Chuyện về những thanh niên trong trại cai nghiện

15/01/2020 09:13

Gần 1.000 người hiện đang được điều trị tại Trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh, trong đó có đến 61,8% thuộc độ tuổi thanh, thiếu niên. Mỗi người một số phận, một tính cách, nhưng cuối cùng, trớ trêu thay, bởi vướng vào ma túy, họ lại gặp nhau tại nơi này.

Các nữ học viên lao động phục hồi sau cắt cơn

Chuyến công tác tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh vào cuối tháng 12/2019, thật khá bất ngờ với chúng tôi là hình ảnh một cô gái trẻ xinh xắn khoác trên mình trang phục học viên. 20 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, phía trước là tương lai rộng mở. Trong khi chúng bạn đang vẫy vùng thực hiện những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ, thì cô đành chấp nhận tạm dừng chân trong cơ sở cai nghiện. D. không nghiện heroin hay ma túy đá, thứ mà cô từng sử dụng là kẹo ke, bóng cười, thứ mà nhiều bạn trẻ vẫn vô tư sử dụng trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với bạn bè mà chẳng hề nghĩ rằng, một ngày nào đó mình sẽ trở thành con nghiện.

Khi được hỏi tại sao lại sử dụng những thứ ấy, D. vô tư trả lời “một người chị xã hội thường xuyên rủ em đi chơi cùng bạn bè chị và những lần như thế đều cho em dùng cùng. Khi sử dụng chúng, em luôn có cảm giác phê pha, muốn nghe nhạc, muốn vui với mọi người”.

Điều đáng nói là D. nghiện bóng cười đã 4 năm, từ khi em mới 16 tuổi, “Đêm em đi chơi, sáng lại về đi học”, D. nói, nhưng bố mẹ lại không hề hay biết. Chỉ đến khi thấy em có những biểu hiện bất thường, thường xuyên xuất hiện ảo giác, bố mẹ mới phát hiện ra và âm thầm đưa em đi cai nghiện. Từ những lần đầu chỉ dùng 4-5 quả bóng một ngày, cho đến trước khi vào cai nghiện, D. dùng đến 2 bình khí cười một ngày. “Lúc ấy, em luôn có cảm giác ai đó đang nói chuyện vào tai mình, khiến em sợ hãi, ngày đêm đều không thể ngủ được”, D. nhớ lại.

Sau 4 tháng điều trị, D. đã tỉnh táo trở lại, em đã nghe được những thanh âm vui vẻ của cuộc sống và bắt đầu nghĩ đến những dự định sau khi rời khỏi nơi này. “Em sẽ đi học nghề spa và làm lại cuộc đời để quên đi những tháng ngày lầm lỡ này”, D. chia sẻ.

 Học viên học nghề đan lưới trong giai đoạn điều trị phục hồi

Ở một khu điều trị khác, chúng tôi gặp N., một thanh niên cao, đẹp trai, mới hoàn thành điều trị cắt cơn, đang trong giai đoạn phục hồi. 29 tuổi, ma túy đá đã biến một chàng trai khỏe mạnh trở nên gầy gò, tiều tụy. Sau 4 tháng điều trị, ánh mắt N. vẫn vô hồn, luôn lảng tránh cái nhìn của người khác. Khi không có người hỏi chuyện, N. thỉnh thoảng vẫn tự cười ngây ngô, đôi tay đan vào nhau vẻ bứt rứt. Lúc ở nhà, N. làm nghề nấu rượu, số tiền thu được không đủ để mua thuốc hút, cậu lại vay mượn để dùng. Cũng giống như D., bố mẹ N. chỉ phát hiện con mình nghiện khi N. nhiều ngày không ngủ, có thể chơi game thâu đêm suốt sáng ngày này qua ngày khác, nhưng lại sợ ánh sáng.

D. và N. chỉ là hai trong số vài trăm học viên là thanh, thiếu niên đang được điều trị tại Cơ sở cai nghiện tỉnh. Mặc dù các học viên đều thực hiện tốt các nội quy, quy định của Cơ sở trong quá trình điều trị, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sau khi trở về cộng đồng, các đối tượng này có thực sự không tái nghiện. Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết: Thực tế trong rất nhiều năm qua cho thấy, nhiều người quay lại điều trị chỉ sau vài tháng trở về địa phương, thậm chí có người quay lại đến 2,3 lần.

Cả D., N. và rất nhiều trường hợp thanh, thiếu niên nghiện ma túy khác đều có chung hoàn cảnh là gia đình chỉ phát hiện ra khi các em, đã nghiện nặng đến vài năm. Sự thiếu quan tâm của gia đình, sự thiếu kiên quyết của bản thân, phải chăng chính là một trong những nguyên nhân khiến các em không thể vượt qua những cám dỗ của xã hội, ngày càng lún sâu vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy.

Top