Mái nhà chung của những người lầm lỡ

05/08/2019 17:20

Có những người đến đây chỉ một thời gian ngắn rồi đi, nhưng cũng có những người đã nhiều lần “vào ra” nơi đây. Song điểm chung ở họ là nuôi dưỡng những ước mơ thầm lặng, sớm trở về với gia đình và có cơ hội làm lại cuộc đời.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá, các học viên được điều trị, học nghề và tham gia lao động qua từng giai đoạn khác nhau. Trước khi bước sang giai đoạn cuối: phòng chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, hầu hết, các học viên đều tỏ ra rất lạc quan về chặng đường tiếp theo của cuộc đời mình. Tuy nhiên, chính họ biết rõ con số cai nghiện thành công, bền vững, làm lại cuộc đời khi trở về với cộng đồng hiện chưa phải là nhiều. 

Từ năm 2014 đến nay, Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 Thanh Hoá tại thôn Kim Sơn, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống đã thực hiện việc tiếp nhận, điều trị, cai nghiện cho gần 1.500 lượt học viên và giải quyết hoà nhập cộng đồng cho hơn 1.700 lượt học viên (cả bắt buộc và tự nguyện). Kinh nghiệm hoạt động tại đây cho thấy, có thể thành công khi kết hợp tốt việc cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng.

Học viên Nguyễn Mạnh L. quê ở Nông Cống cho biết: “Sau 6 tháng cai nghiện tại cơ sở, sức khỏe, tinh thần của tôi tốt hơn nhiều so với ngày mới vào. Ở đây, được cán bộ cơ sở quan tâm, hỏi han, động viên chia sẻ, không chỉ giúp tôi nhận ra những việc làm sai trái của mình mà còn tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua mặc cảm, tích cực cai nghiện để sớm được trở về làm lại cuộc đời, chuộc lại những lỗi lầm gây ra cho gia đình, người thân”.

Được biết, anh L. làm nghề xây dựng, nay đây mai đó, do những người bạn thợ rủ rê, lôi kéo, trong một lần không kiềm chế được bản thân, N. đã dùng thử “cái chết trắng”. Lúc đầu anh cũng rất sợ vì anh cũng lờ mờ hiểu tác hại của cái thứ “chất trắng chết người” kia nhưng cuối cùng anh cũng không chiến thắng nổi bản thân mình và sa ngã lúc nào không hay. Sau thời gian đắm chìm trong khói thuốc của "nàng tiên nâu", thân thể, sức khỏe của anh ngày càng suy giảm. Nghe lời động viên của gia đình, anh đã đi cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện số 1 của tỉnh.

Ông Lê Chí Cường, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 tỉnh Thanh Hoá cho biết, tất cả các học viên đều được Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh kiểm tra sức khỏe, phân loại , đánh giá mức độ nghiện, lứa tuổi, giới tính, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… từ đó có biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp.

Tính đến tháng 6/2019, Cơ sở đang quản lý và cai nghiện cho 445 học viên. Học viên khi tiếp nhận vào Cơ sở cai nghiện, chữa trị được y bác sỹ phòng Y tế - Phục hồi sức khoẻ tiến hành khám sức khoẻ ban đầu và thực hiện các xét nghiệm sinh hoá để xác định mức độ nghiện, đánh giá tình trạng sử dụng ma tuý, phát hiện các bệnh nội khoa, bệnh truyền nhiễm để làm căn cứ lập hồ sơ bệnh án, theo dõi, quản lý, điều trị. Xây dựng, thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp kết hợp với điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. 

Cơ sở luôn duy trì, thực hiện các nội quy, quy chế hoạt động của học viên đã được ban hành, bảo đảm đủ nhân lực cán bộ trực tiếp quản lý, giáo dục học viên 24/24 giờ. Xử lý kịp thời các tình huống phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn của Cơ sở; ngăn chặn kịp thời các hành vi đại ca, đầu gấu, chia bè kết phái, tuyên truyền kích động trong tập thể học viên. Trong 5 năm qua, Cơ sở không để xảy ra bất kỳ vụ việc phức tạp nào.

Đặc biệt, Cơ sở thực hiện nghiêm túc 5 quy trình cai nghiên đã được liên bộ ban hành. Tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả chương trình cộng đồng trị liệu - DayTop phù hợp với thực tế quản lý tại Cơ sở. Đề cao tinh thần tương thân, tương ái; kỷ cương vì mục tiêu xây dựng Cơ sở thành địa chỉ trợ giúp xã hội tin cậy của quần chúng nhân dân đồng thời là nơi chia sẻ, giúp đỡ, tạo niềm tin trong học tập, lao động và rèn luyện của tập thể học viên.

Bên cạnh đó, Cơ sở thường xuyên duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, phong trào thi đua… nhằm cuốn hút học viên vào các phong trào bảo đảm chế độ rèn luyện, phục hồi.

Học viên được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện, quá trình trở về tái hoà nhập cộng đồng và kỹ năng phòng chống tái nghiện.

Chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho học viên được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật: mức tiền ăn = 0,8 mức lương cơ sở; tiền chăn màn, quần áo và đồ dùng nhu yếu phẩm =0,9 mức lương cơ sở đã tạo điều kiện cho Cơ sở thực hiện phù hợp với sự thay đổi đơn giá thị trường.

Ngoài ra, sự quan tâm, ân cần của cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện luôn được xác định là động lực quan trọng để các học viên vượt qua những tháng ngày nghiệt ngã, trở về tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng. 

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa có khuôn viên rộng rãi cùng hệ thống các khu nhà đa năng dạy nghề, lao động trị liệu liên hoàn

Hàng trăm học viên với đủ lứa tuổi đang lao động tại khu nhà dạy nghề, lao động trị liệu

Các học viên có sức khỏe hạn chế sẽ được bố trí các công việc trị liệu nhẹ nhàng

Thực đơn và khẩu phần bữa ăn được niêm yết công khai

Chất lượng bữa ăn luôn được Cơ sở chú trọng quan tâm

Nơi nghỉ của học viên được giữ gìn sạch sẽ, thoáng mát

Hàng ngày các học viên được đội ngũ y bác sĩ tận tình chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh./.
Top