Mặt trái của ngành công nghiệp mang thai hộ ở Mexico

20/11/2015 15:06

Mexico đã trở thành điểm nóng quốc tế của ngành công nghiệp mang thai hộ. Rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh, đồng tính đổ xô về Mexico để tìm người đẻ thuê. Vì tiền, không ít phụ nữ đã chấp nhận mang thai hộ bất chấp rủi ro có thể gặp phải.

Không biết người hiến tinh trùng nhiễm HIV

Trong chương trình "Unreport World" của kênh Channel 4 phát sóng thứ 6 tuần trước đã tiết lộ rằng, ngành công nghiệp mang thai hộ ở Mexico đang bộc lộ nhiều mặt trái và các cơ quan chức năng cần có những quy định để quản lý chặt chẽ hơn. Kiki King, phóng viên của chương trình đã gặp gỡ, phỏng vấn nhiều phụ nữ tình nguyện mang thai hộ và thấy rằng, phần lớn họ chấp nhận đẻ thuê vì tiền. Một số phụ nữ chia sẻ, nếu việc mang thai thất bại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, thể chất và cuộc sống sau này của họ.

Luật pháp Mexico quy định, bà mẹ mang thai hộ không được thanh toán tiền mặt trực tiếp, nhưng bằng nhiều cách "lách luật" khác nhau, người phụ nữ vẫn có thể "bỏ túi" khoảng 10.000 USD. Chính khoản lợi nhuận này là "mồi câu" lôi kéo phụ nữ Mexico chấp nhận mang thai hộ.

Vì cần tiền, nhiều phụ nữ Mexico đã tìm đến ngành công nghiệp mang thai hộ, bất chấp những rủi ro

Alejandra Mendiola, một người mẹ độc thân nuôi bốn người con trai ở bang Aguascalientes, Mexico nói rằng, cô đồng ý mang thai hộ cho một người đàn ông độc thân ở Mỹ vì cần tiền để hỗ trợ gia đình. Alejandra Mendiola đã đăng ký với công ty chuyên cung cấp dịch vụ mang thai hộ của Mỹ có tên là Surrogacy Beyond Borders.

Alejandra Mendiola cho biết, cô không được cung cấp thông tin đầy đủ về người đàn ông mình sẽ mang thai hộ trước khi phôi thai được thụ tinh cấy vào tử cung của cô. "Cha đứa trẻ - người cung cấp tinh trùng bị nhiễm HIV mà tôi không biết. Tôi mới phát hiện ra điều này ba tuần trước. Bây giờ tôi đang trong giai đoạn thai kỳ tháng thứ sáu. Khi phát hiện ra sự thật động trời này, tôi cảm thấy rất tức giận và sợ hãi. Tôi nghĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nhiễm HIV? Tại sao họ không cho tôi biết? Tôi không biết bất cứ điều gì khi ký hợp đồng mang thai hộ", Alejandra Mendiola bức xúc nói.

Khi phóng viên của kênh Channel 4 liên lạc với Lily Frost, người đứng đầu Công ty Surrogacy Beyond Borders có trụ sở tại California thì nhận được câu trả lời rằng, công ty đã thông báo về tình trạng của người đàn ông cho Alejandra thông qua tin nhắn WhatsApp. Alejandra cho biết, khi nhận được phản hồi của cô, đại diện Công ty Surrogacy Beyond Borders nói rằng, tinh trùng đã được "làm sạch HIV" và nguy cơ lây truyền là bằng "không". Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trong trường hợp này, không thể loại trừ khả năng lây nhiễm HIV100%.

Người mang thai hộ bị bỏ đói

Một người phụ nữ khác không hài lòng với dịch vụ đẻ mướn của Surrogacy Beyond Borders là Diana Gisel Islas ở Tabasco, Mexico. Diana Gisel Islas cho biết, cô không nhận được đầy đủ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ sáu.

"Một ngày, họ dừng gửi tiền thực phẩm cho tôi. Ngay cả ngày hôm qua, tôi đã hết sạch thực phẩm. Tôi đã nói chuyện trực tiếp với cặp vợ chồng là cha mẹ đứa trẻ trong bụng tôi rằng, tôi đang đói", Diana nói.

Đại diện Công ty Surrogacy Beyond Borders nói với phóng viên kênh Channel 4 rằng, họ không có ý định cắt giảm chi phí thực phẩm của người mang thai hộ. Surrogacy Beyond Borders thừa nhận, Diana đã có khiếu nại về thực phẩm và cho biết đã có điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, Michelle Velarde, người từng là điều phối viên của Surrogacy Beyond Borders tại Mexico cho biết, tình trạng thiếu thực phẩm cung cấp cho những bà mẹ mang thai hộ diễn ra thường xuyên và Diana không phải trường hợp duy nhất.

Carlos Rosillo, người điều hành một công ty đẻ thuê có tiếng ở Mexico cho biết, để tránh những phiền phức trong quá trình mang thai hộ, điều khoản quy định trong hợp đồng là vấn đề cực kỳ quan trọng. "Tôi thường cùng cha mẹ đứa trẻ đi đăng ký khai sinh sau khi họ nhận con từ người mang thai hộ. Mọi thứ cần được đảm bảo hợp pháp và chính xác", ông Carlos Rosillo nói. Ông Carlos Rosillo cho biết thêm, công ty ông luôn bận rộn vì trong năm nay, nhu cầu đẻ thuê ở Mexico đã tăng gấp 5 lần.

Lý giải về sự bùng nổ của ngành công nghiệp mang thai hộ, ông Carlos Rosillo cho biết, ở Mexico, phụ nữ mang thai hộ không được nhận tiền trực tiếp từ khách hàng mà thông qua một quỹ từ thiện. Bên cạnh đó, giá mang thai hộ ở Mexico thường là 33.000USD, rẻ bằng ½ so với ở Mỹ. Tuy nhiên, mang thai hộ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý. "Vào năm 2014, Bệnh viện Planet, một công ty cung cấp dịch vụ đẻ thuê của Mỹ hoạt động tại Mexico đột ngột đóng cửa với tuyên bố mất một khoản tiền lớn và bị FBI điều tra. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến những cặp vợ chồng và phụ nữ chấp nhận mang thai hộ", ông Carlos Rosillo nói.

Top