Bên trong những nhà tù nhân văn nhất thế giới

24/10/2014 13:55

Tại Na Uy, các phạm nhân thụ án không liên quan đến các vấn đề bạo lực sẽ được đưa đến các nhà tù mở, trong đó phạm nhân được tự do đi lại, rèn luyện thể chất, làm những việc mình ưa thích... Bên cạnh đó, phương tiện giải trí và tiện nghi trong tù không khác gì ở ngoài xã hội.

Cuộc sống không khác ngoài xã hội

Tọa lạc tại ven sườn một khu rừng phía đông nam Na Uy, trại giam Halden Fengsel với sức chứa 252 tù nhân bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2010. Đây là nhà tù sang trọng và mang tính nhân văn bậc nhất thế giới.  Quá trình xây dựng trại giam kéo dài 10 năm, với tổng chi phí là 250 triệu USD.

Tại Halden Fengsel, các phòng giam đều có nhà tắm riêng, tủ lạnh và TV màn hình phẳng. Bản án tối đa dành cho mọi phạm nhân tại quốc gia này là 21 năm. Đa phần tù nhân đều được trở về với cộng đồng, nên các kiến trúc sư tham gia thiết kế Halden Fengsel muốn tạo không gian đặc biệt, giúp tù nhân có cảm giác gần gũi với thế giới bên ngoài. “Điều quan trọng nhất là nhà tù trông càng giống xã hội bên ngoài càng tốt”, Hans Henrik Hoilund, một kỹ sư thiết kế, nói với với tạp chí Time.

 

Một căn phòng tại Halden Fengsel- Ảnh Trond Isaksen/Statsbygg


Cứ 10 - 20 phòng giam sẽ có một nhà bếp và phòng khách chung. Tại đây, phạm nhân sẽ cùng chuẩn bị bữa tối và thư giãn sau một ngày lao động. Người ta không tìm thấy bóng dáng của những chấn song sắt tại nhà tù Halden Fengsel


Các phạm nhân có thể tham gia nhiều hoạt động thể thao như bóng rổ, leo núi trong nhà, chạy bộ và đá bóng

 Halden Fengsel còn sở hữu một phòng thu chuyên nghiệp. Các giáo viên âm nhạc dạy phạm nhân chơi piano, guitar, trống bongos và nhiều loại dụng cụ khác. Phương châm hoạt động của trại giam là không đàn áp và đối xử tàn bạo với tù nhân mà giúp họ tăng khả năng tái hòa nhập cộng đồng


Cây xanh, ghế dài, bàn cờ đá cùng con đường mòn trải dài trong khuôn viên trại giam có diện tích 30 ha. Theo một kiến trúc sư, việc trồng cây sẽ giúp phạm nhân cảm nhận rõ sự thay đổi của tất cả các mùa trong năm


Các phạm nhân tại Halden Fengsel vẫn hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trại giam có hẳn một bệnh viện nhỏ và phòng khám răng

Nhân viên an ninh tại trại giam sang trọng Halden Fengsel của Na Uy không mang súng mà dành thời gian cho việc ăn uống và chơi thể thao cùng phạm nhân

Quản giáo tại Na Uy phải tham gia quá trình đào tạo trong hai năm tại học viện dành cho sĩ quan. Họ đều tự nguyện theo đuổi công việc này. “Mục tiêu của nhân viên an ninh là đem lại cho phạm nhân một cuộc sống ý nghĩa bên trong những bức tường. Sự ấm áp tình người có thể đem tới tác động lâu dài tới tù nhân- chứ không phải những chiếc TV đắt tiền”, Charlott-Renee Sandvik Clasen, một giáo viên dạy nhạc đồng thời là nhân viên an ninh của Halden Fengsel, chia sẻ.

Nhà tù như khu nghỉ dưỡng

Đảo Bastoy nằm cách thủ đô Oslo của Na Uy 75km về phía nam. Từ nhiều năm nay, nó được người dân địa phương đặt cho tên gọi là hòn đảo của hy vọng. Đây là nơi chính phủ Na Uy "chọn mặt gửi vàng" xây dựng nhà tù trên đảo đầu tiên với 120 tù nhân. Nhà tù Bastoy không giống với bất kỳ mô hình nhà tù nào khác trên thế giới. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi những người lần đầu tiên đặt chân đến nhà tù này, đều nhầm tưởng đây là khu nghỉ dưỡng.

Gọi là nhà tù, nhưng các tù nhân không hề bị giam giữ trong các phòng giam. Tại đây, họ được phép tự do đi lại, dạo chơi hay làm những công việc theo ý thích. Tại đây không có hệ thống camera tự động theo dõi 24 giờ, việc đảm bảo an ninh cho trại giam này chỉ trông chờ vào 70 nhân viên nhà tù, trong đó có 35 người làm nhiệm vụ canh gác.

Một tù nhân đang nằm phơi nắng tại Đảo hy vọng

Trong nhà tù này, các tù nhân có khu chơi thể thao như sân tennis, sân bóng đá, bể bơi bốn mùa, khu chuồng ngựa. Ngoài ra, các tù nhân còn có thể thoải mái thưởng thức các dịch vụ khác như phòng xông hơi, phòng chiếu phim, thư viện với hàng trăm đầu sách và thỏa thích truy cập internet. Các nhà chức trách cũng cho xây dựng trên đảo rất nhiều bốt điện thoại để các tù nhân có thể gọi điện cho những người thân.

Tại Bastoy, mỗi tù nhân được phép chọn một ngành nghề mà họ muốn học. Các nhân viên trông coi nhà tù sẽ hướng dẫn họ cho đến khi thành thục. Sau đó, các tù nhân sẽ làm công việc đó như một cách để kiếm tiền. Có đủ các loại ngành nghề, từ những nghề đòi hỏi sự khéo léo như thợ mộc, đầu bếp, giặt là cho đến những nghề cần đến sức khỏe như chèo thuyền, đánh cá hoặc sửa chữa xe đạp. Điều đáng nói là ngoài thời gian lao động trong ngày, các tù nhân có khá nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tham giam các hoạt động thể thao.

Dù được các tù nhân hết lời ca ngợi, nhưng việc xây dựng và duy trì một mô hình nhà tù kiểu mới như Bastoy đã vấp phải không ít những ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người dân tỏ ra bất bình khi thấy những tù nhân, từng là những tên tội phạm nay có thể ung dung tận hưởng một cuộc sống thoải mái và đầy đủ tiện nghi. Những người này cho rằng chính phủ Na Uy đang lãng phí tiền thuế của người dân để đầu tư vào những thành phần "cặn bã" của xã hội thay vì hỗ trợ người nghèo.      

Một tù nhân đang học nghề để trở thành đầu bếp

Song, những người đề xuất ý tưởng xây dựng nhà tù kiểu mẫu Bastoy lại cũng có những lý lẽ của riêng mình. Những người này cho biết, trong những nhà tù kiểu cũ của Na Uy, các tù nhân thường bị giam cầm trong những phòng giam chật hẹp và đôi khi bị đối xử không khác gì những con vật. Chính điều này khiến cho những tù nhân cảm thấy bị xúc phạm và thường có xu hướng tái phạm tội sau khi được ra tù. Điều đáng nói là trong luật pháp Na Uy, không có án tử hình hay tù chung thân, mà mức phạt cao nhất chỉ là 21 năm. Vì vậy, các nhà chức trách lo sợ nếu môi trường cải tạo không tốt, sẽ khiến các tù nhân dễ lặp lại tội ác.

Một lý do thuyết phục khác để phát triển mô hình nhà tù Bastoy đó là mức chi phí điều hành nhà tù này thấp hơn nhiều lần so với những nhà tù kiểu cũ. Quản lý nhà tù Bastoy cho biết, họ tiết kiệm được tiền điện nhờ sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trên đảo và tiết kiệm được tiền lương phải trả, do cần ít nhân viên trông coi nhà tù hơn. Điều quan trọng là, nhà tù có một nguồn thu nhập ổn định từ việc bán các sản phẩm hoặc dịch vụ mà các tù nhân sản xuất. Vị quản lý này cũng cho biết, nhà tù Bastoy là một mô hình nhà tù nhân văn và cần được nhân rộng để thay thế những nhà tù cũ đã lỗi thời. "Chúng tôi cho phép các tù nhân tự do nhưng trong khuôn khổ. Không hề có tình trạng bạo lực, gây rối hay dùng chất kích thích. Bởi, chúng tôi thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giúp các tù nhân gắn kết với nhau hơn".

Top