Giải cứu nạn nhân nơi đất khách- nhiệm vụ từ trái tim người lính

08/10/2021 08:47

Có những cô gái khi bị lừa bán ra nước ngoài đã bị rơi vào "địa ngục trần gian", bị đánh đập, tra tấn, bắt phục vụ khách làng chơi hoặc bán làm vợ những người đàn ông bản xứ. Cũng có những nạn nhân bị mua bán vào những nhà hàng trá hình ngay trong nước để phục vụ khách mua dâm hay vào các hầm vàng, các tàu cá để lao động khổ sai…

Bất cứ ai, trong số các nạn nhân ấy, đều phải sống một khoảng đời sống không ra sống, nhiều khi muốn chết cũng không xong.

Thế nhưng, một ngày, họ đã được trở lại với gia đình, quê hương, nơi mà chỉ đến lúc bị lừa bán, đầy đọa, họ mới cảm nhận được vô cùng giá trị trân quý của nó. Các chiến sỹ Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự đã tiến hành giải cứu cho họ thoát khỏi nơi bị coi là địa ngục, để trở về với cuộc sống của một con người đúng nghĩa.

Được giải cứu trở về với gia đình là hạnh phúc tột cùng của các nạn nhân bị lừa bán

Sau đó, lực lượng Công an cùng với các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ để họ có một trang mới trong cuộc đời, có một tương lai ổn định và phát triển, mà vào những giai đoạn tăm tối của cuộc đời, họ không dám nghĩ đến, xa xỉ cả trong giấc mơ…

Ngày nào cũng vậy, chị V.T cũng bị người nhà chồng đánh thức dậy từ khi trời vẫn còn tối sẫm. Ở vùng miền núi thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) xa xôi này, cuộc sống của người dân trong làng vẫn phải chủ yếu diễn ra trên những đồng ruộng. Nhà chồng, đúng ra là người đàn ông bản địa mà chị bị bán làm vợ, không thuộc diện khó khăn trong làng, cả nhà sinh sống trong một ngôi nhà 3 tầng cao ráo, thóc lúa không thiếu bao giờ.

Nhưng những người trong gia đình, cả bố mẹ chồng, lẫn các anh em nhà chồng rất khắt khe, họ ép buộc chị T ra đồng, làm quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya. Người đàn ông mà chị T bị bán làm vợ thì có thần kinh không bình thường, cả ngày chỉ biết ngồi cười cười, ngẩn ngơ. Tuy nhiên, những lúc anh ta lên cơn thì cứ túm lấy chị mà đánh, mà cắn…

Nhiều đêm, chị T nằm khóc, nghĩ phận mình không giống như một con người. Quê chị ở miền Nam, gia cảnh cũng rất nghèo, chị và chồng làm thuê cật lực cũng không đủ ăn, đủ mặc. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt về một công việc lương cao nơi đất khách, chị T đã theo bọn buôn người ra một tỉnh biên giới phía Bắc, rồi đi theo chúng qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Công việc lương cao chưa thấy đâu, chị bị bọn chúng đẩy lên một chiếc xe thùng kín mít, chạy hết cả ngày đường mới đến một vùng núi nghèo xa xôi của Trung Quốc. Sau đó, chúng bán chị làm vợ cho người đàn ông bản địa có vấn đề về thần kinh. Lúc đầu, chị sợ hãi, không chịu ở lại, thì bị anh em nhà chồng xúm lại đánh cho một trận thừa sống thiếu chết.

Biết một thân một mình nơi đất khách, không chống cự được với cả nhà chồng, chị đành chấp nhận kiếp vợ mua. Nhưng nào đâu chị chỉ bị bắt lao động khổ sai, bắt làm vợ một kẻ không ra người, thần kinh ngơ ngẩn, mấy hôm nay, chị còn thấy ánh mắt của thằng em chồng như muốn ăn tươi nuốt sống chị…

Càng nằm nghĩ, chị T càng cảm thấy phận đời phẫn uất. Chị nhớ bố mẹ, nhớ chồng con, nhớ về mái tranh nghèo nhưng rộn rã tiếng cười nơi quê nhà. Không biết bao nhiêu đêm, chị nằm khóc ướt sũng gối, chỉ khi mệt quá, chị mới thiếp đi. Nhưng đêm nay, chị không ngủ được. Chị biết đang lúc dịch bệnh COVID-19 phức tạp, việc di chuyển rất khó khăn, nhưng chị muốn một lần thôi, nếu có cơ hội, để thoát khỏi kiếp sống không giống con người này, một lần thôi, nếu có thể, được trở về nhìn thấy quê nhà…

Quá nửa đêm, khi cả nhà chồng đã ngủ say, ý nghĩ chạy trốn càng nung nấu trong chị T. Cửa nhà chồng luôn bị khóa chặt nên chị không thể trở ra bằng đường chính. Chỉ có thể thoát ra từ cửa sổ tầng 3, nơi chị và người chồng ngẩn ngơ đang nằm ngủ. Chị T mở cửa, ngó xuống, nhìn xuống độ cao bên dưới, chị rùng mình sợ. Nhưng không còn con đường nào khác. Chị T nhắm mắt lại, nhảy đại xuống bên dưới từ cửa sổ tầng 3.

Chị rơi bịch xuống bên dưới, đau điếng, rồi chị ngất đi, không biết gì nữa. Đến khi chị T tỉnh dậy thì thấy mình đang ở một ngôi nhà lạ, thì ra có một người dân trong vùng tốt bụng đi làm sớm, phát hiện chị T bị ngã ngất, họ cũng đoán chị là nạn nhân bị bán làm vợ tìm cách chạy trốn nên đã đưa chị về nhà chăm sóc. Khi chị T bắt đầu bình phục, họ đã nói chuyện với chị bằng vốn tiếng Việt của mình, rồi giúp chị gọi điện thoại về cho bố mẹ ở quê, bảo gửi tiền sang cho chị chữa bệnh và tìm cách giải cứu chị trở về quê nhà.

  Khi nhận được đơn kêu cứu của bố mẹ chị T, Công an địa phương đã khẩn trương xác minh thông tin và làm công văn gửi Cục Cảnh sát hình sự xin được hỗ trợ giải cứu nạn nhân. Đã quá nhiều kinh nghiệm trong việc giải cứu nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Thượng tá Đặng Văn Trình, Phó Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng vào cuộc.

Anh liên lạc với nạn nhân T qua số điện thoại và webchat mà nạn nhân sử dụng gọi về gia đình. Lúc đầu, do sợ bị gia đình chồng của chị T bắt lại, nên khi thấy số máy lạ, người cưu mang chị T đã không dám bắt máy. Anh Trình phải nhắn tin, giới thiệu là Cảnh sát Việt Nam để họ tin tưởng và cho gặp chị T. Anh đã động viên nạn nhân bình tĩnh, hỏi chủ nhà về địa điểm mình đang trú chân, gửi tọa độ chị đang ở qua webchat, những đặc điểm cần ghi nhớ ở những nơi gần căn nhà….

Khi có những thông tin cần thiết, anh Trình và các đồng nghiệp của mình đã liên hệ với công dân tốt, thường xuyên giúp đỡ Cảnh sát hình sự Việt Nam trong việc giải cứu các cô gái Việt Nam bị lừa bán sang đất khách để lập kế hoạch giải cứu cho chị T. Theo hướng dẫn của các anh, một buổi tối tháng 6/2021, chị T mặc quần áo kín mít, đeo khẩu trang phủ gần kín khuôn mặt, chạy ra xe ôtô của người công dân tốt đó.

Chiếc ôtô phóng vụt đi, trải qua hơn 300 cây số của sự phấp phỏng, lo lắng, cuối cùng, người công dân tốt đó đã đưa được chị T vào đồn Công an Trung Quốc ở giáp cửa khẩu Cao Bằng (Việt Nam). Với sự phối hợp thông tin kịp thời từ phía Cục Cảnh sát hình sự, cuối tháng 6, sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, Công an Trung Quốc đã trao trả chị T về Việt Nam.

Cũng trong tháng 8-2021, 2 cô gái nữa, cũng xuất thân từ các tỉnh miền Nam như T đã được Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các công dân tốt bên Trung Quốc giải cứu đưa về Việt Nam. Do hoàn cảnh khó khăn, cả 2 cô gái đều bị bọn buôn người lừa đưa sang Trung Quốc, rồi bán làm vợ cho những người đàn ông ở vùng xa của tỉnh Hà Nam.

Cô V tuy bị bắt ép lao động, bắt ép làm vợ một người đàn ông đã già nhưng còn được gia đình chồng cho sử dụng điện thoại nên việc liên lạc của các trinh sát Cục Cảnh sát hình sự dễ dàng hơn. Còn với cô T, một tuần chỉ được nhà chồng cho dùng điện thoại di động một lần nên mọi liên hệ của các trinh sát với nạn nhân cũng phải chờ theo từng tuần.

Cuối cùng, với sự nỗ lực của các trinh sát, 2 cô gái nói trên đã được giải cứu, đưa về trao trả tại cửa khẩu Cao Bằng vào giữa tháng 8. Sau khi thực hiện cách ly theo quy định, các cô đã được các trinh sát đón, đưa về để làm các thủ tục tố tụng tiếp theo. Tuy nhiên, do TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các trinh sát đã không thể đưa các cô về trụ sở của đơn vị.

Trở về quê hương không một vật dụng, không một đồng tiền, vì thế, hơn 1 tháng qua, các trinh sát phải phối hợp với các tổ chức xã hội hỗ trợ các cô thuê nhà nghỉ, ăn uống tại tỉnh Thái Nguyên. Trong 2 cô, T đang mang thai 7 tháng với người chồng hờ bên xứ người. Suốt một tháng qua, hễ có vấn đề gì liên quan đến việc ăn ở, sức khỏe, thậm chí theo dõi thai nhi, Thượng tá Trình và các trinh sát của Phòng 6 phải trở thành các "cố vấn" trợ giúp cho các cô.

"Thậm chí, có đêm, gần 24h, khi điện thoại reo, tôi thấy hiện tên của cô T nên nghe máy ngay. T kêu đau bụng. Vì đang ở cách xa gần trăm cây số nên tôi cũng không thể đến, dù đang đêm cũng phải nhờ các đồng nghiệp trên Thái Nguyên đưa cô ấy đi khám. Cũng may, đến giờ này, khi Hà Nội đã nới lỏng việc giãn cách, chúng tôi đã đưa được 2 cô về nơi ở của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh để các anh chị bên đó chăm sóc cho họ" - anh Trình chia sẻ.

Trong quá trình công tác của mình, Thượng tá Trình và các đồng nghiệp đã có rất nhiều những cuộc giải cứu các nạn nhân trên đất khách. Mỗi cuộc giải cứu là một cuộc cân não khá căng thẳng, các anh phải lên kế hoạch rất tỉ mỉ, tính toán từng bước đi, bởi các anh hiểu rằng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, nếu kế hoạch giải cứu bị phát hiện, số phận các nạn nhân còn bi thảm hơn.

Vì thế, mỗi khi giải cứu được một nạn nhân an toàn trở về Việt Nam, niềm vui lại lan tỏa với các trinh sát tham gia giải cứu, bởi các anh đã không chỉ hoàn thành công việc được giao, mà còn hoàn thành cả nhiệm vụ từ trái tim người lính.

Top