Bản Poọng hồi sinh sau “cơn lốc trắng”

03/09/2015 09:37

Một thời, huyện miền núi giáp biên Mường Lát (Thanh Hóa) được xem là điểm nóng của ma túy và HIV. Xóm làng xác xơ, nhiều gia đình tan tác, nhiều thanh niên bị “cơn lốc trắng” cuốn vào vòng tội lỗi. Giờ đây, những bản làng hun hút “tệ nạn” như bản Poọng, bản Cò Cài... đang dần hồi sinh.

Nhà của chị Báo giờ đã có ti vi, quạt điện và tủ đông để làm kinh tế

Tủ lạnh, ti vi, loa đài... đủ cả!

“Nếu không có người quen dẫn vào, thì chị không nên đến bản Poọng (xã Tam Chung, huyện Mường Lát - PV) vào ban đêm. Tốt nhất là liên lạc với cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung hoặc đi với người bản địa”. Lời cảnh báo của người bán hàng tạp hóa ở thị trấn khi biết tôi có ý định vào đây khiến tôi bắt đầu thấy... sợ.

Thế nhưng 8h tối, bám xe một người dân bản địa, tôi quyết định đến “điểm nóng” bản Poọng. Con đường dẫn vào bản Poọng chỉ dài gần 7km nhưng đi mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Cơn mưa cách đấy vài hôm, cộng với vết xe ô tô cày xới khiến nhiều đoạn bùn lầy ngập ngụa. “Đường ở đây kinh lắm, nắng ráo thì khoảng 1 tiếng đồng hồ đến nơi nhưng mưa thì không biết đến bao giờ” – Thành, người dẫn đường cho tôi vừa xoạc hai chân trong bùn giữ xe thăng bằng, vừa kể.

Trong đêm tối mờ mịt, bản Poọng hiện ra với khoảng dăm chục nóc nhà sàn. Trong ánh điện le lói hắt ra từ các căn nhà, tiếng ti vi văng vẳng. Nhiều thanh niên thấy người lạ đến đều kéo ra, ánh mắt tò mò. Tạt vào ngôi nhà đang mở kênh phim nước ngoài HBO ngay cạnh đường, chúng tôi ngạc nhiên khi gặp lại người quen. Hoàng Thị Báo, người đã từng gặp chúng tôi cách đây vài ba năm trong ánh đèn dầu leo lét, nay đã có căn nhà khang trang hơn. Nhà chị Báo đã có ti vi, quạt điện chạy vù vù và đặc biệt còn có cả tủ đông để bán hàng. “Tủ đông này chị mua từ bao giờ”? - tôi hỏi. “Từ khi có điện thì mua, 5 triệu đấy. Vay ngân hàng, mua để chạy đá lạnh, bán kem. Hồi đầu bán rất đắt khách nhưng giờ có đến 3-4 nhà cũng đầu tư nên không còn “chạy” hàng nữa”, chị Báo nói. “Vậy đã trả hết nợ ngân hàng chưa”? - tôi thắc mắc. “Hết lâu rồi chớ. Giờ bán được bao nhiêu là lãi thôi”, chị phấn khởi.

Trưởng bản Poọng Hoàng Thanh Tâm cho biết, gần đây bản không còn người nghiện mới

Cạnh nhà chị Báo là căn nhà sàn gỗ mới tinh, khang trang của Trưởng bản Hoàng Thanh Tâm. Anh Tâm cho biết, khoảng đầu năm 2013, bản này có điện. Bản có tổng cộng 86 hộ, trước đây bị nghiện khoảng 30 người. Trong số đó, có hàng chục cặp vợ chồng đã chết vì HIV/AIDS. Hiện tại, bản còn khoảng 10 người đang phải uống thuốc điều trị HIV. Và đặc biệt, trong năm nay, do làm tốt công tác tuyên truyền nên không còn ai nghiện mới.

Theo anh Tâm, việc có điện đã khiến bản Poọng đổi đời. Bản thân anh, ngoài 3 sào ruộng thì còn nuôi bò, lấy măng, làm rẫy... Năm 2011, anh Tâm bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua được 3 con bò, nay đàn bò nhà anh lên đến 10 con. Không những xây dựng được căn nhà gỗ khang trang, trong nhà anh Tâm, ngoài chiếc tủ lạnh mới tinh, tủ chè, quạt điện, ti vi, còn có cả giàn loa đài “khủng”… “Giờ nghĩ lại trước đây cứ như cơn ác mộng. Trước đây, hễ hở ra cái gì có tiền là đều mất toi. Nhiều thanh niên vốn dĩ hiền lành thế mà “cơn lốc trắng” đi qua, bỗng chốc trở thành con nghiện. Phụ nữ mất chồng, thanh niên nghiện ngập. Thú thật, buổi tối, bà con không dám ra ngoài vì sợ. Việc mất cắp lợn, gà xảy ra thường xuyên vì người nghiện nhan nhản. Giờ thì yên bình rồi. Bản đã có nhiều hộ sắm máy xay, máy xát, máy cày... Ngày xưa, cứ vụ mùa, chúng tôi đều phải đập lúa bằng tay thì nay, đã có máy tuốt, máy xay xát rất tiện lợi”, anh Tâm phấn khởi nói.

Đường lên Cò Cài

Chàng MC nhiễm HIV và nẻo đường thiện

Không được may mắn có điện như bản Pọong, bản Cò Cài (xã Trung Lý) vẫn còn phải dùng đèn dầu. “Lên khảo sát ở đây đã nhiều lần nhưng chưa có lần nào em không phải xắn quần đẩy ô tô. Quãng đường từ đường cái vào đến trung tâm bản chỉ 12km nhưng đi mất vài tiếng. Thậm chí hôm nào mưa, không biết lúc nào có thể ra vào”, Hưng Hải, một cán bộ của Công ty Viễn thông Quân đội Viettel cho biết.

Nằm cạnh chân núi, bản Cò Cài lác đác vài chục nóc nhà. Được biết bản này có địa bàn trải rộng, người dân chỉ thuần nghề nông. Chưa có điện lưới quốc gia, nhiều hộ trong vùng phải tự tìm nguồn điện bằng cách đặt tuabin dưới suối để lấy điện thắp sáng. Trên con đường nhỏ mấp mô vào bản, chúng tôi thấy nhiều băng-rôn treo trên các nhà sàn về phòng chống ma túy. Ngay đầu bản, một hòm thư tố giác tội phạm cũng được thiết lập.

Ông Ngân Văn Cảnh, Trưởng bản Cò Cài bảo, mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này và trong 32 năm làm trưởng bản đã từng chứng kiến nhiều cái chết đau đớn của bà con cũng chỉ vì một nhẽ: Đường đến bệnh xá xa xôi và vất vả quá. Bản có 109 hộ thì có 67 hộ nghèo, có 19 người đang phải điều trị HIV/AIDS. Hiện cũng có 7 đối tượng ở địa phương đang bị nghiện. Tính từ năm 2004-2007, có 24 người chết vì ma túy và HIV/AIDS, trong đó có nhiều người chết cả vợ lẫn chồng. “Địa bàn xa, nhiều thanh niên bỏ học nên tệ nạn trong lớp trẻ đang gia tăng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều người đang đứng lên làm lại cuộc đời”, ông Cảnh cho biết.

Hòm thư tố giác tội phạm được treo ở bản Cò Cài

Đứng trước mặt tôi, em Ngân Văn Dập (SN 1987, người dân tộc Thái) ở bản Cò Cài nhắc đi nhắc lại: “Em không phải người nghiện. Em thử một lần thì dính luôn”. Được biết nhà Dập có 4 anh chị em. Học hết lớp 9, Dập bỏ học và đua đòi bạn bè, lêu lổng. Trong một lần say rượu, bạn bè rủ rê nên Dập thử thuốc xem sao. Không ngờ lần đầu tiên và cũng là lần đẩy em dính HIV. Sau hai tháng, người bạn chơi chung thuốc với Dập lần đó chết, em mới hoảng hồn đi xét nghiệm và như rơi xuống vực vì biết “dính” AIDS. “Sáu thằng chơi chung thì hai đứa chết. Ba đứa đang điều trị và một đứa nữa chưa biết có bị hay không. Em lo sợ. Bố mẹ em lại càng sốc hơn và quá buồn. Tuy nhiên, khi có cán bộ y tế xuống động viên, bố mẹ em bắt đầu đỡ lo lắng và động viên em lấy thuốc đều”, Dập nói. Cũng theo em, sau 3 năm dùng thuốc đều đặn, sức khỏe Dập đã tốt hơn. Em không còn sốt về buổi chiều, hết tiêu chảy và đặc biệt là tinh thần cũng dần phấn chấn trở lại. Hiện, Dập đang là Phó Bí thư chi đoàn của bản Cò Cài.

“Sau khi bỏ nhóm bạn chơi thuốc, em bắt đầu vay tiền bố làm ăn. Bố cho 13 triệu đồng từ tiền đền bù ruộng đất, em vay thêm, sắm 20 bộ bàn ghế và phông rạp để cho thuê đám cưới. Bản chưa có MC, em đứng lên làm MC luôn. Mỗi đám cưới như thế, em thu 1,7 triệu đồng nhưng “lại quả” cho gia đình 200.000 đồng để lấy niềm tin. Nếu cho thuê cả loa đài và làm MC, em thu 3,5 triệu đồng, trừ chi phí tiền thuê loa bên ngoài, em cũng kiếm đủ sống”, Dập khoe.

Chia tay Mường Lát, chia tay Cò Cài, bản Poọng, chúng tôi ấn tượng mãi với những con người biết vượt qua số phận. Ấn tượng với cảnh khi giơ máy chụp ảnh bản Poọng, vài thanh niên đang sửa máy cày nhảy ra ngăn: “Không chụp đâu nhé. Chụp là mất máy ảnh đấy. Đây thoát nghèo từ lâu rồi”. Quả đúng như thế, nhiều bản làng ở đây đang dần dần đổi thay. Nhờ sự quan tâm của Chính phủ cùng các cấp chính quyền và nhiều doanh nghiệp, người dân ở đây đang dần thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Top