaica, Christopher “Dudus” Coke là con trai út của Lester Lloyd Coke, ông trùm của băng đảng Shower Posse vào những năm 1980.Sau khi Lester đột ngột qua đời vào năm 1992, Christopher Coke, lúc đó 21 tuổi, lên thay thế cha và tiếp tục lãnh đạo băng đảng.

Trong thời gian nắm quyền, Christopher thu về được khối lợi nhuận khổng lồ. Hắn điều hành đường dây buôn bán ma túy từ Jamaica đến các thành phố lớn ở Mỹ và mua vũ khí ở chợ đen để xuất khẩu ngược về quê hương.Bên cạnh đó, Christopher “Dudus” Coke còn bị cáo buộc sát hại hơn 70 người vô tội. Để che giấu tội ác gây ra với người dân Jamaica, Christopher tham gia vào cộng đồng Tivoli Gardens nhằm giúp đỡ cải thiện đời sống của trẻ em và nhiều gia đình khó khăn.

Tháng 5/2010, vụ bắt giữ Christopher “Dudus” Coke làm náo loạn cả thủ đô Kingston, đồng thời gây ra các vụ bạo động đẫm máu giữa bè phái của ông trùm ma túy và cảnh sát.Theo tài liệu của cảnh sát Jamaica, ít nhất 76 người thiệt mạng và 500 người bị bắt giam trong vụ xung đột từ ngày 25-28/5/2010.Trước các cuộc nổ súng và đốt cháy trong thành phố nhằm ngăn cản dẫn độ ông trùm về Mỹ, Chính phủ Jamaica đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Kingston và một số khu vực lân cận.

Nhiều trường học, cơ sở kinh doanh và khách sạn được yêu cầu đóng cửa để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch. Chính phủ Mỹ cũng kêu gọi công dân nước mình nên hạn chế di chuyển tới Jamaica.Ngày 22/6, Christopher bị cảnh sát bắt giữ tại trạm kiểm soát an ninh nằm ở ngoại ô Jamaica, chấm dứt chuỗi ngày thống trị của “bố già”.

Cuộc chiến của những ông trùm

Đã 10 năm sau vụ bắt giữ trùm ma túy nguy hiểm nhất hành tinh Christopher, Jamaica cũng chưa có lấy một ngày yên bình. “Hàng ngày trên các con đường gần căn cứ địa phía Tây Kingston của ông trùm Christopher, lính tuần tra thường xuyên di chuyển để đảm bảo an ninh được thắt chặt”, CNN dẫn lời truyền thông địa phương miêu tả tình hình Jamaica.

Cuộc tranh giành quyền lực diễn ra ở nhiều băng nhóm tội phạm và liên tục hình thành mới. Theo nhà chức trách Jamaica, chỉ tính riêng ở Kingston đã có đến 36 băng nhóm. Những băng lớn nhất trong số đó là Shower Posse, Vineyard, Mona... Các nhóm thường được đặt tên theo khu vực mà chúng nắm giữ.

Để kiểm soát bớt tình trạng bạo lực, đội cảnh sát ưu tú Jamaica được trang bị súng ngắn và súng trường cao cấp, thường tuần tra các điểm nóng về tội phạm và một số khu vực bị nhiều băng đảng kiểm soát. Cảnh sát cho biết bạo lực ở Jamaica đang vượt ngoài tầm kiểm soát, các cuộc đọ súng nhằm giành giật địa bàn của một số băng đảng mới nổi diễn ra liên tục khiến số người chết và bị thương cứ thế tăng lên không ngừng.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Jamaica, chỉ tính trong 5 tháng đầu của năm 2017 đã có khoảng 650 người bị giết - trung bình có 4 người bị giết trong một ngày tại đất nước có dân số chỉ khoảng 3 triệu người. Số nạn nhân lớn hơn 19% so với thời kỳ này trong năm 2016, khi đó mức độ các vụ giết người là 50 người trong số 100 nghìn cư dân. Để so sánh, chỉ số này tại Mỹ khoảng 10 người, ở Canada là 1,6 người.Theo nhận định của người đứng đầu ngành cảnh sát Jamaica, có đến 70 % số tội phạm tương tự là do bàn tay của các băng nhóm.

“Ông trùm này chết lại có hàng chục ông trùm khác trỗi dậy. Chúng thâu tóm hầu hết các hoạt động cả hợp pháp và bất hợp pháp trong sự bất lực của chính quyền thậm chí can thiệp vào cả chính trị. Cuộc chiến của các ông trùm mới là thứ đáng chú ý nhất ở đây”- một chuyên gia về tội phạm Jamaica nói.

Top