Khắc phục khó khăn để cai nghiện ma túy cho người dân tộc thiểu số

07/10/2020 16:14

Cai nghiện ma túy đã là một công việc khó khăn, đối với người nghiện là người dân tộc thiểu số, thì việc điều trị cho họ càng khó hơn do bất đồng về ngôn ngữ, nếp sống, phong tục tập quán tại các địa phương, trình độ văn hóa, của mỗi dân tộc, của mỗi địa phương khác nhau.

Anh Mùa A Thào (sinh năm 1978), xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một trong số những học viên người dân tộc Sinh Mun đang điều trị tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La. A Thào kể, trước khi nghiện ma túy, anh không biết ma túy có tác hại như vậy, chỉ nghe người ta nói hút vào để khỏi bệnh đau bụng, thế là anh dùng nhiều rồi nghiện lúc nào không biết. Bao nhiêu trâu, bò của gia đình đã phải bán hết, sức khỏe thì ngày một yếu đi. Sau 8 năm vật vã, anh nhận quyết định của Tòa án nhân dân huyện Vân Hồ cho đi cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh.

“Lúc đầu tôi gầy yếu như một con ma rừng, sợ hãi, lo lắng, hoang mang, nhưng trong quá trình điều trị, mặc dù không có gia đình thăm nom, rất buồn nhưng tôi luôn được thầy, cô quan tâm, động viên, chia sẻ. Ở đây, tôi được các thầy cô giúp đỡ rất nhiều, được học tập, tham gia lao động chăn nuôi dê và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao tập thể. Sau thời gian điều trị, tôi nhận thấy mình đã khỏe ra nhiều. Tôi mong rằng, sau này trở về  hòa nhập cộng đồng, sẽ từ bỏ nghiện, tìm được việc làm phù hợp và ổn định cuộc sống”, A Thào kể.

Giúp học viên từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện

Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La là cơ sở đa chức năng vừa cai nghiện cho học viên bắt buộc, người cai nghiện tự nguyện với quy mô tiếp nhận 2.150 học viên/thời điểm. Gần 20 năm từ ngày thành lập đến nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận điều trị cai nghiện cho gần 20.000 lượt học viên giúp họ từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời, trang bị, phục hồi các kỹ năng sống, kỹ năng lao động để tái hòa nhập cộng đồng góp phần bảo đảm trật tự xã hội.

Hiện nay, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đang quản lý, điều trị cho 1.672 học viên có độ tuổi từ 18 – 65; trong đó học viên là người các dân tộc: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Sinh Mun chiếm gần 80%. Đa số đều có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề và không có việc làm ổn định, họ thường  gặp các vấn đề khó khăn về sức khỏe, kinh tế, nhiều học viên không có sự hỗ trợ của người thân, gia đình.

Giao lưu thể thao giúp tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa cán bộ và học viên tại cơ sở

Ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết, trong những năm qua, bên cạnh việc tổ chức quản lý, cai nghiện, tuyên truyền giáo dục bảo đảm đúng quy trình, quy định, Cơ sở còn làm tốt công tác phối hợp với Công an tỉnh, lực lượng công an xã và chính quyền địa phương chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và giải quyết có hiệu quả các diễn biến, tình huống phức tạp có thể xảy ra. Hầu hết các học viên cai nghiện đều chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của Cơ sở. Mặc dù, với quy mô đông, thường xuyên có mặt trên 1.700 học viên/thời điểm nhưng an ninh trật tự tại Cơ sở luôn được bảo đảm, không có hiện tượng thẩm lậu ma túy, trốn chạy, bạo động, bạo loạn tập thể. Hoạt động của Cơ sở đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đào tạo nghề cho học viên

Với tình hình diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy hiện nay, tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng, các đối tượng cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, học viên nghiện ma túy tổng hợp có biểu hiện rối loạn hành vi ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, bệnh truyền nhiễm… do đó công tác quản lý, tư vấn giáo dục học viên gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp đỡ người nghiện từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động, các giá trị cuộc sống cũng như hỗ trợ gia đình người nghiện giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tâm lý xã hội, giảm lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện và trong cộng đồng xã hội, đòi hỏi  phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tuyên truyền và quản lý các học viên phải có đạo đức, yêu ngành yêu nghề, có đủ tính kiên trì, có trình độ kiến thức về công tác xã hội,có niềm tin và thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đối với  xã hội.

Ngay khi tổ chức tiếp nhận học viên, Cơ sở đã tổ chức kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án, chẩn đoán, phân loại và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, Cơ sở còn phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh như: Bệnh viện Phổi, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh, sàng lọc HIV, lao phổi định kỳ 2 lần/ năm cho học viên. Qua đó, đã phát hiện các ca nhiễm HIV, mắc bệnh lao phổi; phát hiện nhiều bệnh nhân nhiễm viêm gan A,B,C và các bệnh truyền nhiễm...

Cai nghiện cho học viên người dân tộc thiểu số còn gặp khó

Ông Đoàn Văn Tứ cho biết, đối với học viên là người dân tộc thiểu số, việc tiếp nhận các học viên ngay từ buổi đầu vào cơ sở, đã gặp nhiều khó khăn như: Bất đồng về ngôn ngữ, nếp sống, phong tục tập quán tại các địa phương, trình độ văn hóa, của mỗi dân tộc, của mỗi địa phương khác nhau. Vì vậy, để giúp các học viên có thể hiểu tiếng phổ thông và rèn luyện thói quen sinh hoạt, từ những việc nhỏ nhất, ngoài điều trị theo quy trình cai nghiện 5 bước, các thầy, cô giáo trực tiếp quản lý luôn tìm hiểu, nhắc nhở, giáo dục, cũng như làm mẫu giúp các học viên dần quen với nếp sống mới. Đa phần các học viên mới vào Cơ sở sức khỏe đều kém, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, gầy gò ốm yếu nên ngoài điều trị, Cơ sở đã xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hằng ngày; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, lao động trị liệu...

Tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn

Các hoạt động đa dạng, phong phú, thể hiện tình thương yêu của tập thể với cá nhân và trách nhiệm của cá nhân với tập thể đó như một gia đình, tổ chức cho các học viên học tập về đạo đức, lối sống, quyền và nghĩa vụ của công dân, tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác, rèn luyện tác phong, lối sống lành mạnh không ma túy.

Đối với nhóm học viên là người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, bên cạnh mở các lớp dạy xóa mù chữ, dạy tiếng phổ thông, dạy nghề cho học viên các nghề như trồng trọt, chăn nuôi…, Cơ sở tổ chức tuyên tuyền thông qua hình thức, như: trình chiếu bằng hình ảnh, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, biểu diễn các tiểu phẩm sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề, qua đó, tuyên truyền các chủ đề về đạo đức, về nếp sống văn hóa, về trách nhiệm với gia đình và xã hội, về tác hại của nghiện ma túy, cách phòng tránh. Các học viên người dân tộc đã được phát huy tính cần cù, khéo léo trong việc duy trì văn hóa bản sắc dân tộc như múa hát, đan lát, thêu thùa… Vào các ngày lễ, tết riêng của dân tộc họ như Tết Mông vào dịp 2/9 hàng năm, Cơ sở đã tổ chức các trò chơi dân gian như ném pa pao, chơi đánh quay, đẩy gậy… để các học viên bớt đi những mặc cảm, nỗi nhớ nhà, yên tâm cai nghiện.

Hằng năm, Cơ sở tổ chức dạy xóa mù chữ cho 100 học viên/3 lớp biết đọc, biết viết và tính toán thành thạo, tổ chức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội cho 300 học viên. Phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lượt học viên.

Nhiều học viên trước khi vào Cơ sở không biết chữ, không biết tiếng Kinh, tinh thần không ổn định, sau thời gian được trị liệu, học tập đã thay đổi về nhận thức, hành vi, biết đọc, biết viết đơn thư, biết làm những phép tính cộng trừ đơn giản, được rèn luyện kỹ năng lao động, học nghề phù hợp.

Tư vấn hướng nghiệp cho học viên cai nghiện

Theo ông Đoàn Văn Tứ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy, Cấp ủy, Ban Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đã luôn quan tâm  giáo dục, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ viên chức có đạo đức, trách nhiệm, có lòng yêu thương giúp đỡ, vị tha, có kinh nghiệm trong quản lý và nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý người nghiện, có năng lực trong nghiệp vụ Công tác xã hội đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Với thành tích và những kết quả đã đạt được, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đã được nhận Huân chương lao động hạng ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của UBND tỉnh Sơn La, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…

Thời gian tới, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tổ chức, quản lý, giáo dục cho học viên cai nghiện, đặc biệt quan tâm đến các học viên là người dân tộc thiểu số giúp họ thuận lợi hơn trong rèn luyện, học tập, lao động và từ bỏ ma túy, để các học viên sẽ sớm trở về hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.

 

Top