Cú đổi đời ngoạn mục của người đàn ông sa ngã

06/07/2020 16:51

Lao vào ma túy, cờ bạc gần 30 năm, nhưng đột nhiên anh Phùng Văn Quyết khiến gia đình, xóm làng ngỡ ngàng khi cai nghiện chỉ sau 26 ngày.

Trong khu vườn nằm sâu trong con ngõ thuộc xã Vân An, Phúc Thọ, anh Quyết, 48 tuổi, cặm cụi xới đất, tưới hơn 40 gốc bưởi. Mặt trời đứng bóng vẫn chưa thấy chồng nghỉ, chị Nguyễn Thị Hương, 44 tuổi, vợ anh cất tiếng gọi.

"Ngày xưa anh cũng tu chí thế này thì khéo nhà mình thành tỷ phú rồi", chị Hương nói vui khi thấy chồng từ vườn đi về. Hai người vừa vào đến cửa cũng là lúc cô con gái đang học năm hai đại học bê mâm cơm bày ra bàn, miệng nói cười vui vẻ.

"Gần 30 năm lấy vợ, nhưng cuộc sống gia đình đúng nghĩa thì chỉ đến khi tôi từ bỏ được ma túy mới có", người đàn ông 48 tuổi trầm giọng.

Hàng ngày, thay vì đua theo bạn nghiện, anh Quyết nuôi đàn chó, hơn 30 con gà và trồng bưởi. "Anh vốn siêng năng nhưng ma túy biến anh thành người khác. Giờ cai được rồi, anh lại trở về đúng bản chất của mình", chị Hương, vợ anh nói

Cách đây 32 năm, khi vừa lớn lên, cậu bé Quyết theo người làng đi đào vàng ở Lào Cai. Thời bấy giờ, những bãi vàng "thổ phỉ" là vùng đất không luật pháp đồng thời là "thiên đường" của nạn nghiện hút thuốc phiện, cờ bạc và những vụ thanh toán nhau bằng luật rừng. Những lao động làm thuê cho chủ hầm, chủ bãi bị bóc lột sức lực đến cùng kiệt và thuốc phiện trở thành giải pháp cho những người muốn lại sức.

Quyết cũng không thoát khỏi vòng xoáy ấy. Sau mấy lần bị bạn bè cùng lán rủ rê "làm bi cho khỏe", anh trở thành nô lệ của "nàng tiên nâu". Cũng ở chốn thâm sơn, cùng cốc ấy, Quyết lao vào vòng xoáy cờ bạc. Bao nhiêu tiền, vàng kiếm được đều nướng vào thuốc phiện và trò đỏ đen.

Khi tiền hết, anh dạt vào Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trong cơn thèm thuốc, anh tìm đến quỹ tín dụng của xã, phá tủ khóa lấy trộm 1,8 triệu đồng. Thấy nữ kế toán đang ngủ, anh cắt luôn sợi dây chuyền trên cổ cô này. Quyết bị bắt và bị tuyên án ba năm tù giam.

Được tự do sau hai năm nhờ cải tạo tốt, anh theo anh trai lên Sơn La sống, quyết tâm làm lại từ đầu. Quyết thầu 10 héc ta đất, thuê bốn người cùng trồng ngô. Tại đây, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Hương, kém 4 tuổi, người không biết quá khứ của chồng.

Tuy chăm chỉ làm ăn, nhưng cái máu cờ bạc và nghiện ngập vẫn chảy trong cơ thể chàng trai trẻ. Chị Hương kể: "Khi sinh con tôi mới biết anh nghiện thuốc phiện. Lúc ấy kinh tế sa sút, anh thì càng lúc càng công khai tụ tập với đám bạn nghiện".

Con gái được 7 tháng tuổi, Quyết bị bắt trên đường đi mua ma túy, phải ngồi tù 30 tháng. Chị Hương địu con, mua một gói bánh, bắt xe khách 70 km đến trại thăm chồng. "Anh thương em, thương con thì cố tu tỉnh làm lại", chị vừa nói vừa khóc. Nhìn vợ con, lòng Quyết dịu lại, anh hứa ra tù sẽ từ bỏ thói hư. Nhưng đến tối, được đàn anh chỉ vô số mánh khóe để trộm được nhiều hơn mà không bị bắt, anh chỉ mong sớm tự do để "thực hành".

Lần thứ hai rời trại giam, nhiều ngày liền Quyết đi qua đêm, quên lời hứa. Trở về nhà lúc nửa đêm, thấy vợ nước mắt ướt đẫm gối, nỗi ăn năn trong anh trỗi dậy. Anh bảo chị Hương khóa trái cửa, ai đến rủ đi chơi thì đuổi hết về. Nhưng vừa xích xong, nghe có giọng quen gọi mình, anh lồng lên như thú dữ, tháo tung xích.

Một lần, cô con gái đi học về nước mắt giàn giụa. Hỏi chuyện, cô bé kể bị bạn trêu chọc, xa lánh: "Có người còn tuyên bố không cho con họ lại gần con vì 'bố nó nghiện kiểu gì cũng có bệnh".

Quyết tìm đến một cái lán trong rừng, cách nhà 3 km. Anh tự xích tay, xích chân rồi ném chìa khóa đi. Trong cơn vật thuốc, anh làm bật tung cả cửa, lăn từ trên lán cao bốn mét xuống đất. "Chân vẫn xích nên tôi bị treo ngược. Cả người lủng lẳng mà không biết đau. Tôi giằng ra làm đứt cả xích rồi chạy đi tìm ma túy", anh kể.

Có những lần lên cơn, giữa mùa đông lạnh cắt da, hàng chục lần Quyết nhảy xuống suối để chống lại cơn thèm thuốc nhưng không thể.

Từ một người sa ngã, anh trở thành trụ cột của gia đình, lo sắm sửa đồ đạc, cất giữ giấy tờ quan trọng. Anh thích mày mò sửa chữa máy móc trong nhà

"Đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cảnh con gái ngồi khóc tu tu vì giữa trưa, nó có cái xe đạp rách đi học, tôi cũng đem đi bán", anh Quyết kể. Năm 2005, tai tiếng trộm cắp của anh lan khắp nơi, vợ chồng anh buộc phải rời Sơn La về quê Quyết "làm lại từ đầu".

Bốn lần liền, anh đến một cơ sở cai nghiện tư nhân để tìm cách cai. Mỗi đợt chi phí 3,5 triệu đồng, kéo dài trong 7 ngày. Nhưng cả bốn lần, khi vừa ra khỏi trại, anh cũng rẽ xe theo hướng khác đi tìm bạn nghiện, thay vì về nhà.

Không khuyên được chồng, chị Hương xin làm công nhân ở Đức Giang, Long Biên rồi thuê nhà trọ sống. Chị gửi con cho ông bà nội, mỗi tháng chỉ về nhà một lần.

Quyết tự đẩy mình ra xa vợ con. Người làng nhìn thấy anh không dám lại gần. Trẻ con nhìn người đàn ông xanh xao, gầy gò thì sợ hãi. Một mình trong căn nhà tranh trống hoác, anh kê ba viên gạch làm bếp nấu ăn bởi cái kiềng nấu bếp anh cũng lấy đi bán sắt vụn đổi ma túy, chỉ giữ lại hai cái xoong rách.

Hy vọng chỉ đến với anh cách đây năm năm. Lúc đó, một người chuyên bán ma túy cho Quyết đột nhiên biệt tích cả năm trời. Khi trở về, gã giang hồ bỗng khỏe khoắn, điềm đạm khiến anh kinh ngạc. Hỏi ra, Quyết biết người này đã cai nghiện thành công. "Nhìn một người từng bị cả làng ghét bỏ như mình bỗng nhiên được mọi người quý mến, tôi thèm khát", anh nói. Anh Quyết xin đi theo thì được dẫn đến cơ sở cai nghiện tại Thọ Lộc, Phúc Thọ.

Đến đây, anh thấy tất cả nhân viên - đều là người từng nghiện ma túy như mình - ai cũng vui vẻ, khỏe mạnh. Họ được thay đổi nhờ tình yêu thương và ý chí quyết tâm.

"Tôi từng cai nghiện nhiều nơi nhưng chưa ở đâu mọi người chân tình với tôi đến vậy. Có anh em hỏi tôi buồn nhức ở đâu để xoa bóp giúp, có người hỏi tôi muốn ăn gì để mua cho. Một số anh em giặt quần áo cho tôi", anh kể.

Lần đầu tiên sau gần 30 năm, có người ở bên săn sóc, quan tâm, Quyết khóc vì cảm động. Hơn 20 ngày vật vã, Quyết hết thèm thuốc. Đến ngày thứ 26, anh xin rời cơ sở.

Thấy anh về, bạn nghiện kéo đến, bày ma túy ra "chơi" như thường lệ. Anh tuyên bố: "Các chú đã đến thì anh cho chơi hết hôm nay, nhưng từ mai đừng đến nhà anh nữa. Anh bỏ ma túy rồi".

Anh hứa với vợ bỏ rượu, bỏ ma túy, không cờ bạc mà chí thú làm ăn. Chị Hương nói: "Anh được thế thì phúc. Hai năm anh còn chả cai được nữa là 26 ngày".

Không được vợ tin tưởng, anh Quyết lẳng lặng chặt bỏ hai sào chuối để trồng bưởi. Cả ngày anh lúi cúi ngoài vườn đến chiều muộn. "Anh ấy thay đổi 180 độ, như thành một con người khác hoàn toàn. Anh quan tâm vợ con, sống tình cảm, nói năng nhẹ nhàng chứ không cộc cằn, thô lỗ như trước", người vợ nhận xét.

Với hai sào đất bố mẹ để lại, anh Quyết dùng trồng bưởi, mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Điều anh hối hận nhất trong những năm tháng sa ngã không phải tiền bạc mà phung phí sức khỏe, làm tổn hại đến gia đình và xã hội

"Từng giúp đỡ nhiều người cai nghiện thành công, nhưng tôi chưa thấy ai có thể thay đổi nhanh và ngoạn mục như anh ấy. Điều đó chứng tỏ anh Quyết có ý chí rất lớn", anh Bùi Ngọc Minh, quản lý cơ sở cai nghiện ở Phúc Thọ cho biết.

Hiện, mỗi năm, chỉ vườn cây ăn quả, anh Quyết có thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Có vốn, anh nuôi thêm vài chục con gà, chó, lợn, trồng thêm hoa màu. Đến năm 2017, gia đình anh trả hết nợ, gia đình bắt đầu có tích lũy. Cộng với đồng lương công nhân hơn 10 triệu đồng/tháng của vợ, họ mua được xe tay ga, sắm sửa nội thất trong nhà, cho con gái học đại học.

Muốn cảm ơn cơ sở cai nghiện đã giúp mình hoàn lương, anh Quyết bàn với vợ hiến hơn 200 m2 đất, giá trị khoảng hơn 400 triệu đồng - xây dựng cơ sở mới - để giúp những người lầm lỡ như mình sớm quay đầu. "Với vợ chồng tôi đó cũng là số tiền lớn. Nhưng tôi nghĩ, nếu không cai nghiện được, thì có nhiều tiền, nhiều tiền hơn nữa, gia đình tôi cũng chẳng thể trọn vẹn như bây giờ", anh nói.

Cơ sở cai nghiện được xây dựng trên mảnh đất của gia đình anh Quyết đang là nơi trao cơ hội làm lại cuộc đời cho 10 học viên. Hàng ngày, ngoài công việc trồng trọt, chăn nuôi, anh thức đêm cùng các nhân viên trong cơ sở xoa bóp, bấm huyệt và động viên những người đang vật lộn cai nghiện.

Thay vì một tháng về một lần như trước, cứ cuối tuần, chị Hương và con gái lại đoàn tụ cùng anh trong căn nhà ba gian đầy đủ tiện nghi. Chị không phải về lúc đêm khuya, đi lúc rạng sáng vì xấu hổ như ngày chồng nghiện ngập.

Bà Đặng Thị Hương, Phó trưởng thôn 6, xã Vân An, Phúc Thọ từng nghĩ lần cai nghiện ở cơ sở tại Thọ Lộc của anh Quyết sẽ giống hàng trăm lần trước. Nhưng theo dõi suốt năm năm, bà khẳng định người đàn ông này đã thực sự thay đổi. "Chú Quyết đã cai được nghiện, chí thú làm ăn. Giờ kinh tế gia đình chú ấy hơn khối người trong thôn", bà nói.

Anh Quyết tự nhận mình may mắn, vì khi cai nghiện trở về, vẫn còn vợ con, nhà cửa. "Có những người sa ngã như tôi, khi quay đầu thì đã mất tất cả. Người tôi biết ơn nhất chính là vợ và con gái. Họ luôn ở đây, dang tay đón nhận và yêu thương tôi vô điều kiện", anh nói.

Top