Đám tang 'danh dự' đầu tiên của một người bán dâm Bangladest

13/02/2020 10:54

Daulatdia ở Bangladesh được xem là một trong những 'khu đèn đỏ' lớn nhất thế giới. Những người phụ nữ hành nghề mại dâm ở đây thường bị đối xử thiếu tôn trọng, thiếu nhân đạo, khi chết còn bị ném xuống những ngôi mộ không có bia hoặc ném xuống sông.

Daulatdia ở Bangladesh là một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới

Hamida Begum đã trở thành gái mại dâm đầu tiên ở Daulatdia - Bangladesh được làm một đám tang chính thức, phá vỡ một điều cấm kỵ từ lâu ở Bangladesh, nơi mại dâm là hợp pháp nhưng vẫn bị nhiều người coi là vô đạo đức.

Rất nhiều người phụ nữ đã tập trung tại khu mộ, khóc vì sự ra đi của Hamida Begum - 65 tuổi nhưng cũng khóc vì sự đột phá mang tính biểu tượng khi bà đươc chôn cất một cách đàng hoàng.

Laxmi, con gái của Begum cho biết: "Tôi chưa bao giờ mơ rằng bà ấy sẽ có được một lời từ biệt đáng kính như vậy. Mẹ tôi đã được đối xử như một con người".

Bangladesh là một trong số ít các quốc gia Hồi giáo trên thế giới, nơi mại dâm là hợp pháp đối với phụ nữ từ 18 tuổi trở lên và người lao động được yêu cầu phải có giấy chứng nhận cho biết họ là người trưởng thành và đồng ý với công việc.

Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện đã báo cáo việc tìm thấy những cô gái trẻ 7 tuổi bị ép bán dâm và cảnh báo rằng nạn buôn bán trẻ em để hoạt động tình dục đang gia tăng.

Cảnh sát thường bị buộc tội là đồng lõa - nhận hối lộ từ những người môi giới và chủ nhà thổ để cung cấp chứng nhận cho các cô gái trẻ hơn 18 tuổi.

Begum chỉ mới 12 tuổi khi cô bắt đầu hoạt động mại dâm ở Daulatdia, nơi có hơn 1.200 phụ nữ và trẻ em gái phục vụ tới 5.000 khách hàng mỗi ngày.

Daulatdia ở Bangladesh là một trong những nhà thổ lớn nhất thế giới. Những nhà thổ ở Daulatdia được thành lập cách đây một thế kỷ dưới thời cai trị của thực dân Anh, hiện đã chuyển đến vị trí hiện tại, gần một bến phà. Người hành nghề mại dâm và hàng trăm trẻ em của họ sống trong những ngôi nhà bằng bê tông và thiếc trên một bãi cát của sông Padma với giá thuê cắt cổ. Đối với những người bị buộc phải tham gia giao dịch, họ chỉ có thể rời đi khi họ đã trả hết những khoản nợ bị "thổi phồng" cho những "tú bà", "tú ông" đã mua họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi điều này là có thể, sự kỳ thị xung quanh hoạt động mại dâm khiến nhiều người cảm thấy không còn nơi nào để đi.

Trong nhiều thập kỷ, nếu chết thì xác của họ sẽ bị ném xuống sông hoặc bị chôn vùi trong bùn.

Đầu những năm 2000, chính quyền địa phương đã đưa ra một số tiền cho những ngôi mộ không dấu và các gia đình sẽ trả cho những người nghiện ma túy để thực hiện chôn cất - thường là vào ban đêm mà không có những lời cầu nguyện chính thức.

Các nhà lãnh đạo tinh thần Hồi giáo trong nhiều thập kỷ đã từ chối những lời cầu nguyện tang lễ cho gái mại dâm vì họ coi mại dâm là vô đạo đức. Khi Begum qua đời, gia đình cô đã lên kế hoạch đưa cô vào một ngôi mộ không dấu (không bia) - thông lệ tiêu chuẩn cho những người phụ nữ như cô, nhưng một liên minh của các cô gái mại dâm đã thuyết phục cảnh sát địa phương nói chuyện với các nhà lãnh đạo tôn giáo để cho cô được chôn cất thích hợp.

Vì vậy đám tang được "chấp nhận" của Begum sẽ thay đổi mọi thứ cho tất cả phụ nữ trong nhà thổ. Hơn 200 người thương tiếc dự tang lễ, trong khi hơn 400 người đến dự tiệc và cầu nguyện sau tang lễ, cảnh sát trưởng Rahman nhớ lại. Đó là một cảnh tượng chưa từng có. Mọi người đã đợi đến tận đêm khuya để tham gia những lời cầu nguyện. Đôi mắt của những người hành nghề mại dâm đẫm nước mắt.

Chính quyền địa phương, các ủy viên hội đồng và lãnh đạo cảnh sát khu vực đều ủng hộ nỗ lực "phá vỡ điều cấm kỵ phân biệt đối xử này"

Jalil Fakir, một ủy viên hội đồng làng tham dự đám tang này, cho biết các đám tang cho gái mại dâm sẽ diễn ra trong một nỗ lực để đưa ra cách đối xử công bằng hơn khi họ chết.

"Rốt cuộc, tôi là ai để phán xét cô ấy. Nếu cô ấy có bất kỳ tội lỗi nào, thì chính Thánh Allah sẽ là người phán xét cô ấy ở thế giới bên kia chứ không phải bất kỳ ai trong chúng ta", ông nói.

Top