Giúp phụ nữ mại dâm xây ‘con đường’ hoàn lương

20/02/2020 14:01

“Dù làm nghề gì, người đời đánh giá chị em ra sao, đối với mình họ luôn là những vị khách. Dù chưa giúp được chị em bỏ nghề ngay lập tức nhưng mình luôn hy vọng sự tôn trọng và giúp đỡ của mình cũng như Hoa Cát Tường sẽ là viên gạch đầu tiên để họ xây con đường hoàn lương...”.

Đó là chia sẻ của chị Đỗ Thụy An My, Trưởng nhóm Hoa Cát Tường, nhóm tự lực hỗ trợ giảm hại cho chị em phụ nữ mại dâm trên địa bàn TPHCM.

Từ năm 2012 đến nay, cứ mỗi năm có khoảng 600-800 chị em bán dâm trên địa bàn TPHCM được nhóm Hoa Cát Tường tiếp cận truyền thông, chuyển gửi xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. 5-6% trong số đó được tìm ra bệnh và kết nối điều trị sớm.

Thấu hiểu tâm tình

An My cho biết, bản thân chị cũng như các thành viên trong nhóm Hoa Cát Tường có được kinh nghiệm tiếp cận hỗ trợ các chị em bởi trước kia chị cũng đã từng một thời lầm lỡ. Bản thân An My, do nhà nghèo, chị chỉ được học tới lớp 2 rồi nghỉ học rồi cứ thế bị cuộc sống cuốn đi… Chị không dám mơ về một ngôi nhà hạnh phúc cho đến gặp chồng mình. Anh là một đồng đẳng viên giúp người cai nghiện hòa nhập xã hội. Anh động viên chị tham gia các hoạt động giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ như mình. Rồi chị thành lập nhóm tự lực Hoa Cát Tường, được một số tổ chức lựa chọn để triển khai các dự án giúp đỡ người bán dâm.

Chia sẻ về thời gian đầu thành lập nhóm Hoa Cát Tường, chị An My nói, do mới học hết lớp 2, chỉ biết mặt chữ nên chị gặp rất nhiều khó khăn khi phải viết kế hoạch, phải báo cáo số liệu, phải trao đổi bằng email. Rồi chị bắt đầu học vi tính. Đêm nào cũng thức tới đêm để học, rồi dần dần gõ được phím, sử dụng được email.

Nhiều cô gái bảo chị rằng họ không có con đường nào để lựa chọn quay lại với đời, chị nói với họ: “Chuyện gì khó cũng có đường gỡ. Khó như học vi tính trình độ lớp 2, tôi còn làm được mà”.

Chị An My cho biết, hiện nay hoạt động chính của nhóm là truyền thông, giảm hại, chuyển gửi dịch vụ hỗ trợ chị em. Không chỉ vậy, khi chị em bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV, các thành viên của nhóm cũng theo dõi, chăm sóc ít nhất 6 tháng để họ quen dần với việc tuân thủ tốt trong điều chị.

Một buổi sinh hoạt nhóm của Hoa Cát Tường. Ảnh Nhật Thy

Chị An My chia sẻ: “So với những năm trước đây, tình trạng kỳ thị người bán dâm đã giảm đi nhiều. Nhờ những mô hình tiếp cận thân thiện, chị em đã cởi mở hơn và tự tìm đến nhờ mình tư vấn. Khác với lúc trước, chị em ở rải rác thường rất khó tiếp cận. Chị em thường không dám lộ diện, thừa nhận mình làm nghề, càng không thổ lộ mình mắc bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục để đến nỗi ngày càng trầm trọng. Mình không bao giờ hỏi chị em đã bỏ nghề hay chưa nhưng họ cần vì mình hiểu khi có công việc ổn định thì chị em mới dũng cảm từ bỏ được con đường cũ”.

Việc giúp chị em chuyển đổi công việc, Nhóm cũng đã liên hệ với Viện tóc Loreal để chị em có thể học nghề miễn phí. Bên cạnh đó được sự hỗ trợ của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Thành phố, chị em có thể vay vốn để buôn bán nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc có thêm thu nhập giúp chị em có thể chủ động trong việc sử dụng bao cao su chứ không phải mạo hiểm ‘nhắm mắt làm bừa’ để có tiền như trước.

Hỗ trợ giấy tờ tùy thân

Chị em từ các tỉnh đến, rất nhiều chị em không có giấy tờ tùy thân, nếu phát hiện có HIV thì rất khó cho chị em trong quá trình kết nối điều trị. Khi đó, nhóm hỗ trợ chị em bằng cách gây quỹ, tạo vốn để chị em có chi phí điều trị. Đồng thời liên hệ với phòng khám để giảm chi phí cho chị em.

Hoa Cát Tường cũng như chính bản thân chị An My cũng đứng ra để hỗ trợ chị em làm sổ tạm trú KT3, từ đó giúp chị em làm giấy tờ tùy thân. Chị em nào cần giấy tờ, An My thu xếp đến ở cùng với bố mẹ chị để đăng ký tạm trú. May mắn là bố mẹ chị ở một mình và rất thấu hiểu công việc của chị.

Kể về những niềm vui, kỷ niệm trong hành trình gần 10 năm giúp đỡ chị em, An My vẫn nhớ câu chuyện của HT - một cô gái massage. HT suy sụp, nằm bẹp trong nhà trọ khi biết mình nhiễm HIV. Chị My đến thăm, bị đuổi về. Mấy lần đến tiếp cận đều bị từ khước. Đến một hôm, trời mưa rất lớn, chị My vẫn đội mưa kiên nhẫn gõ cửa phòng trọ. Cuối cùng, HT mở cửa cho chị vào trú mưa. Chị My đã thuyết phục được HT đi khám và điều trị theo phác đồ.

Sau đó chị My bảo lãnh cho HT vay vốn mua máy may nhận hàng về gia công. HT sống ổn định với nghề may, tinh thần lạc quan hơn rất nhiều và coi My như người thân của mình. HT nói: “Hồi đó tôi đuổi chị My về mà chị My về luôn thì tôi không có ngày hôm nay”.

Trưởng nhóm Hoa Cát Tường chia sẻ, công việc hỗ trợ chị em tuy vất vả nhưng đầy ý nghĩa luôn cuốn chị theo. Mới giữa năm nay, chị đã trực tiếp đi làm giấy khai sinh cho một em bé bảy tuổi (con của một người bán dâm) để đưa em vào trường học như mong mỏi của mẹ bé. Không ít lần đi tuyên truyền kiến thức cho chị em, cũng chính chị là người đứng ra dàn xếp những vụ cãi vã giữa chị em với khách tại cơ sở, qua đó phân tích bài học thực tế cho các chị em.

Mặc dù người chồng luôn đồng hành cùng chị đã qua đời, nhưng không vì thế mà chị An My giảm nhiệt huyết trong việc hỗ trợ chị em bán dâm. Những đứa con của chị mặc dù chưa hiểu rõ công việc của mẹ nhưng luôn ủng hộ, đứa lớn còn bảo: ‘Sau này con cũng muốn giúp đỡ mọi người như mẹ’.

Top