Hỗ trợ bệnh nhân điều trị Methadone trong dịch Covid-19: Vực dậy và phục hồi

19/05/2020 11:44

Ngày 12/3/2020, khi Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, thì tại Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm bệnh thứ 39. Ngay từ đầu mùa dịch, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã tiếp nhận phản hồi từ các nhóm cộng đồng (CBO) hỗ trợ người sử dụng ma tuý về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến việc làm, thu nhập và cuộc sống.

Một vấn đề cấp thiết đó là nguy cơ gián đoạn điều trị Methadone do phần lớn bệnh nhân Methadone đều là những lao động tự do và bị mất việc do dịch bệnh.

Điều trị Methadone là một liệu pháp phải thực hiện hàng ngày nên việc ngưng uống Methadone trong bất kể thời điểm nào và trong thời gian bao lâu đối với bệnh nhân cũng làm tăng nguy cơ họ phải sử dụng heroin để giảm nhẹ các triệu chứng “vã thuốc”. Việc sử dụng lại heroin còn nguy hiểm ở chỗ, do khả năng dung nạp heroin của cơ thể đã thay đổi nên người dùng dễ sốc thuốc hơn, trường hợp tồi tệ nhất nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đó là dẫn đến tử vong. Khi tham gia điều trị Methadone, các bệnh nhân đều có thể sinh hoạt và làm việc mà không lệ thuộc vào ma tuý, vì vậy việc gián đoạn điều trị sẽ là một cú sốc đối với các bệnh nhân và làm thụt lùi những tiến triển hồi phục và hoà nhập xã hội của họ.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone hiện là một trong những liệu pháp phổ biến và hiệu quả với chi phí dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/người/tháng. Chi phí xét nghiệm ban đầu để đăng ký tham gia chương trình dao động từ 500.000 đến 900.000 đồng/người/lần. Chi phí điều trị cũng như đăng ký chương trình chưa nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán nên bệnh nhân sẽ phải tự chi trả các chi phí này.

SCDI cũng phối hợp cùng với các CBO tiến hành khảo sát nhanh và phát hiện dịch bệnh cũng khiến nhiều người sử dụng ma tuý từ chối tham gia điều trị Methadone do không có tiền trả các xét nghiệm đầu vào khi đăng ký chương trình. Số tiền vài trăm nghìn là một khoản chi phí rất lớn với gia đình của các bệnh nhân Methadone khi cuộc sống của họ đang “chòng chành”, chật vật xoay sở tiền ăn từng bữa, thậm chí phải chịu đói khi không còn công việc nào có thể kiếm ra thu nhập.

Để tiếp sức cho cộng đồng bệnh nhân Methadone vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng như khuyến khích người sử dụng ma tuý tham gia điều trị, SCDI đã sử dụng quỹ khẩn cấp của trung tâm để kịp thời hỗ trợ chi phí duy trì điều trị cho dự kiến 325 bệnh nhân, chi phí khởi liều cho 153 bệnh nhân trong tháng 4 và 5 tại 4 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình và Lào Cai.

Bên cạnh đó, SCDI phối hợp với Quỹ “Mỗi ngày một quả trứng” cùng sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và tình nguyện viên đi khảo sát và trao phần lương thực - thực phẩm cho hàng trăm gia đình của người sử dụng ma tuý bị mất thu nhập có cuộc sống khó khăn.

Hỗ trợ suất thực phẩm cho các gia đình của người sử dụng ma túy gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch. Ảnh Hoa Vũ

Sơ kết hoạt động trong tháng 4, đã có 222 bệnh nhân đã được hỗ trợ phí điều trị trong đó 20 người từng bỏ trị được thuyết phục quay trở lại chương trình. Đáng mừng là nhờ được hỗ trợ các chi phí ban đầu mà có 84 bệnh nhân có thể bắt đầu tham gia điều trị.

Anh Nguyễn K. sống tại Kiến Thuỵ, Hải Phòng là một trong những người được hỗ trợ đăng ký điều trị trong thời gian này. Anh đã nhiều lần muốn đi đăng ký điều trị Methadone nhưng chưa thực hiện được do không rõ về thủ tục, không có tiền đóng phí ban đầu, tiền xét nghiệm rồi đường xá đi lại xa xôi. Năm 2019, anh bị tai nạn gãy chân, sau đó lại gặp đợt dịch nên không đi làm được, không có thu nhập để lo cho sinh hoạt hàng ngày của hai mẹ con. Trước hoàn cảnh khó khăn của anh, nhóm Bình Minh đã tặng gia đình anh suất thực phẩm từ Quỹ “Mỗi ngày một quả trứng” và tư vấn cho anh về lợi ích của việc điều trị cũng như hỗ trợ cho anh chi phí đăng ký ban đầu.

Anh K. đến cơ sở điều trị Methadone dù nhà cách 20 km. Ảnh Hoa Vũ

Chị T. tham gia điều trị Methadone tại Lào Cai từ năm 2015 khi mang thai con đầu lòng, đến nay đã có hai bé kháu khỉnh, xinh xắn. Là một trong những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, sự tiếp sức kịp thời đã là động lực để chị T. cùng gia đình vượt qua thời điểm khó khăn này: “Em rất cảm động trước sự quan tâm của cơ sở Methadone và đặc biệt là Trung tâm SCDI đã dành một phần ăn của mình cho em trong lúc khốn khó nhất của chặng đường làm lại cuộc đời. Em nghĩ loại người bỏ đi như chúng em thì không bao giờ có được sự hỗ trợ đó, thế mà hôm nay lại được một Trung tâm tận Hà Nội gửi tiền cho chúng em được uống thuốc trong lúc dịch đã làm chúng em kiệt quệ, bữa đói bữa bưng...”.

Một bệnh nhân tại cơ sở điều trị Methadone Lào Cai thực hiện quét mã số - đây là một bước trong quy trình uống Methadone. Ảnh Hoa Vũ

Ông Nguyễn Tường Long, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone Lào Cai chia sẻ: “Hoạt động hỗ trợ đã kích hoạt ý thức của cán bộ nhân viên trong đơn vị rằng bên cạnh sự vất vả, rủi ro vẫn có người bên cạnh sẵn sàng chia sẻ đồng hành, nhất là giữa lúc dịch dã, khiến các y bác sỹ cơ sở Methadone thấy hạnh phúc hơn. Cũng có tiếng nói với các bệnh nhân rằng các bạn vẫn có những giá trị với xã hội, với gia đình, và được các tổ chức xã hội quan tâm, không bị bỏ rơi, không còn đơn độc!”

Theo ông Đỗ Duy Bình, Trưởng khoa điều trị Methadone của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: “Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến quy trình điều trị tại cơ sở Methadone vì cần đảm bảo giãn cách 2 mét giữa các bệnh nhân và từng người vào uống, các bệnh nhân cũng phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đến uống thuốc sớm hơn cho kịp giờ đến nơi làm việc. Cơ sở cũng tiến hành vệ sinh và khử khuẩn mỗi buổi chiều để chuẩn bị công việc cho ngày tiếp theo”. Như vậy, hoạt động hỗ trợ của SCDI không chỉ có ý nghĩa với các bệnh nhân mà còn là sự đồng hành của trung tâm với các đồng nghiệp đang công tác tại các cơ sở điều trị Methadone trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc".

Vực dậy và phục hồi

Trong “Hướng dẫn can thiệp dành cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV”, Tổ chức y tế Thế giới đã khuyến nghị tất cả người sử dụng ma túy dạng thuốc phiện cần được tiếp cận với điều trị Methadone hoặc các liệu pháp sử dụng các thuốc thay thế khác bởi đây còn là một biện pháp giảm hại hiệu quả. “Điều trị là phục hồi” - anh Nguyễn Hoàng Long, trưởng nhóm Hải Đăng hỗ trợ người sử dụng ma túy ở Hải Phòng nhấn mạnh khi chia sẻ về một khách hàng đã có những chuyển biến tích cực khi được hỗ trợ chi phí ban đầu tham gia điều trị Methadone. Nhờ sự quan tâm chân thành, mà theo anh Long, vị khách hàng trở nên cởi mở, tự tin hơn.

"Trước đây, khi gặp chúng tôi, khách hàng không muốn thừa nhận việc đi nhặt ve chai là công việc chính kiếm thu nhập. Nhưng giờ đây bạn đã sẵn sàng chia sẻ về công việc của mình và trở nên tích cực hơn, từ việc chủ động trao đổi về điều trị Methadone đến việc tới văn phòng nhóm để được tư vấn và kết nối với bác sĩ thăm khám để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần. Sau một tháng điều trị Methadone, bạn đã chia sẻ mong ước của mình là sẽ “từ bỏ được việc sử dụng ma túy, có công việc ổn định, có sức khỏe để chờ mẹ mãn hạn tù trở về và hai mẹ con sẽ đoàn tụ sống những tháng ngày hạnh phúc!”.

Top