Bên trong một cơ sở cai nghiện ma tuý

01/07/2019 13:29

Nằm biệt lập cách xa khu dân cư, xung quanh được thiên nhiên ưu ái bao bọc là núi, duy nhất chỉ có một con đường vào ra đắc địa, Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Ninh Bình rất thuận lợi cho công tác tiếp nhận, quản lý, cắt cơn giải độc, lao động trị liệu, phục hồi sức khoẻ, tư vấn và hỗ trợ học nghề để học viên tái hoà nhập cộng đồng.

Cán bộ y tế thăm khám sức khoẻ cho học viên tại Khu Y tế khám chữa bệnh, cắt cơn giải độc

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình đóng trên địa bàn thôn I, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Cơ sở đang quản lý 260 học viên (trong đó có 240 học viên bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP; 20 học viên tự nguyện).

Để thực hiện tốt công tác điều trị cho người cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy Ninh Bình chú trọng các khâu, từ công tác tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc đến giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách, giai đoạn lao động trị liệu, học nghề cho học viên cai nghiện.

 Phòng điều trị cắt cơn, giải độc được gắn camera để các y bác sĩ tiện theo dõi

Ngoài kinh phí hỗ trợ cho ăn uống, tiền thuốc men, học viên cai nghiện tại Cơ sở còn được hỗ trợ tiền mua sắm vật dụng sinh hoạt, tiền sinh hoạt văn hoá thể dục, thể thao, tiền điện nước... Công tác tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, đạo đức, phục hồi nhân cách nâng cao trình độ học vấn cũng được Cơ sở chú trọng gắn với việc tổ chức các lớp tư vấn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn pháp luật. Tổ chức dạy xóa mù chữ cho 100% học viên, từ đó công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

 Cán bộ y tế thăm hỏi, thực hiện các biện pháp tâm lý giúp người nghiện bớt lo âu, giảm hội chứng cai, hiểu được tác hại và hậu quả của việc sử dụng ma tuý

Để bảo đảm an ninh trật tự, hàng năm, Cơ sở xây dựng các phương án bảo đảm tình hình an ninh trật tự, chống trốn, chống thẩm lậu. Cán bộ Cơ sở luôn bảo đảm các vị trí làm việc 24/24 giờ. Từ năm 2007 đến nay, Cơ sở không để xảy ra các vụ lộn xộn, kích động, bạo loạn mang tính tập thể. Cơ sở giữ vững an ninh trật tự cả con người và tài sản nhà nước, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện gây lộn xộn trong Học viên. Hàng cấm, hàng thẩm lậu đặc biệt là ma tuý được kiểm soát chặt chẽ.

Khu nhà ở của học viên được giữ sạch sẽ, thoáng mát. Cán bộ của Cơ sở thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng cấm, hàng thẩm lậu

Đặc biệt, tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình, các học viên được tổ chức tham gia lao động trị liệu và được phân công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, giới tính. Lao động trong Cơ sở nhằm mục đích trị liệu, giúp cho học viên nhận thức được giá trị của lao động và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy. Thời gian lao động của học viên không quá 4 giờ/ngày, lao động các cuối tuần, ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Hiện Cơ sở đang tổ chức cho học viên phục hồi trị liệu bằng tập trị liệu, lao động trị liệu như: may túi siêu thị và đan bèo bồng và chăn nuôi, trồng trọt.

 Tại khu nhà dạy nghề, lao động trị liệu, các học viên may túi siêu thị

Đảo tay đan lát thoăn thoắt, học viên Nguyễn Mạnh T., 28 tuổi, xã Ninh Phúc, TP.Ninh Bình cho biết, anh T. thuộc diện cai nghiện bắt buộc, vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình mới được 1 năm. Những ngày đầu, anh T. được các cán bộ, y, bác sĩ chăm sóc sức khỏe ân cần, hỗ trợ anh vượt qua những lúc vật vã, cắt cơn. Qua được giai đoạn thử thách ấy, anh T. bắt đầu thấy tinh thần, thể chất khá hơn. Anh muốn lao động, bắt đầu nuôi mầm ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp đang chờ đợi phía trước.

 Những học viên khéo tay sẽ làm việc trong các tổ đan lát, chuyện sản xuất các loại sản phẩm thủ công như giỏ đựng hàng, hộp đựng hoa quả...

Để những học viên như anh T. tự tin tái hòa nhập với cộng đồng, Cơ sở đã tổ chức các lớp dạy nghề bằng nguồn kinh phí do tỉnh Ninh Bình hỗ trợ, trang bị cho các học viên hành trang nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội sau khi tái hoà nhập cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Cơ sở đã tổ chức dạy nghề cho gần 300 học viên.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Lê Tiến Đạt, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình cho biết, học viên ở Cơ sở có 10-15% bị nhiễm HIV/AIDS, do sử dụng ma tuý nên tỷ lệ mắc các bệnh nội khoa như: lao phổi, viên gan B…cao, khi mới tiếp nhận vào Cơ sở sức khoẻ yếu. Đặc biệt, hiện nay, do người nghiện hiện nay thường sử dụng ma tuý tổng hợp, đá, cỏ Mỹ nên sau cai cắt cơn khoảng 5-10% học viên mắc bệnh hoang tưởng gây khó khăn trong công tác quản lý …

 Hướng nghiệp cho các học viên cai nghiện để họ có thể tự tìm việc làm, thích nghi với đời sống xã hội sau khi tái hoà nhập cộng đồng

Các đối tượng đưa vào cai nghiện bắt buộc đa phần tuổi đời còn trẻ, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 75-80% nên thường có tư tưởng, tâm lý không ổn định, dễ bị kích động, liều lĩnh, nhiều trường hợp bị ngáo có những hành động khó lường... một số trường hợp thường xuyên không chấp hành quy định của cơ sở và tìm cách trốn khỏi cơ sở, nên việc quản lý, giáo dục và hướng nghiệp cho học viên còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với công tác cai nghiện tự nguyện gặp nhiều khó khăn do người cai nghiện không muốn đi cai, thường lẩn trốn khi gia đình có ý định cho đi cai tự nguyện. Khi vào làm hợp đồng cai nghiện thì thuận lợi, nhưng sau 15-20 ngày cắt cơn, giải độc xong người cai nghiện tự nguyện luôn đòi thanh lý hợp đồng để về và đưa ra nhiều lý do, không chấp hành nội quy quy định và sự quản lý của cán bộ Cơ sở.

 Buổi sáng thể dục, buổi chiều từ 15h30 các học viên tham gia thể thao các môn, bóng đá, bóng bàn, cầu lông…

Tuy nhiên, với mục tiêu đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy, các cán Cơ sở luôn nhận thức rõ về vai trò quan trọng của mình trong việc trực tiếp hỗ trợ, giúp học viên cai nghiện thành công và có thể tự tin hòa nhập cộng đồng.

Ông Lê Tiến Đạt cho biết thêm: Chúng tôi luôn tâm huyết với nghề, xác định Cơ sở là ngôi nhà chung ấm áp tình người. Để cảm hóa phần lầm lỗi trong mỗi học viên, đưa họ trở về với gia đình xã hội, các cán bộ, nhân viên cơ sở và những học viên phải thực sự như anh em một nhà mới có thể lắng nghe, thấu hiểu để đùm bọc, nâng đỡ nhau cùng vượt qua những khoảng thời gian khó khăn của một đời người, hướng tới một tương lai tươi sáng…

Top