Cảm hóa người lầm lỗi bằng cái tâm

20/08/2020 09:28

“Về lý mà nói thì các phạm nhân vi phạm pháp luật chứ không phải có lỗi với mình. Nhưng khi vào đây, chịu sự quản lý, giáo dục của mình mà vi phạm thì phải gọi lên nhắc nhở và tìm hiểu xem căn nguyên từ đâu. Mình cứ lấy cái tâm của mình nói chuyện, có lý, có tình ắt họ phải nghe thôi”. Đó là chia sẻ của Đại tá Phạm Xuân Kiểm, Phó giám thị trại giam Ninh Khánh, Bộ Công an trước câu hỏi của chúng tôi về 2 trường hợp phạm nhân “cứng đầu” nhưng khi về phân trại do anh phụ trách đã trở nên tiến bộ.

Đại tá Phạm Xuân Kiểm đang hướng dẫn cách làm may cho các phạm nhân trong phân trại

Hai phạm nhân liên tục vi phạm nội qui, được điều chuyển hết phân trại này tới phân trại khác mà nhắc tên, đến phạm nhân cũng biết đó là Vũ Mạnh Tường, SN 1987, trú tại thôn Dương Độ, xã Đông Sơn, huyện Nam Trực (Nam Định) và Trần Bá Lượng, SN 1982 ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Tường phạm tội giết người, cố ý gây thương tích nên bị kết án17 năm tù giam còn Lượng thì đi trại cải tạo bản án 9 năm 2 tháng tù giam về tội mua bán và tàng trữ ma túy.

Đây có thể gọi là hai trường hợp phạm nhân “cá biệt” bởi vì cái tính bướng bỉnh, liên tục vi phạm nội qui, thậm chí còn gây thêm tội khi đang trong trại cải tạo mà cả hai bị điều chuyển hết đội này sang đội khác và chuyển từ phân trại này sang phân trại khác nhưng tính nết vẫn không sửa đổi. Thế nhưng từ khi về phân trại số 2 cải tạo lao động, họ lại trở nên biết điều hơn mà bằng chứng là cuối năm 2019, Vũ Mạnh Tường lần đầu tiên được xét giảm án còn với Trần Bá Lượng thì đó là lần thứ hai anh ta được giảm án.

Có được hôm nay là nhờ công Ban Kiểm

Nói về việc lần đầu tiên có tên trong danh sách đề nghị xét giảm án, Tường khoe đó là nhờ được Ban Kiểm “khai thông tư tưởng”. Ban Kiểm mà Tường nhắc chính là Đại tá Phạm Xuân Kiểm, Phó giám thị trại giam Ninh Khánh, phụ trách phân trại 2, nơi phạm nhân Tường đang cải tạo.

Do nhiều lần vi phạm nội quy nên Tường được nhận xét là phạm nhân yếu kém, được điều chuyển từ phân trại 1 về phân trại do Đại tá Kiểm phụ trách. Ngày đầu về nơi ở mới, chỗ làm mới, Tường đã được Đại tá Kiểm gọi lên nói chuyện. Nhớ lại ngày đó cách đây 3 năm, Tường kể: “Lúc đầu tôi cũng thấy bình thường vì việc được cán bộ gọi lên làm việc cũng nhiều rồi. Nhưng khi gặp Ban Kiểm, nhìn nét mặt, dáng ngồi của Ban, tôi có cảm giác như ông ấy là bố mình. Cách nói chuyện và những lời phân tích của ông khiến tôi có cảm giác như lời dạy dỗ của một người cha vẫn chưa mất hết hy vọng vào đứa con hư hỏng, mắc nhiều lầm lỗi như tôi. Sau lần gặp đó, tôi còn hai lần được Ban gọi lên nói chuyện nữa nhưng chủ yếu là khen thôi. Từ đó mà tôi quyết tâm làm lại”.

Nhắc lại những sai lầm của mình trong chuỗi vi phạm phải chịu kỷ luật đề rồi lỡ hẹn với rất nhiều lần giảm án, nam phạm nhân này tỏ ra không hề giấu giếm. Tường bảo tại tuổi trẻ ngông cuồng, thích thể hiện rồi sau đó là những tiêu cực.

“Lần đầu tiên tôi vi phạm là nhặt được một chiếc điện thoại đem giấu đi, tính để sử dụng vào việc cá nhân nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt. Lần đấy ngoài viết kiểm điểm ra, tôi phải ở buồng kỷ luật mất 10 ngày”, Tường kể.

Anh ta bảo nhớ nhất lần bị kỷ luật này bởi còn đúng 1 ngày nữa là Tường đủ thời gian được xét giảm án lần đầu, nhưng vì vi phạm nên không được. Sau lần lỡ trớn ấy, Tường nảy sinh tư tưởng tiêu cực nên  số lần vi phạm nội qui, đánh nhau và liên quan đến những vật cấm cứ theo thời gian cải tạo mà dày lên.

Nhắc đến phạm nhân này, Đại tá Phạm Xuân Kiểm tâm sự: “Khi tiếp nhận phạm nhân này về phân trại, tôi muốn tìm hiểu xem lý do vì sao anh ta lại bỏ lỡ nhiều cơ hội được xét giảm án như thế nên rút hồ sơ về đọc rất kỹ. Biết anh ta là con út, được bố mẹ nuông chiều, thời gian trong trại cải tạo thì bố mất nên chắc chắn tâm lý bị ảnh hưởng. Sau khi biết rõ về gia cảnh của anh ta, tôi cho gọi lên nói chuyện”.

Đại tá Phạm Xuân Kiểm bảo mỗi phạm nhân phải có một cách nói chuyện khác nhau, có người thì nghiêm khắc mà phân tích điều hơn lẽ thiệt song cũng có người phải động viên, khích lệ  và chia sẻ, vỗ về. Riêng với trường hợp “chiến tích” đầy mình đang tìm cách phá phách, nổi loạn vì sự trống trải tâm hồn vì cái chết đột ngột của người cha như phạm nhân Tường thì Đại tá Kiểm lại phải có “đối sách” khác.

Đoán biết Tường đang cố tỏ ra bất cần để che giấu sự yếu mến, đau đớn trong lòng, anh đã gọi Tường lên, dùng cái uy của một người đáng bậc cha chú để trò chuyện. Sự chân tình đầy vị tha của anh giống như lời nói của một người cha dành cho đứa con hư khiến phạm nhân cứng đầu như Tường cảm nhận giữa hai người không có sự cách biệt.  Tường nhận ra lẽ phải, từ đó mà cải tạo tiến bộ rõ rệt.

Hết mình vì công việc

Nếu chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài của Đại tá Phạm Xuân Kiểm và cách nói chuyện giản dị, hài hước và ánh mắt nghiêm nghị thì sẽ nhiều người lần đầu tiếp xúc cảm giác anh là một thầy giáo nghiêm khắc. Thế nhưng qua cách nói chuyện của anh và nhất là khi nghe anh nói chuyện với những phạm nhân bướng bỉnh, hay vi phạm kỷ luật thì thấy đằng sau cái vẻ bề ngoài tưởng như nghiêm khắc ấy là một tấm lòng cởi mở chứa chan hy vọng sự lương thiện trong mỗi con người, cho dù đó là những người lầm lỗi, thậm chí tưởng như không thể sửa chữa.

Tâm sự với chúng tôi về công việc của mình, Đại tá Kiểm bảo: “Không phải người nào vào đây cũng xấu cả. Có người biết sửa lỗi và quyết tâm sửa lỗi. Mình dùng tình cảm và sự chân thành của mình để cảm hóa họ. Mình thoải mái để tạo sự hòa đồng cho phạm nhân nhưng không có nghĩa là dễ dãi”. Là một lãnh đạo đi lên từ cơ sở với những công việc từng kinh qua như: Trinh sát phân trại, cán bộ giáo dục rồi làm đội trưởng trinh sát, phó giám thị phụ trách giáo dục…hơn ai hết Đại tá Phạm Xuân Kiểm thấu hiểu công việc của người cán bộ trại giam chẳng khi nào có chữ bình yên, phẳng lặng.

35 năm công tác trong lĩnh vực quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, Đại tá Kiểm không đếm hết số lần lỗi hẹn cùng gia đình, người thân bởi những công việc bất chợt, đột xuất xảy ra. Anh bảo lính trại giam rất thiệt thòi vì luôn phải sống xa gia đình, ít khi có dịp đoàn tụ với vợ con nhất là dịp lễ Tết. Thế nhưng đã là công việc thì phải làm tốt nhiệm vụ được giao và vì thế chỉ mong người thân thông cảm và thấu hiểu cho sự đặc thù nghề nghiệp của mình.

Top