Hàng chục nạn nhân bị giết do 'ngáo đá'

21/09/2020 17:11

Từ năm 2014 đến năm 2019, cả nước xảy ra 41 vụ, 42 đối tượng, 65 nạn nhân bị giết trong các vụ thảm án do người "ngáo đá" gây ra.

Không giảm án cho kẻ 'phê' ma túy giết người

Ngày 21/9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên bác kháng cáo, phạt bị cáo Nguyễn Võ Ngọc Bảo (SN 2000, trú thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tử hình về tội giết người, 7 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc phải chấp hành là tử hình. Điều đáng nói là 2 người bị hại trọng vụ án này chính là mẹ và em ruột của bị cáo.

Bị cáo Bảo tại tòa

Tại phiên tòa sơ thẩm, vị chủ tọa hỏi: "Tại sao lại giết chết em và mẹ của mình?", thì bị cáo trả lời: "Do sau khi chơi ma túy xong thấy như bị ma đuổi nên ra tay giết chết em và mẹ ruột của mình vì tưởng đó là… ma".

Theo hồ sơ, anh Nguyễn Trí Mẫn và chị Võ Thị Kim Hà đăng ký kết hôn từ năm 1992 và có 3 con chung là: Nguyễn Võ Ngọc Duy, Nguyễn Võ Ngọc Bảo và Nguyễn Võ Chí Toàn (SN 26/8/2013), cùng trú thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm.

Sáng ngày 5/1/2019, anh Mẫn, chị Hà và Duy đi làm, Bảo và Toàn ở nhà. Đến khoảng 10h cùng ngày, sau khi sử dụng thảo mộc khô chứa chất ma túy 5 – Fluoro MDMB-PICA tại nhà thì Bảo nảy sinh ý định giết Toàn. Bảo đóng cửa chính và cả sắt bên hông nhà lại, mở nhạc lớn và lấy 2 cây rựa (1 cây rựa cán ngắn dài khoảng 26cm, 1 cây rựa cán dài khoảng 34cm) ở sau nhà bỏ dưới gầm tủ ti vi.

Lúc này, Toàn đang đứng chơi trong phòng khách thì Bảo lấy cây rựa đi đến chém 2 nhát trúng vào đầu của Toàn làm Toàn tử vong tại chỗ. Sau đó, Bảo kéo xác Toàn vào phòng tắm, dùng con dao cắt nhỏ phần não của Toàn rồi bỏ vào bồn cầu xã trôi xuống hầm rút.

Tiếp đó, Bảo rửa hết máu trên người Toàn rồi bế xác Toàn để lên giường ngủ trong phòng Duy và lấy 1 cái chăn cuốn xác Toàn lại, rồi giấu 2 cây rựa trong phòng ngủ của Bảo.

Đến khoảng 11h45’ cùng ngày, chị Hà điều khiển xe máy về nhà rồi đi xuống bếp để nấu ăn. Lúc này, Bảo vào phòng ngủ của Bảo lấy cây rựa cán ngắn rồi đi đến chỗ chị Hà đang nấu ăn rồi chém nhiều nhát cho đến khi chị Hà tử vong. Bảo kéo xác chị Hà để lên giường cạnh xác Toàn rồi lấy 1 điện thoại di động hiệu OPPO và 1 chiếc nhẫn kim loại màu vàng chị Hà đang đeo trên tay.

Sau đó, Bảo tiếp tục sang phòng chị Hà lục tìm lấy thêm 1 dây chuyền, 1 lắc tay, 5 nhẫn kim loại màu vàng và 100.000 đồng. Sau đó, Bảo điều khiển xe máy bỏ trốn đến tiệm điện thoại di động Hiệp Hưng ở tổ dân phố Lộc Thành, phường Cam Lộc, TP Cam Ranh bán điện thoại OPPO cho chị Trần Thị Thùy An lấy 2,2 triệu đồng rồi tiếp tục bỏ trốn.

Đến khoảng 17h cùng ngày, anh Mẫn đi làm về phát hiện chị Hà và cháu Toàn tử vong nên trình báo cơ quan Công an.

Đến tối ngày 6/1/2019, qua công tác điều tra, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ được Bảo khi đang lẩn trốn tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cùng một số tang vật.

Theo kết luận giám định pháp y về tâm thần của Bảo thì trước, trong và sau khi gây án: đương sự bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác với các rối loạn tri giác. Hiện nay, đương sự không có rối loạn tâm thần. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án đương sự mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi; hiện đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.

Chế tài nghiêm khắc hơn đối với người sử dụng ma túy

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ thảm án mà nguyên nhân do người sử dụng ma túy gây ra, nhất là gần đây khi tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng.

Ngoài ra còn nhiều vụ án gây hoang mang dư luận như: 21h45 ngày 18/2/2020, Dương Quang Bình (43 tuổi, trú tại ở ngõ 609 đường Bạch Đằng) đốt chiếc xe máy của mình trước cửa nhà tại ngõ 609, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Sau đó, Bình leo lên mái tôn trèo sang nhà em gái bên cạnh dùng dao uy hiếp 6 người trong gia đình này, trong đó có 3 cháu nhỏ, rồi đâm chết nghệ sĩ opera Vũ Mạnh Dũng (em rể của Bình).

Hay ngày 10/2/2019, đối tượng Trương Mạnh Tuấn là một phó phòng của Chi nhánh ngân hàng ở Nghệ An do sử dụng ma túy tổng hợp đã giết chết bố đẻ của mình, chém mẹ và em gái. Ngày 02/5/2019, đối tượng Trương Tín ở TPHCM, sau khi sử dụng ma túy tổng hợp đã giết mẹ và dì ruột của mình...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy tổng hợp như tìm đến khoái cảm, bị áp lực công việc, stress, trầm cảm…; việc phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ như vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke… cũng tác động, lôi kéo người trẻ sử dụng ma túy tổng hợp. Thực tế thời gian qua cũng cho thấy nhiều người lái xe, đặc biệt là lái xe container có sử dụng ma túy tổng hợp để đáp ứng yêu cầu công việc và đã gây các vụ tai nạn thảm khốc gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nhiều người.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2009-2018, trên phạm vi cả nước có 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người vi phạm pháp luật, phạm tội chiếm tỷ lệ 15,36%, có 5.337 người gây bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,46%, có 27.655 người đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chiếm tỷ lệ 7.57%.

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) đã gây ra nhiều vụ thảm án, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Từ năm 2014 đến năm 2019, cả nước xảy ra 41 vụ, 42 đối tượng, 65 nạn nhân bị giết trong các vụ thảm án do người "ngáo đá" gây ra. Công an phát hiện 5.177 vụ với hơn 32.000 người sử dụng trái phép chất ma túy tại vũ trường, karaoke, quán bar… và có đến hơn 7.500 vụ với hơn 18.000 người nghiện phạm vào các tội cướp, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, cố ý gây thương tích…

Trung tá Hoàng Văn Hiều cũng nhìn nhận, một bộ phận giới trẻ hiện nay cho rằng sử dụng ma túy đá, MTTH không gây nghiện, họ sử dụng để vui vẻ và đôi khi chỉ đơn giản là thể hiện "đẳng cấp". Hơn nữa, hiện nay các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar hoạt động mạnh mẽ, thu hút giới trẻ vào sử dụng ma túy. Nhưng, đằng sau những cuộc vui đó là những hệ lụy kinh hoàng cho chính bản thân và những người xung quanh, bởi ma túy đá tàn phá nghiêm trọng tới cả sức khỏe và nhân cách người sử dụng, gây nên nhiều hệ lụy cho các gia đình và xã hội.

Theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, pháp luật hiện hành quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nên không đủ sức răn đe. Sau khi xử phạt thì cơ quan chức năng cũng không có cơ chế quản lý nên họ lại tiếp tục sử dụng ma túy, dẫn đến nghiện ma túy. Do đó, cần phải có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý, ngăn ngừa họ trở thành người nghiện. Vì vậy, dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) lần này đã thiết kế riêng một chương quy định về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự 2015 thì người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy phạm tội khi "ngáo đá" thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Đồng thời, người “ngáo đá” thực hiện hành vi trong tình trạng loạn thần nhưng không phải là trường hợp bị tâm thần nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ mà người phạm tội vẫn phải chịu hình phạt theo tội danh mà mình vi phạm.

Theo quy định trên đây thì người "ngáo đá" giết người thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015. Người "ngáo đá" giết người thì tuy theo mức độ mà có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Top