Cuộc sống nơi "địa ngục trần gian" của trẻ em "đứng đường" ở Ghana

11/06/2019 08:44

Melphia (13 tuổi) là một trong số hơn 100.000 trẻ em ở Ghana làm nghề mại dâm. Cô bé sống không gia đình trong một khu ổ chuột ở Kumasi - thành phố lớn thứ 2 của nước này. Trong 3 năm qua, cứ đến đêm, Melphia lại ra đường đón khách mà không biết tương lai mình sẽ đi về đâu.


Khách hàng của Melphia là doanh nhân, công nhân và khách du lịch nhưng cô không quan tâm đến tên tuổi của họ, mà chỉ biết những người đàn ông da trắng trả nhiều tiền hơn người Ghana. “Nếu không có người nước ngoài, nạn mại dâm trẻ em không phất đến như vậy”, Martin Opoku Sekyere - tình nguyện viên chống mại dâm trẻ em ở Kumasi nói.

Trong 2 năm qua, nền kinh tế của đất nước Tây Phi Ghana đã phục hồi trở lại, điều này cũng có nghĩa có thêm nhiều người nước ngoài tìm đến, chẳng hạn như các nhà đầu tư Trung Quốc và khách du lịch châu Âu. Tiến sĩ George Oppong, người đứng đầu chi nhánh Ghana thuộc Tổ chức phi Chính phủ Bảo vệ trẻ em quốc tế (DCI) cho rằng, không ai thực sự biết có bao nhiêu trẻ em nước này hiện đang làm gái mại dâm, chỉ có thể ước tính khoảng 100.000 - 200.000 em, trong đó nhỏ nhất mới 9 tuổi.

Melphia (áo đen) là 1 trong số hơn 100.000 trẻ em ở Ghana làm nghề mại dâm

Chuyến xe định mệnh

Melphia trông nhỏ hơn tuổi 13 của mình, bởi cô gầy, nhỏ, tay chân khẳng khiu và khuôn mặt vẫn kiểu trẻ con. Cô kể câu chuyện cuộc đời mình giữa những tạp âm đặc trưng của cuộc sống tại khu ổ chuột: Tiếng la hét của người say rượu, tiếng nhạc hip-hop phát ra từ chiếc loa cũ trong cái nóng gần 40 độ C.

Melphia mới 10 tuổi khi leo lên một chiếc xe buýt đi qua làng, cách Kumasi khoảng 1 tiếng. Vì còn nhỏ, cô bé được đi xe miễn phí và dự định xe dừng ở đâu thì   Melphia sẽ xuống đó. Nhà có 12 anh chị em nên Melphia không bao giờ được ăn no. Melphia học tiểu học tại thị trấn và học phí được bạn trai của chị gái tài trợ. Nhưng khi anh này rời quê sang châu Âu lập nghiệp, Melphia đành bỏ học và đi kiếm sống.

Chuyến xe khách hôm đó vừa dừng, gần như ngay lập tức Melphia gặp một thanh niên tên là Ali, người đầu tiên nói chuyện với cô ở Kumasi. Vài giờ sau, Melphia đã bị cướp đi đời con gái. Ali nói với cô bé rằng cô có thể kiếm tiền bằng cách ngủ với đàn ông nhưng Melphia không muốn. Cô đã thử bán kẹo, nhưng không thấy lối thoát. Sau đó, Ali dụ Melphia rằng du khách nước ngoài sẽ trả 28 USD để có thể quan hệ với một bé gái.

Câu chuyện của Melphia chưa thể xác minh nhưng có một điều rất chắc chắn: Cô bé sống một mình, không có gia đình, trong khu ổ chuột Asafo Railroad, làm gái mại dâm và mọi thứ cô sở hữu đều nằm gọn trong một chiếc túi nhỏ màu đen: Một chiếc điện thoại di động Nokia cũ với màn hình đã xước, đôi dép xỏ ngón, hai bộ trang phục, một đôi tất màu xám.

Tất cả thu nhập của Melphia đều không dành dụm được là bao vì phần lớn rơi vào túi những kẻ ma cô, trong đó có Ali, phần còn lại là tiền thuê túp lều trọ chừng 6m2 chung với 4 cô gái khác, tiền ăn bữa duy nhất trong ngày và tắm rửa. “Đây là ngành kinh doanh bất hợp pháp mà có quá nhiều người lợi dụng kiếm lợi nhuận”, ông Sekyere của DCI nói. Họ bao gồm các chủ khách sạn, những kẻ môi giới, đội quân buôn bán ma túy và cảnh sát tham nhũng, tất cả bọn họ đều hưởng lợi từ việc bán thân xác của những cô gái trẻ với giá vài euro.

“Dịch vụ tắm, thuốc thang, tiền thuê lán - mọi thứ đều do một đường dây điều hành”, ông Sekyere nói. Ông chủ ai cũng biết nhưng không ai dám thốt ra tên người đó và tay sai của ông ta ở khắp mọi nơi. Những tay cò mồi ở đây mỗi người kèm một hoặc 2 cô gái, còn gọi là “bạn gái”. Những gã “bạn trai” này chủ yếu sống dựa vào tiền từ “bạn gái” mình.

Cạnh tranh khốc liệt

Khi Melphia rời khỏi khu ổ chuột vào khoảng 21h, mọi thứ xung quanh tối om, chỉ có ánh đèn leo lét từ điện thoại di động phát sáng. Chỉ qua khoảng 500m, hiện ra một mê cung của những con hẻm nhỏ hai bên là các dãy nhà hai tầng gồm nhà hàng, khách sạn và quán bar với đủ thứ ánh sáng và âm nhạc. Melphia đi qua mặt các cô gái độ 12-13 tuổi, có trang điểm đứng bên đường hút thuốc.

Trước mặt là con đường chính, những chiếc xe khách màu đỏ thuộc Công ty VIP đang đậu. Ban ngày, những chiếc xe buýt đi đến Tamale về phía Bắc nóng nực và bờ biển phía Nam Accra. Ngay cạnh những chiếc xe khách là nơi nhiều cô gái trẻ như Melphia vẫn đứng đợi khách.

Melphia thường ngủ dậy vào lúc 5h chiều, bởi cô gái 13 tuổi này phải “tiếp khách” cả đêm, chỉ trở về phòng trọ khi mặt trời mọc và ngủ cả ngày. Melphia cứ sống cuộc đời luẩn quẩn như thế, bị kiểm soát bởi những nhóm ma cô, ông chủ nhà trọ và khách hàng, đơn giản vì bé gái nông thôn này không được đi học, thậm chí không đủ trí tưởng tượng để hình dung một cuộc sống khác hay đặt ra mục tiêu thay đổi đời mình.

Chỗ Melphia hay đứng đợi khách tuần trước đã xuất hiện gái mại dâm lớn tuổi hơn cùng nhóm côn đồ bảo vệ họ. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Ở đây có sự phân biệt khá rõ, phụ nữ bán thân ở một bên đường, còn bên kia là trẻ em. Chỉ vào những phụ nữ tầm 20-30 tuổi, Melphia nói: “Khi tôi đến tuổi như vậy, tôi muốn trở thành một y tá hoặc một thợ làm tóc hoặc có một gia đình”. Cô gái ấy thực sự không biết mình sẽ về đâu, nhưng miễn là không phải là phía bên kia đường.

Căn lều mà Melphia ở trọ chung với 4 cô gái khác

Nỗ lực không xuể

Bạo lực cũng là một phần trong cuộc sống hàng ngày của gái mại dâm trẻ em Kumasi. Vài tháng trước, một người bạn của Melphia đã bị đưa ra ngoại ô thành phố, gã khách người Ghana muốn hai người hành sự ngay ở bụi cỏ. Do từ chối, cô gái đã bị anh ta chém bằng dao rựa. Dù sống sót, cô gái giờ có một vết sẹo lớn trên má.

Tình nguyện viên Sekyere cho biết, thỉnh thoảng các cô gái cũng bị giết hại, nhưng không ai thực sự biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với họ hoặc thậm chí họ là ai. Giống như mọi thứ khác, bạo lực trong những khu vực này không được ghi nhận và người ở đây, thân ai người nấy lo, đúng như Melphia và các bạn bè của cô: Họ vừa là bạn cùng phòng, là đồng nghiệp nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh.

Mỗi ngày, Sekyere lại vào các khu ổ chuột, nói chuyện với các cô gái và cố gắng khuyên giải để họ không sống bám vào nghề “đứng đường”. Nếu một trong số họ ngã bệnh, anh đưa đến bệnh viện, sử dụng quỹ của DCI để trả hóa đơn nếu có thể. “Sẽ không có gì thay đổi nếu người ta cứ đẻ nhiều, một gia đình thậm chí có tới 15 đứa con. Cha mẹ cảm thấy thở phào khi một trong số chúng biến mất, nghĩa là họ bớt đi được một miệng ăn”, Sekyere bày tỏ nỗi lo lắng nhất của mình.

Đôi khi, ông Sekyere tìm cách đưa một cô gái vào trường học địa phương, nhưng hầu hết trong số họ lại biến mất, chỉ vài trường hợp gọi là tương đối thành công như trở thành thợ làm tóc. Công việc của ông là giúp đỡ họ trong cuộc sống hàng ngày: phân phát bao cao su, giúp họ hiểu phải biết tự bảo vệ khi có quan hệ tình dục cũng như giải thích cho họ cách quản lý tiền bạc.

Sekyere thường ghi chú tên của các cô gái vào một cuốn sổ tay: Abena (14); Mariam (10); Lydia (13); Josie (11); Melphia (13). Melphia không có Thẻ căn cước lẫn giấy khai sinh, và cuốn sổ tay của Sekyere có lẽ là giấy tờ duy nhất tên của cô bé được ghi lại. “Sinh nhật của tôi là vào tháng 5, và món quà lý tưởng nhất với tôi là vé xe khách để trở về với mẹ”, Melphia tâm sự. Cô vẫn nhớ giọng nói của mẹ. Kể từ khi rời khỏi làng, cô không có tin tức gì của gia đình và không còn số điện thoại liên lạc. Có lẽ gia đình vẫn nghĩ Melphia đang bán nước và kẹo Mentos ở Kumasi. “Nếu biết sự thật, họ sẽ từ tôi”, Melphia nói và bắt đầu khóc.

“Nếu không có người nước ngoài, nạn mại dâm trẻ em không phát triển đến như vậy. Bên cạnh đó, sẽ không có gì thay đổi nếu người ta cứ đẻ nhiều, một gia đình thậm chí có tới 15 đứa con. Cha mẹ cảm thấy thở phào khi một trong số chúng biến mất, nghĩa là họ bớt đi được một miệng ăn”.

Ông Martin Opoku Sekyere (Tình nguyện viên chống mại dâm trẻ em Ghana)

Top